Dịp lễ mang “hương vị quê nhà”
Lễ Nowruz thường gắn với truyền thống của người Iran nhưng cũng là một lễ hội phổ biến với người Afghanistan. Lễ Nowruz được tổ chức vào khoảng ngày 20/3 hàng năm, đánh dấu sự bắt đầu của mùa xuân. Đối với những người Afghanistan xa xứ, dịp lễ này được ví là “hương vị quê nhà”.
NPR cho biết trong những năm qua, nhiều người tị nạn Afghanistan tại Mỹ đã tổ cùng nhau tổ chức các lễ Nowruz như một cách chào đón mùa xuân và hướng tới quê nhà. Họ thường tận dụng thời gian gần cuối tuần và tổ chức buổi lễ sớm tại các trung tâm cộng đồng, phòng khiêu vũ khách sạn, nhà riêng hoặc bất kỳ nơi nào ngoài trời.
Được biết, Nowruz bắt nguồn từ truyền thống Zoroastrian tiền Hồi giáo. Nowruz và những lễ hội khác đi kèm thể hiện liên kết văn hóa và xã hội quan trọng với người Afghanistan. Theo truyền thống, người Afghanistan ăn mừng lễ Nowruz bằng việt đốt lửa trong vườn và nhảy qua đó. Hành động này mang ý nghĩa thanh lọc và sẽ đem đến nguồn năng lượng khi năm cũ đi qua và năm mới đang tới.
Bên trong nhà, người Afghanistan sẽ đặt một bàn thờ được gọi là Haft-seen. Trên bàn thờ, người Afghansitan sẽ đặt 7 vật tượng trưng bắt đầu bằng chữ “S”. Trong quá khứ, người ta thường đặt tất cả những thứ này trên một lớp áo hoặc một loại vải được thiết kế như một chiếc khăn trải bàn được gọi là “Sofreh”.
Những vật phẩm được bày trên Haft-seen sẽ đại diện cho những điều mà bạn cầu chúc trong năm mới, bạn có thể đặt táo để cầu sức khỏe, nến để thắp sáng, trứng để sinh sản, cỏ lúa mì để tái sinh và đổi mới, giấm đề cầu sự khôn ngoan và một đồng tiền vàng cho sự dồi dào và thịnh vượng. Mỗi gia đình sẽ được quyền tự những vật có ý nghĩa với riêng họ.
Lễ Nowruz kéo dài trong 2 tuần. Vào cuối lễ hội, người Afghanistan sẽ lấy cỏ lúa mì mà họ đặt trên bàn thờ và đem xuống một nơi nào đó có nước chảy. Theo đó, người Afghansitan thắt cỏ lúa mì và ném nó vào một vòi nước đang chảy. Cỏ lúa mì này sẽ trôi đi cùng với tất cả những hy vọng và ước mơ của họ trong năm tới.
Wazhmah Osman, một nhà văn và nhà làm phim người Mỹ gốc Afghanistan, cho biết gia đình cô đã di cư đến thành phố New York (Mỹ) vào năm 1984 sau nhiều năm tị nạn ở Pakistan. Trong tất cả các truyền thống Afghanistan vẫn được gia đình cô duy trì đến nay, Osman nói rằng Nowruz là dịp lễ đặc biệt nhất. Cô chia sẻ lễ Nowruz là một phần thời thơ ấu của cô và luôn gợi nhắc cô về những năm tháng còn ở quê nhà Afghasnitan.
Cách người Afghanistan xa xứ ăn mừng lễ Nowruz
Nói về cách ăn mừng lễ Nowruz, cô Wazhmah Osman cho biết trong những ngày này, cả gia đình cô sẽ tụ tập tại nhà của dì cô ở Manhattan để cùng nấu những bữa ăn truyền thống Afghanistan như món qabuli pilau, một món cơm trộn với nho khô, cà rốt, thịt bò hoặc thịt cừu, và haft-mewa, món tráng miệng trong lễ Nowruz được làm từ trái cây sấy khô.
Vào năm 2017, lễ Nowruz từng được tổ chức ở Manassas (Bắc Virginia), với gần 80 gia đình tham dự. Cũng giống như khi còn ở Afghanistan, hội trường tổ chức được chia thành 2 bên, một chon am và một cho nữ. Lễ hội cũng phục vụ các món ăn tự chọn là những món truyền thống của Afghanistan và một ban nhạc chơi nhạc Afghanistan. Trong thời gian diễn ra lễ Nowruz, những người hàng xóm và bạn bè sẽ đến thăm nhà nhau, giống như nhưng chuyến thăm gia đình kéo dài mà họ thực hiện khi còn ở Afghanistan.
Ông Mohammad Shafiq, cựu cố vấn truyền thông cấp cao của NATO, người đã đến Mỹ vào năm 2014 theo chương trình Thị thực nhập cư đặc biệt (một chương trình đặc biệt dành cho người Afghanistan và Iraq, những người đã làm việc với chính phủ hoặc quân đội Mỹ), nhận định lễ Nowruz là một lễ hội của cộng đồng.
Ông Shafiq chia sẻ: “Trong lễ Nowruz, chúng tôi thường sẽ nấu nhiều đồ ăn hơn bình thường để khi có người ghé thăm, chúng tôi sẽ luôn sẵn sàng mời họ dùng bữa”.
Tại Chicago, lễ Nowruz cũng được tổ chức trong cộng đồng người Afghanistan. Theo đó, dịp lễ được chia thành 2 phần. Phần đầu tiên thường được tổ chức trong các khách sạn còn phần thứ hai diễn ra sau đó 13 ngày, bằng một buổi dã ngoại ngoài trời. Trong những tháng mùa xuân ấm áp ở Afghanistan, dã ngoại được xem là một sự kiện cộng đồng.
Với những người Afghanistan không sống theo cộng đồng, việc bảo tồn truyền thống cũng mang ý nghĩa sâu sắc. Cô Sabira Ebaady, người từng tự nhận mình là "một trong hai người Afghanistan duy nhất ở bang Louisiana" (người còn lại là em gái của cô), cho biết cô đã dành phần lớn lễ Nowruz ở Mỹ một mình trước khi em gái cùng cô đến New Orleans vào năm 2016.
Với những người Afghanistan không sống riêng lẻ, họ đã bắt đầu chuẩn bị cho dịp lễ Nowruz từ nhiều tuần khi đậu lăng nảy mầm, theo truyền thống được coi là biệu tượng của quá trình tái sinh.
Cô Ebaady cho biết mầm đậu lăng của cô được đặt làm trung tâm cho bàn Haft-seen. Trong đó, mầm đậu lăng là một trong 7 món đồ tượng trưng cho sự đổi mới. Một ngày trước bữa tiệc lớn, cô sẽ nấu nhiều món ăn, bao gồm sebzah, một món cơm với rau xanh, tượng trưng cho sự giàu có và sức khỏe, và món tráng miệng haft-mewa truyền thống.
Sau đó, cô Ebaady sẽ đi ra ngoài trời để thưởng thức một bữa ăn theo phong cách Afghanistan. Cô cho biết những bữa ăn này không linh đình như những khi cô còn ở Ghazni và trong cộng đồng người tị nạn ở Pakistan nhưng cũng đủ để mang đến “hương vị quê nhà” cho người con Afghanistan xa xứ.
Minh Hạnh(Theo NPR, CNN)