+Aa-
    Zalo

    Lễ tạ lỗi có gột rửa hết hành vi bạo lực?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Hành vi quỳ trước mọi người của học sinh dễ gây hiểu lầm đó là sự sỉ nhục.

    (ĐSPL) - Hành vi quỳ trước mọi người của học sinh dễ gây hiểu lầm đó là sự sỉ nhục.

    Sau khoảng thời gian xảy ra liên tiếp các vụ bạo lực học đường, sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh kết hợp cùng với ban giám hiệu các nhà trường nơi xảy ra tình trạng bạo lực đã đưa ra kết luận và có những hình thức kỷ luật đối với từng học sinh. Tuy nhiên, hình thức kỷ luật chủ yếu là phê bình trước lớp, hạ hạnh kiểm hay đình chỉ học một thời gian... Nhiều người cho rằng, đây là những hình thức kỷ luật cũ và không đủ tính răn đe.

    le-ta-loi-co-got-rua-het-hanh-vi-bao-luc-1

    Nhiều chuyên gia giáo dục băn khoăn tìm giải pháp để hạn chế bạo lực học đường (ảnh minh họa).

    Nhiều nhà khoa học, giáo viên tham gia tọa đàm “Bạo lực học đường” - nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa do viện Khoa học giáo dục Việt Nam tổ chức mới đây đã đưa ra những kế “lạ” để ngăn chặn tình trạng này. Đặc biệt, theo PGS.TS Mạc Văn Trang (nguyên cán bộ nghiên cứu viện Khoa học Giáo dục Việt Nam), nên có lễ tạ lỗi cho học sinh đánh bạn. Trong lễ chào cờ, để các em tham gia đánh bạn quỳ gối tạ lỗi với em bị đánh.

    Tạo cơ hội giác ngộ

    PGS.TS Mạc Văn Trang - người đề xuất lễ tạ lỗi cho rằng: “Ông cha ta có câu: “Miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời”. Bây giờ thay vì đánh đòn, chúng ta cần phải có tác động tâm lý thật mạnh nhằm thức tỉnh thái độ tình cảm ở những đứa trẻ đã đánh bạn. Như vậy mới gây được ấn tượng, để trẻ có thể ghi nhớ”.

    le-ta-loi-co-got-rua-het-hanh-vi-bao-luc-2

    PGS. TS Mạc Văn Trang.

    Theo vị chuyên gia này, thực hiện buổi lễ tạ lỗi là chúng ta đã tạo cơ hội cho trẻ mắc lỗi được nói lời xin lỗi với thầy cô, cha mẹ, bạn bè. Trẻ bị xúc phạm có cơ hội nói ra những lời tha lỗi với bạn. “Tôi tin rằng, trước không khí trang nghiêm, các em nói ra được nỗi lòng mình thì tâm lý các em được giải tỏa, mọi hiềm khích trong các em sẽ được xóa sạch”, ông Trang nhấn mạnh.

    Cũng theo PGS Trang, trước ngày lễ tạ lỗi, Ban giám hiệu nhà trường cần có một buổi trao đổi với những học sinh đã tham gia đánh bạn. Các thầy cô và gia đình sẽ làm công tác tư tưởng để học sinh phạm lỗi đó tự nhận thức được điều sai.

    “Cách chúng ta làm không mang tính bắt buộc. Học sinh nếu chưa thật sự muốn xin lỗi thì cũng không nên ép các em. Còn nếu mình không làm một nghi lễ trang trọng như thế, chúng sẽ mãi ngượng ngùng, chưa giải thoát được sự sợ hãi. Tạo một không khí trang nghiêm là chúng ta tạo điều kiện cho các em được giác ngộ”, vị này phân tích.

    Dễ bị coi là sỉ nhục

    Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, PGS. Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh cho rằng, việc tổ chức một lễ tạ lỗi không hề đơn giản và nó chỉ mang tính chất tạm thời, trước mắt.

    le-ta-loi-co-got-rua-het-hanh-vi-bao-luc-3

    PGS Văn Như Cương.

    Thầy có nhận định như thế nào về việc đề xuất cho học sinh đánh bạn quỳ gối trong lễ tạ lỗi?

    Về lâu dài, lễ tạ lỗi sẽ lại quay về hình ảnh của những học sinh phạm lỗi bị nêu tên trước toàn trường trong mỗi buổi lễ chào cờ mà thôi. Theo tôi, những học sinh tham gia đánh bạn không dễ gì có thể quỳ trước toàn trường. Bởi vì để các em nhận ra sai lầm của mình không hề dễ. Hơn thế nữa môi trường chúng đang sống và học tập đầy rẫy những hành vi bạo lực xảy ra xung quanh: Bố mẹ cãi nhau,  phim bạo lực, game kiếm hiệp, áp lực học hành từ phía nhà trường... Vì vậy, một buổi lễ tạ lỗi có lẽ sẽ không gột rửa hết những hành vi bạo lực đang bủa vây quanh các em. Các em có thể hiểu đó là một sự sỉ nhục và khi đó cách giáo dục của chúng ta coi như thất bại.

    Thay vì lễ tạ lỗi, theo thầy cần có biện pháp xử lý như thế nào đối với  những học sinh đánh bạn?

    Với những học sinh có hành vi côn đồ, nhà trường cần phải xử lý nghiêm. Chúng ta  có thể đình chỉ học đến cả năm nếu nhận thấy hành vi bạo lực của học sinh ẩn chứa nguy cơ nghiêm trọng. Lúc này, học sinh đó có thể sẽ đánh mất chính mình, sớm lao vào con đường tệ nạn nếu bị mọi người quay lưng. Nhưng thầy cô, bố mẹ, bạn bè là những người làm công tác tư tưởng luôn ở bên, chia sẻ, giao lưu để học sinh đó dần hiểu ra những sai lầm của mình, hiểu được cái giá đắt phải trả cho hành vi của mình. Từ đó, các em sẽ biết cân nhắc trước những hành động nên và không nên. Để làm được việc này là một vấn đề nan giải. Vậy nên, giáo dục nước nhà cần những người thầy, người cô thật sự có trách nhiệm, hết sức tâm huyết với nghề.

    Dường như đôi lúc, đánh nhau trở thành một “trào lưu” và được các em học sinh coi đó là cách thức hữu hiệu để giải quyết xung đột. Theo PGS, làm thế nào để hành vi này không lan rộng?

    Ngay sau khi sự việc này xảy ra, nhà trường nên có những cuộc hội thảo tại các lớp để các em tự nói lên ý kiến của mình. Cho học sinh tự phân tích, đánh giá vấn đề. Chúng ta hãy lắng nghe, giải thích thật thấu đáo để các em nhận thức ra hành vi của mình. Trước đến nay, những tấm gương tốt chúng ta vẫn thường nêu ra để tôn vinh, khen thưởng. Vậy tại sao những tấm gương cần phê bình chúng ta lại né tránh? Đó cũng là sai lầm mà chúng ta cần rút kinh nghiệm.

    Thuốc độc ngấm từ từ cần điều chỉnh dần dần

    Đó là lời nhận định của chuyên gia tâm lý Lê Khanh (phòng  Tư vấn Tâm lý Gia đình và Trẻ em) về việc đề xuất lễ tạ lỗi cho những học sinh đã tham gia đánh bạn.

    le-ta-loi-co-got-rua-het-hanh-vi-bao-luc-4

    Chuyên gia tâm lý Lê Khanh.

     Theo ông, việc làm này không những không giải tỏa được tâm lý của những đứa trẻ đã đánh bạn mà còn tạo thêm áp lực với các em khi phải quỳ trước các thầy cô, trước bạn bè. Hình thức kỷ luật như vậy rất dễ bị đánh đồng với sự sỉ nhục. Nếu không khéo léo, thì kết quả của quá trình giáo dục chúng ta gặt hái được là sự phản giáo dục. Những hành vi bạo lực sẽ gia tăng về số lượng, có thể nguy hiểm hơn về hành vi.

    Chuyên gia Lê Khanh nhận định, những đứa trẻ đánh bạn cũng chỉ là những nạn nhân của bạo lực. Tại một số trường học đã có phòng tư vấn tâm lý học đường nhằm giải đáp những thắc mắc cũng như giải tỏa những khúc mắc, bức xúc cho trẻ. Tuy nhiên, những phòng ban đó dựng lên chỉ mang tính hình thức. Vì nhiều lý do như vấn đề nhân lực, chế độ lương bổng không ổn định nên đến nay, nhiều phòng vẫn bỏ ngỏ. Hay nếu có thực hiện cũng chỉ mang tính chất đối phó cho có lệ mà thôi.

    Vì vậy, theo ông Khanh, muốn đẩy lùi tình trạng đánh nhau trong nhà trường, chúng ta cần gieo vào cuộc sống hàng ngày những cử chỉ đẹp. Đó là những tấm gương người tốt việc tốt, gia đình bố mẹ hãy biết chăm sóc, quan tâm đến chúng  hơn, hạn chế những hành vi bạo lực trước mặt trẻ. Nhà trường cũng cần có những cuộc trao đổi. Có thể làm đồng bộ hoặc với từng lớp. Trong cuộc hội thảo ấy hãy để  học sinh tự nêu lên ý kiến của mình, trao đổi, tranh luận một cách thẳng thắn để chúng tự rút ra được bài học sau sự việc. “Bạo lực học đường như một liều thuốc độc, chúng đang ngấm từ từ vào hành vi của trẻ, nếu chúng ta không có những biện pháp can thiệp kịp thời, sau này sẽ còn xảy ra những câu chuyện thương tâm hơn”, ông Khanh nhấn mạnh.

    le-ta-loi-co-got-rua-het-hanh-vi-bao-luc-5

    Phan Ngọc (Trái) và Nguyễn Diệp Anh (Trái).

    Lễ tạ lỗi để làm gì? Vấn đề sẽ chẳng đi về đâu cả. Hiện tượng bạo lực ngày càng gia tăng hiện nay trong học sinh xuất phát từ nhiều phía, trong đó đặc biệt là giáo dục. Sự thất bại của giáo dục là việc tạo ra môi trường sống và học tập đầy hằn học bạo lực vốn dĩ đã đến từ thế hệ cha mẹ, thầy cô của các em.

    VĂN THOA

    Chẳng để làm gì cả nếu lời xin lỗi không đi đôi với việc điều chỉnh hành vi của học sinh.

    NGUYỄN DIỆP ANH

    Đó chỉ là hình thức. Trong số các vị chuyên gia cho ý kiến, có bao nhiêu người trực tiếp tham gia đứng lớp, giáo dục học sinh phổ thông hay chỉ lý thuyết giáo điều. Mời PGS. TS Mạc Văn Trang xuống cơ sở thực hiện “Ở lại cùng hòa giải và yêu thương” trong thực tế để giáo viên ở cơ sở học tập.

    PHAN NGỌC

    le-ta-loi-co-got-rua-het-hanh-vi-bao-luc-6

    Bạch Hưng.

    Theo tôi, nếu mỗi lớp chỉ khoảng 20 cháu, thầy cô sẽ tập trung dạy và quản lý các cháu được tốt hơn, dạy kỹ năng sống, giao tiếp, cư xử…Thầy cô sẽ luôn lắng nghe ý kiến của các cháu và động viên, xử lý kịp thời nếu có chuyện gì xảy ra.

    BẠCH HƯNG

    CÙ HIỀN

    Xem thêm clip: Học sinh lớp 9 đâm chết bạn trong giờ ra chơi

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/le-ta-loi-co-got-rua-het-hanh-vi-bao-luc-a89416.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan