Các hoạt động khai thác khoáng sản và thi công công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Lào Cai những năm qua phát triển theo chiều hướng gia tăng. Trong đó, sử dụng VLNCN là giải pháp kỹ thuật thiết yếu đem lại hiệu quả về mặt kinh tế và đáp ứng yêu cầu về tiến độ để phục vụ hoạt động khai thác khoáng sản và thi công các công trình trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên hoạt động sử dụng VLNCN luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn lao động có thể gây thiệt hại về người và tài sản của doanh nghiệp, của nhân dân khu vực xung quanh dự án.
Vật liệu nổ công nghiệp là một loại hàng hoá đặc biệt có yêu cầu sử dụng rất nghiêm ngặt về tính an toàn, thời gian qua ngành công thương Lào Cai đã nỗ lực phối hợp với lực lượng công an và Chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh bảo quản sử dụng VLNCN góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, ổn định tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Ông Quách Tăng Bình – P.Giám đốc Công ty công nghiệp hoá chất mỏ Tây Bắc cho biết: “Ban lãnh đạo Công ty cùng toàn thể CBCNV của đơn vị nhận thức được những nguy cơ tiểm ẩn trong bảo quản, vận chuyển, sử dụng VLNCN. Do vậy trong trong quá trình hoạt động đơn vị luôn chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo quản, sử dụng, vận chuyển VLNCN; như Luật số 14/2017/QH14, Nghị định 71/2019/NĐ-CP, Nghị định 96/2016/NĐ-CP, thông tư 13/2018/BCT, QCVN 01:2019/BCT…
Việc thi công nổ mìn luôn luôn tuân thủ theo thiết kế thi công; phương án nổ mìn đã được cơ quan quản lý phê duyệt, kiểm soát chặt chẽ Quy mô bãi nổ; phương pháp nổ; khoảng cách an toàn đến công trình cần bảo vệ; biên giới mỏ (phạm vi nổ mìn); công suất mỏ…”
Do vậy, các đơn vị sử dụng VLNCN cần phải đặc biệt quan tâm đến công tác an toàn, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, sống còn của doanh nghiệp” – Ông Bình cho biết thêm.
Những năm qua, công tác quản lý vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai cơ bản thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, góp phần đảm bảo an toàn, phát huy hiệu quả của hoạt động vật liệu nổ công nghiệp vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự. Tuy nhiên còn có tình trạng trình độ , kinh nghiệm của cán bộ phụ trách, chỉ huy nổ mìn tại một cố đơn vị còn hạn chế, trong quá trình nổ mìn còn để đá văng xa, việc nổ mìn gây rung chấn, khói bụi gây bức xúc cho một số hộ dân tiếp giáp dự án. Với mục đích tăng cường công tác quản lý về sử dụng VLNCN hiện nay tại các đơn vị, Sở Công Thương tỉnh Lào Cai thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn và chấn chỉnh kịp thời những tồn tại trong hoạt động bảo quản, sử dụng VLNCN.
Ông Hoàng Văn Thuân - Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lào Cai chia sẻ, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Lào Cai, các hoạt động khai thác khoáng sản và thi công công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh những năm qua phát triển theo chiều hướng gia tăng. Trong đó, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp là giải pháp kỹ thuật thiết yếu đem lại hiệu quả về mặt kinh tế và đáp ứng yêu cầu về tiến độ để phục vụ hoạt động khai thác khoáng sản và thi công các công trình trên địa bàn tỉnh. Trung bình hàng năm toàn tỉnh Lào Cai có khoảng hơn 50 dự án có hoạt động sử dụng VLNCN, tổng khối lượng thuốc nổ sử dụng khoảng 9.000 tấn/năm. Bên cạnh lợi ích về mặt kinh tế, kỹ thuật, hoạt động sử dụng VLNCN luôn tiềm ẩn nguy cơ cao về mất an toàn lao động, mất an ninh trật tự, an toàn xã hội đòi hỏi phải được quản lý chặt chẽ, thống nhất giữa các ngành các cấp.
Trên cơ sở quy định của Luật; Nghị định số 71/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính Phủ; Thông tư số 13/2018/TT-BCT ngày 15/6/2018 của Bộ trưởng Bộ Công thương và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, Sở Công Thương Lào Cai đã chủ trì phối hợp với Công an tỉnh, và các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 19/2019/QĐ-UBND ngày 24/5/2019 của UBND tỉnh Lào Cai ban hành quy chế quản lý vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ để sản xuất VLNCN trên địa bàn tỉnh Lào Cai; Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 26/10/2020 về việc tăng cường công tác quản lý VLNCN và tiền chất thuốc nổ trên địa bàn tỉnh Lào Cai, trong đó đã phân công nhiệm vụ và chỉ đạo cụ thể các cơ quan liên quan, đơn vị sử dụng vật liệu nổ phải thực hiện. Thực hiện nhiệm vụ được giao, các ngành phối hợp chặt chẽ, tổ chức triển khai công tác quản lý nhà nước về VLNCN trên địa bàn tỉnh đảm bảo theo quy định từng bước đưa hoạt động đi vào nề nếp, đáp ứng yêu cầu theo quy định pháp luật.
Ông Hoàng Văn Thuân cũng cho biết, qua quá trình triển khai các quy định về quản lý vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Sở Công Thương nhận thấy việc thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động VLNCN, tiền chất thuốc nổ sử dụng để sản xuất vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ. Cụ thể:
Một là, theo quy định tại điểm b, d, đ khoản 1 Điều 42, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 20/6/2017, các chủ đầu tư, các nhà thầu chính thuộc đối tượng được xem xét cấp giấy phép sử dụng VLNCN. Nhưng theo quy định tại khoản 3 điều 42 trong trường hợp các đối tượng này không tự thực hiện nổ mìn thì được quyền ký hợp đồng thuê toàn bộ công việc nổ mìn với tổ chức có Giấy phép dịch vụ nổ mìn.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ có 2 đơn vị đủ điều kiện và được cấp giấy phép dịch vụ nổ mìn, nhân lực của hai đơn vị này không đáp ứng được hết nhu cầu sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh. Trong khi nhiều đơn vị đủ điều kiện sử dụng vật liệu nổ công nghiệp khác lại không thuộc đối tượng được thuê, dẫn đến nghịch lý trong việc lựa chọn các đơn vị thi công nổ mìn đối với các dự án công trình nêu trên.
Hai là, thực tiễn cho thấy, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có nhiều công trình, dự án có nhu cầu sử dụng VLNCN, tuy nhiên khối lượng, quy mô thuốc nổ sử dụng lại rất nhỏ, nhiều đơn vị đủ điều kiện theo quy định tại điểm b, d, đ khoản 1 Điều 42 nhưng không đáp ứng điều kiện quy định tại điểm e, khoản 1, Điều 41, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là “Quy mô sử dụng thuốc nổ trong 01 quý từ 500kg trở lên, trừ trường hợp sử dụng thuốc nổ để thử nghiệm, thăm dò đánh giá địa chất”. Mặt khác, trên địa bàn tỉnh chỉ có 2 đơn vị đủ điều kiện và được cấp giấy phép dịch vụ nổ mìn, nhân lực của hai đơn vị này không đáp ứng được hết nhu cầu sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh vì vậy việc sử dụng vật liệu nổ tại các công trình nêu trên rất khó khăn dẫn đến ảnh hưởng tiến độ đầu tư của các dự án.
Ba là, theo quy định tại Điều 42, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ mới quy định về thủ tục cấp mới và cấp lại Giấy phép sử dụng VLNCN khi không thay đổi về địa điểm, quy mô hoạt động. Tuy nhiên, trong văn bản Luật chưa có quy định cấp lại Giấy phép sử dụng VLNCN khi thay đổi về quy mô hoạt động.
Để đảm bảo hiệu quả công tác quản lý nhà nước về VLNCN trong thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh Lào Cai đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Công An rà soát, chỉnh sửa Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ theo hướng cắt giảm các loại giấy tờ không cần thiết trong hồ sơ cấp phép; bổ sung quy định cụ thể về điều kiện của các đối tượng có nhu cầu chính đáng sử dụng VLNCN. Bên cạnh đó sẽ rà soát điều chỉnh bổ sung các nội dung đảm bảo đồng bộ với Pháp Luật khác có liên quan.
Thành Lâm