+Aa-
    Zalo

    Lật tẩy 'thánh cô' có độc chiêu trả góp

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Có những khóa lễ, bà hét giá lên đến 50 triệu đồng. Sau thời gian ngắn chăm sóc và cò kè khách..., chi phí có thể giảm còn 40 triệu đồng.

    (ĐSPL) - Có những khóa lễ, bà hét giá lên đến 50 triệu đồng. Sau thời gian ngắn chăm sóc và cò kè khách..., chi phí có thể giảm còn 40 triệu đồng. Hài hước ở chỗ, nếu khách chưa có đủ tiền thì "thánh cô" cho chịu rồi... trả dần.
    Thành “thánh” sau... một cơn điên
    Để vạch mặt chiêu trò câu khách trục lợi núp dưới danh “thánh cô”, PV có cuộc thâm nhập đến địa chỉ nhà bà Lê Thị Đĩnh (50 tuổi, trú thôn Đông Thành, xã Vũ Bản, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam). Hỏi người dân quanh xóm về người đàn bà này, họ cho hay: “Sau cơn điên mấy năm liền không khỏi, bà ta được chồng đưa đi lễ rồi về mở điện. Từ ngày ấy, bà tự cho mình là người có khả năng “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”.

    Một “thánh mẫu” đang khám chữa bệnh trái phép cho người dân (ảnh T.L).

    Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thái Nam, Chủ tịch UBND xã Vũ Bản xác nhận: “Bà Đĩnh hoạt động bên lĩnh vực tâm linh, nhưng chuyện làm một khóa lễ đến 30 triệu hay cho khách nợ đến mấy chục triệu để trả dần thì chúng tôi chưa nắm được thông tin. Bà ta hành nghề được khoảng ba năm. Tuy nhiên ở xóm ấy và xung quanh xã này, không ai tin lời bà ấy phán”.
    Khi tôi đến, trong nhà bà có khoảng gần chục người đang ngồi “bám” quanh “thánh cô”. Đến lượt ai xem, bà đều không quên nhắc khéo “con đã đặt lễ chưa?”.
    Cuộc “cò kè” ngay trước ban điện
    Sau màn khua chiêng, gõ mõ, miệng liên hồi lẩm nhẩm, bà bắt đầu lên đồng. “Con nhang” là một người đàn bà chừng ngoài 30 tuổi, không biết bà phán có đúng không nhưng tôi thấy chị gật đầu rối rít. Sau vài câu hỏi tên, tuổi,..., “thánh” phán: “Trong nhà có cái tà nữ, nó đang quấy phá vợ, chồng con, nên không làm ăn được gì đâu. Con phải lễ ngay đi, không thì vợ chồng sớm ly dị thôi”.
    Vừa nói, mắt “thánh” không quên liếc về phía người phụ nữ đang hiện hữu sự lo lắng trên khuôn mặt. Người đàn bà khẽ gặng hỏi: “Thưa thầy, nếu lễ thì nhà con hết nhiều không ạ?”. “Thánh” như bắt được vía “con mồi”, đôi tay chắp lại, tiếp tục khấn vái như đang truyền ý lệnh bề trên: “Khoảng 30 triệu thôi, ta làm phúc cho, chứ còn lễ nơi khác phải hết đến 50 triệu cũng không giải được con ạ”.
    Nghe “thánh” phán vậy, “con nhang” lo lắng phân trần: “Nhưng nhà con túng quá thầy ạ, dạo này bố mẹ con ốm suốt nên đang lo chạy chữa...”. Bà Đĩnh lẩm bẩm trong miệng, khấn vái một hồi rồi nói tiếp. “Ta vừa xin bề trên cho con rồi. Các ngài thương con nên ta lễ “hộ”, chi phí lễ 25 triệu thôi, không thể giảm thêm được đâu con ạ, cái tà nhà con nặng lắm”.

    “Thánh cô” Lê Thị Đĩnh đang phán cho các “con nhang”.


    Người đàn bà nghe xong có vẻ ưng nên hỏi luôn về lễ vật và thời gian lễ. Bà Đĩnh gật đầu vẻ ưng ý, bảo người đó ra một góc ngồi đợi, bà lễ xong cho mọi người sẽ… bàn tiếp.
    Lần lượt sau đó, một cô gái trạc tuổi tôi, sau khi nghe tên, tuổi..., bà phán: “Con phải cắt duyên đàn, cắt duyên âm, làm lễ giải hạn không thì năm nay khó mà tai qua nạn khỏi được. Số con không khổ đâu, nhưng phải lễ xong thì mới… sướng được. Nghe cô, lễ đi cho nhẹ nhàng con ạ. Chứ không cứ có người đến rồi lại đi thôi...”.
    Cô gái chần chừ, chưa thật sự tin thì “thánh” tiếp tục thuyết phục với giọng mềm mỏng: “Con có thấy không, đây này, người đang đến với con họ rất tốt, bảnh bao, nhưng cái tà nam nó cứ ám theo. Bảo sao, bao người đến rồi lại đi...”.
    Lúc này, cô gái như đã tìm được người nói lên nỗi lòng mình, đôi mắt sáng lên, cô vồ vập: “Vâng, con cũng không hiểu sao cứ có người đến rồi lại như bị điều gì cản họ lại cô ạ. Khóa lễ của con thì hết bao nhiêu hả cô?”- giọng cô gái thỏ thẻ.
    Bà lại chắp tay khấn vái, đôi mắt lim dim: “Mười triệu con ạ. Thôi, ta ghép bè tạo phúc, con cứ ra kia ngồi, lát nữa ta ghép con làm cùng mọi người, chắc sẽ không đến từng ấy đâu. Con cứ yên tâm, ta không lấy đắt đâu”, bà nói thêm.
    Nói rồi, tay bà nắm chặt lấy tay cô gái như vẻ cảm thông, chia sẻ sâu sắc. Cô gái dạ, vâng rồi ra một góc ngồi cùng mấy người đàn bà xem trước đó.
    Xem thêm video: Lật tẩy “chủ trang mạng” lừa đảo “khách hàng may mắn”.

    “Không lễ thì cầu cho… nhà tan cửa nát”?
    Tôi di chuyển qua chỗ mấy người vừa xem. Sau vài ba câu chuyện, các chị đã coi tôi như người “cùng hội cùng thuyền”. Chị Nga (37 tuổi, quê ở Thái Nguyên) chia sẻ: “Nhà chị thầy phán có cái tà trong nhà, nên gia đình lục đục, vợ chồng cự cãi nhau suốt, con cái ốm đau dặt dẹo. Hôm nay, chị đến nhờ “thầy” lễ, vừa trừ tà, vừa cắt duyên đàn, giải hạn, tất cả hết 45 triệu cơ đấỵ. Nhưng sau một tuần, “thầy” thấy hoàn cảnh nhà chị không có nên giảm xuống còn 30 triệu thôi. Hôm nay, chị mang một ít xuống đặt cọc để thầy đặt lễ. Khi nào lễ xong, chồng chị lĩnh tiền đi xây, chị trả dần. Chứ không làm rồi lúc hối không kịp em ạ”.
    Cạnh đó, một người tên Xuyến (quê Thái Bình, khoảng 40 tuổi) cũng góp vào câu chuyện. Được biết, chồng bà đang đi làm bình thường, tự nhiên dạo này giở chứng rượu chè, bài bạc, lăng nhăng. Sang đây, “thầy” gọi ra căn quả phải lễ ngay, khóa lễ mất chục triệu. “Khi tôi hỏi liệu lễ có khỏi không?”. “Thầy” nói: “Sai đúng chưa rõ thế nào, nhưng “thầy” đã gọi ra như vậy rồi mà không làm thì sao mà ăn ngủ được hả cháu...”.
    Sau gần hai tiếng đồng hồ túc trực ở nhà “thánh cô”, hầu như bà gọi ra ai cũng phải lễ, nhưng một số người xin khất về thuyết phục gia đình. Còn lại tôi và bốn người đàn bà ngồi đợi thầy ra trò chuyện. Bà rót nước, đon đả mời từng người luôn miệng nói: “A di đà phật, nhờ có bề trên soi xét, nên ta mới sang tai sang tiếng cho mọi người để lễ đi cho đỡ khổ. Như thằng bé con nhà Miến ở xóm Đình, năm 18 tuổi, tôi bảo nếu không lễ sẽ bị rơi vào vòng pháp luật. Nhà nó tiếc tiền không làm, Tết vừa rồi bị bắt vì tội ăn trộm. Mẹ nó ra lạy van tôi làm ngay giúp, giờ thì ngon lành rồi, mới lát cho thầy cái nền nhà đá hoa để cảm ơn thầy đây này”, bà nói.

    Tôi hỏi: “Họ lễ vậy có khỏi thật không thầy?”.

    –Sao lại không? - Giọng bà ta đanh lại.

    “Thầy” đã làm phúc, còn mang tiền đi làm lễ cho họ, vậy phải tính lãi thế nào ạ?

    - Tôi làm phúc, lấy lãi làm gì. Nhưng người ta cũng biết điều, người thì mua quả nón dâng lên điện, người thì biếu tôi xấp vải, bộ đồ đi lễ, rồi đặt phong bì, họ toàn là những người biết nghĩ trước sau cả...

    Vậy nhỡ người ta không trả thì sao thầy?

    Bà cười rũ rượi, giọng oang oang: “Không trả thì họ sẽ nợ với bề trên, tôi chỉ cần kêu một vài lần thì nhà lại tan nát ngay”…

    Khi tôi dò hỏi về khóa lễ bao gồm những gì? Bà gắt vẻ khó chịu: “Việc nhà thánh, ta biết thì ta sang tai sang tiếng cho các người, ta hiểu cần lễ những gì thì ta sắm, chứ các người sao nắm được việc này. Khoá lễ phải cần đến ba pháp sư cao tay, lễ trong ba ngày ba đêm, chứ mình ta đàn bà sao trừ tà được”.

    Miệng nói, tay bà lục tìm giấy bút để ghi danh sách những gia đình làm lễ và nộp tiền. Trong quá trình nói chuyện vô tình, PV biết được chuyện riêng tư nhà bà. Chỉ vì việc cúng nợ, cúng chịu này mà con rể bà từ mặt mẹ vợ. Đến việc tạ đất, làm nhà, chàng rể cũng không nhờ đến bà mà đi nhờ… thầy cúng khác.

    Điều gì đã làm cho những con người ấy trở nên ngu muội, có thể tin lời được ẩn danh dưới hai từ “thánh phán”? Họ mang cả gia sản nhà mình đi cầm cự, rồi liệu mọi việc có được tinh thông theo ý muốn? Hay tiền mất tật mang và đeo thêm khoản nợ khó có khả năng trả?

    “Bụt chùa nhà không thiêng”

    Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thái Nam, Chủ tịch UBND xã Vũ Bản xác nhận: “Bà Đĩnh hoạt động bên lĩnh vực tâm linh, nhưng chuyện làm một khóa lễ đến 30 triệu hay cho khách nợ đến mấy chục triệu để trả dần thì chúng tôi chưa nắm được thông tin. Bà ta hành nghề được khoảng ba năm. Tuy nhiên ở xóm ấy và xung quanh xã này, không ai tin lời bà ấy phán”.

    CÙ HIỀN

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lat-tay-thanh-co-co-doc-chieu-tra-gop-a88746.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan