(ĐSPL) – Lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng, Bắc Ninh đã thu hút sự chú ý của nhiều hãng truyền thông quốc tế.
Lễ hội chém lợn ở Ném Thượng gây tranh cãi
Ngày mùng 6 Tết Nguyên đán 2015 (24/2), người dân làng Ném Thượng (Bắc Ninh) vẫn tổ chức lễ hội chém lợn mặc dù vấp phải sự phản đối của nhiều người. Không chỉ dư luận trong nước mà truyền thông nước ngoài cũng quan tâm đến lễ hội này.
Nhiều tờ báo nước ngoài như EPA, Daily Mail đã đưa tin về lễ hội truyền thống có lịch sử hàng trăm năm của người dân Bắc Ninh.
Hình ảnh trong lễ hội chém lợn tại làng Ném Thượng, Bắc Ninh. (Ảnh Reuters) |
Dailymail đưa tin, hàng nghìn người dân đã tập trung để chứng kiến lễ chém lợn tại làng Ném Thượng (Bắc Ninh) vào buổi sáng ngày 24/2. Cũng theo tờ báo này, mặc dù lễ hội chém lợn được cho là sẽ đem lại may mắn cho người dân nhân dịp đầu năm mới nhưng nhiều người đã bày tỏ ý kiến phản đối.
“Chúng tôi đang chứng kiến luồng dư luận phản đối lễ hội chém lợn. Những người muốn bảo vệ lễ hội này đã sử dụng yếu tố văn hóa để bào chữa. Việc thiếu những luật lệ bảo vệ động vật cũng đã góp phần đưa tới hiện trạng này”, Daily Mail dẫn lời ông Tuan Bendixsen, giám đốc Tổ chức Động vật Châu Á tại Việt Nam.
"Việt Nam cần ban hành luật cấm ngược đãi thú vật", ông Tuan Bendixsen cho hay.
Nhằm ngăn chặn lễ hội chém lợn, tổ chức bảo vệ động vật trụ sở tại Luxembourg đã khẩn cầu chính phủ Việt Nam ban hành lệnh cấm lễ hội. Quỹ động vật châu Á (AAF) có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc) đã thu thập được 12.000 chữ ký nhằm phản đối tục chém lợn.
Trong khi đó, nhiều người dân Ném Thượng và người dân Bắc Ninh đều cho rằng, lễ hội là bản sắc văn hóa địa phương bao đời nên không thể có chuyện “bị ép bỏ”.
“Lễ hội là lựa chọn của làng, lễ hội chém lợn không vi phạm pháp luật và phải được định đoạt bởi chính người dân của làng Ném Thượng chúng tôi. Chúng tôi muốn giữ gìn truyền thống của cha ông”, Daily Mail dẫn lời ông Nguyen Dinh Loi ở làng Ném Thượng.
"Lễ hội này hoàn toàn không vi phạm pháp luật nên nhà chức trách chỉ có thể đề nghị người dân tổ chức theo hình thức khác. Tuy nhiên, nó không được làng Ném Thượng đồng ý. Họ tuyên bố vẫn tiến hành các hoạt động ‘phù hợp với truyền thống’", ông Nguyen My Hoan, quan chức phụ trách văn hóa tỉnh Bắc Ninh, cho biết.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nói gì về lễ hội chém lợn?
Chiều 2/3, Chính phủ đã tổ chức cuộc họp báo thường kỳ với sự tham gia của lãnh đạo 9 bộ ngành.
Tin tức trên báo điện tử VnExpress dẫn lời Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên tại buổi họp báo cho biết, lễ hội là một sự kiện văn hóa được tổ chức mang tính cộng đồng, là sinh hoạt văn hóa dân gian hầu như có mặt ở khắp mọi miền đất nước. Nhiều lễ hội ra đời cách đây hàng nghìn năm đến nay vẫn được duy trì.
Lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng (Bắc Ninh) nói riêng, lễ hội dân gian của cộng đồng các dân tộc nói chung là nghi thức tín ngưỡng, là đời sống văn hóa tâm linh của người dân địa phương.
Lễ hội chém lợn đã gây nhiêu tranh cãi. |
Theo ông Nên, việc tổ chức lễ hội cần được dựa trên nguyên tắc tôn trọng ý nguyện của cộng đồng; đồng thời, đề cao các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp và tính nhân văn, loại bỏ các hủ tục không còn phù hợp với xã hội văn minh, bảo đảm phù hợp với Công ước quốc tế về bảo vệ sự da dạng văn hóa của UNESCO mà Việt Nam tham gia.
Bộ trưởng cho biết thêm, trên cơ sở tiến hành tham vấn ý kiến cộng đồng, tổ chức điều tra xã hội học, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương các cấp rà soát, hướng dẫn, cách thức tổ chức lễ hội và thực hành nghi lễ phù hợp.
“Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ VH-TT-DL phối hợp các ngành, địa phương tổ chức tọa đàm để đánh giá các lễ hội, cái gì tốt đẹp thì phát huy, nhân rộng; cái nào không còn phù hợp, không còn tốt đẹp, giá trị không cần thiết thì nên xem xét, lên án. Văn hóa lễ hội có nhiều cấp độ và cần nhìn nhận và làm rõ”, VOV dẫn lời Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên.
Lễ hội chém lợn được bắt nguồn từ một truyền thuyết xưa. Vị tướng Đoàn Thượng khi đánh trận chạy đến vùng núi Ném Thượng đồn trú đã chém lợn rừng nuôi quân. Từ đó, hằng năm người dân mở hội chém lợn để tưởng nhớ người có công khai khẩn đất đai. Vào ngày 6 tháng Giêng âm lịch hằng năm thu hút hàng nghìn người dân đến tham dự và chứng kiến cảnh chém lợn hiến tế, sau đó lấy tiền quết máu heo với hi vọng mang đến nhiều may mắn trong năm mới. |