Có mặt trong lễ Vu Lan báo hiếu được thực hiện tại chùa Kim Sơn Lạc Hồng, xã Mông Hoá, TP Hòa Bình, tỉnh Hoà Bình, chị Nguyễn Ngọc Trâm (31 tuổi, ở huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình) dẫn con gái 5 tuổi đếm tham dự, chị không ngừng lau nước mắt khi tưởng nhớ đến mẹ mình. Chị đã mất mẹ 24 năm.
Chia sẻ với PV Đời sống & Pháp luật, chị Trâm bồi hồi nhớ đến những kỷ niệm về mẹ. Chị cho biết, chị đã mất mẹ khi mới 7 tuổi. Năm 1999, mẹ chị phát hiện bị bệnh hiểm nghèo. Khi ấy y tế cũng không phát triển như bây giờ. Chị là người biết tin đầu tiên biết tin mẹ mắc bạo bệnh và cũng thường xuyên đi cùng mẹ đến bệnh viện.
Chị nhớ mẹ mắc bệnh đầu năm và mẹ mất gần Tết Nguyên đán. Những năm Tết đầu tiên cảm xúc của tôi hụt hẫng khó tả. Đến tận bây giờ cứ mỗi dịp Tết đến, khoảnh khắc đêm Giao thừa hay ngày lễ Vu lan tôi đều nhớ về mẹ.
“Trong tâm trí tôi, mẹ luôn hiền dịu, chăm lo cho con và nụ cười ấm áp của mẹ in sâu vào tâm trí khiến tôi vô cùng xúc động mỗi khi nhớ lại”, chị Trâm bật khóc.
Lau giọt nước mắt lăn trên má, chị Trâm bồi ngồi kể tiếp, ngày ấy mới 7 tuổi nên chị chưa hiểu hết chuyện. Chị cũng chưa thấu hiểu hết nỗi trống vắng mất mẹ, tình mẫu tử không có gì bù đắp được.
Cô gái 31 tuổi nhớ mãi ngày mẹ mất khi đang làm tang bố đưa cho chị 2 tờ tiền mệnh giá 50 nghìn đồng và nói đây là tiền của mẹ. Chị chỉ nghĩ mẹ đưa tiền cho mình và đi đâu đó thôi chứ không nghĩ tiền đó là tiền mọi người đến dâng lễ viếng mẹ. Khi ấy chị không hiểu được hết mọi chuyện nhưng chị biết được mất mát, mồ côi mẹ mình sẽ thiệt thòi và phải cố gắng biết nhường nào?.
“Những ngày tháng sau đó hai chị em chị dựa vào tình thương, đùm bọc của cha. Thiếu thốn tình cảm của mẹ không gì có thể bù đắp được nhưng chị Trâm đã chấp nhận hiện thực và lấy đó để cố gắng. Chị cố gắng học tập lên đại học rồi ra trường đi làm.
Mùa Vu Lan đến ngồi đây nghe thầy, phật tử giảng dạy đạo lý lần nào tôi cũng khóc. Tôi đưa con đến đây để con hiểu được tình cảm mẹ con. Tuy còn bé thôi nhưng con sẽ có những phần nào lắng đọng trong mình trải nghiệm văn hoá, hiểu thêm tình cảm gia đình quan trọng thế nào, đặc biệt tình mẫu tử thiêng liêng ra sao.
Tôi mong muốn sau này con lớn lên sẽ là đứa trẻ hiểu chuyện, biết yêu thương gia đình, yêu thương mọi người không chỉ là những người thân trong gia đình mà những người biết yêu thương, biết chia sẻ cho tất cả mọi người ngoài cộng đồng để mọi người có thể hỗ trợ nhau trong cuộc sống tốt đẹp hơn. Nếu còn mẹ ở trên đời, tôi chỉ mong mẹ nhiều sức khoẻ. Điều này không phải chỉ riêng mình mà mong cho tất cả những người làm mẹ trong đó cả tôi có sức khoẻ để nuôi con khôn lớn, nên người", chị Trâm chia sẻ.
Cũng chung hoàn cảnh mồ côi chị Nguyễn Thị Thảo (42 tuổi, ở Hoà Bình) vượt quãng đường 30 km cùng người thân, bạn bè đến dự lễ Vu Lan báo hiếu, chị vô cùng xúc động khi nhắc đến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Chị Thảo mất cha cách đây 7 năm. Một năm sau đó, mẹ của chị cũng qua đời trong sự xót thương của gia đình, con cháu.
"Trong ký ức của tôi lúc nào bố mẹ cũng lo toan cho con cái. Tôi đến đây khi nghe những chia sẻ về đại lễ Vu Lan tôi không kìm được lòng. Nỗi nhớ cha mẹ càng thêm da diết", chị Thảo bày tỏ.
Đại đức Thích Trí Thịnh, Phó Ban trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình, Chủ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng cho biết, dịp đại lễ Vu Lan báo hiếu này, tại các cơ sở tự viện thường được tổ chức với các hoạt động như Tụng kinh-sám Vu Lan, kinh báo hiếu phụ mẫu, kinh Mục Liên sám pháp, kinh A Di Đà…; lễ cầu siêu cho anh linh anh hùng liệt sỹ, tổ tiên trong gia đình; pháp thoại thuyết giảng ý nghĩa Vu Lan báo hiếu; nghi thức "Bông hồng cài áo" tri ân công đức sinh thành của cha mẹ; nghi thức thắp nến tri ân và truyền hoa đăng tưởng niệm anh linh anh hùng liệt sỹ và cửu huyền thất tổ; chương trình nghệ thuật về công cha nghĩa mẹ…
Trong các hoạt động kể trên, "Bông hồng cài áo" chính là nghi thức mang tính chất tôn vinh cao nhất. Bông hoa hồng được chọn là biểu tượng của tình yêu, sự cao quý và ngát hương. Việc nhớ về bậc sinh thành và cài lên ngực bông hoa cao quý là tình cảm đẹp nhất, là chữ "Hiếu" mà con cái gửi đến bậc sinh thành.
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, trong dịp đại lễ Vu Lan, mọi người nên làm những điều thánh thiện nhất. Con cái phải nhìn lại xem mình đã hiếu kính, phụng dưỡng cha mẹ thế nào. Ngược lại, mẹ cha cũng phải xem đã làm hết thiên chức của mình chưa. Bên cạnh đó, mọi người cũng phải san sẻ tình yêu thương tới mọi người.
"Đại lễ Vu Lan, con cháu thể hiện lòng hiếu thảo với tổ tiên, cha mẹ. Những ngày này mọi người thường đến chốn chùa cầu nguyện cho tâm linh. Nhiều người ăn chay hướng về tổ tiên ông bà rồi làm việc thiện, phóng sinh… Ngoài việc thể hiện tấm lòng hiếu thảo thì mình phải sống sao cho thật hạnh phúc. Con người có cuộc sống tốt đời đẹp đạo thì bố mẹ sẽ an tâm an hưởng tuổi già", Đại đức Thích Trí Thịnh chia sẻ.
Vào những ngày này, trên khắp cả nước, các gia đình đều thành kính chuẩn bị ngày lễ Vu Lan. Với nhiều gia đình, đây là ngày lễ lớn thứ 2 trong năm sau Tết Nguyên đán, bởi đây là ngày xá tội vong nhân và lễ Vu Lan báo hiếu cha mẹ. |
Mộc Trà