Theo chuyên trang An ninh Tiền tệ, sáng 17/5, báo Thanh Niên tổ chức hội thảo "Hạ nhiệt giá vé máy bay được không?" trong bối cảnh chủ đề này đang thu hút đông đảo sự quan tâm. Một câu hỏi được đặt ra là tại sao giá vé máy bay đắt đỏ nhưng tình hình kinh doanh của các hãng hàng không vẫn ảm đạm?
Đối với Vietnam Airlines, mặc dù lãi đậm trở lại trong quý I vừa qua, hãng hàng không này vẫn còn khoản lỗ lũy kế lên tới 36.742 tỷ đồng. Lãi quý I/2024 chủ yếu đến từ khoản thu nhập khác, như việc xóa nợ theo thỏa thuận trả tàu bay của công ty con Pacific Airlines, thay vì tới từ giá vé đắt đỏ như mọi người vẫn nghĩ.
Trình bày tại buổi hội thảo, ông Đặng Anh Tuấn – Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines thừa nhận giá vé máy bay có tăng, khoảng 15-20% tùy chặng.
"Tuy nhiên, tôi vẫn phải nhấn mạnh một điều rằng dù tăng, giá vé máy bay vẫn đang rất xa mức trần mà Nhà nước quy định. Đối với Vietnam Airlines trong 4 tháng qua, giá vé chỉ tương đương 76% so với mức quy định. Có những chặng chúng tôi phải bán ở mức 43% so với giá quy định", vị lãnh đạo cho biết.
Lý giải nguyên nhân giá vé tăng cao, ông Tuấn chỉ ra rằng chi phí từ nhiên liệu và thiết bị bay chiếm khoảng 76%. Tuy nhiên, hai yếu tố này lại không nằm dưới sự kiểm soát của các hãng hàng không. Đặc biệt, đối với sửa chữa và bảo dưỡng, những việc sửa chữa quan trọng về động cơ đều phải gửi ra nước ngoài.
"Về xăng dầu, so sánh mặt bằng giá năm 2024 với 2019, chi phí xăng dầu bị đội lên với Vietnam Airlines là 5.700 tỷ đồng. Riêng nói về tỷ giá thì chúng tôi mất 4.700 tỷ. Cộng hai khoản này, chúng tôi đã mất khoảng 11.000 tỷ đồng. Tôi nghĩ các hãng hàng không khác cũng tương tự. Chúng tôi không kiểm soát được.
Năm 2023-2024, thậm chí trước đó một chút, do ảnh hưởng của xung đột địa chính trị và chuỗi cung ứng đứt gãy, rất nhiều cơ sở sửa chữa và bảo dưỡng trong ngành hàng không thiếu người. Trước đây chúng tôi gửi một động cơ đi sửa mất khoảng 150 ngày, nhưng bây giờ mất 200-300 ngày, thậm chí cả năm máy bay mới quay lại phục vụ được. Tất cả những yếu tố đó đều tính vào chi phí của hãng.
Thêm vào đó, giá thuê tàu bay trên thế giới hiện đắt gấp đôi so với trước đây. Nhưng kể cả như vậy, việc đi thuê cũng rất khó khăn", ông Tuấn phân tích những lý do khiến giá vé tăng cao.
Theo báo Thanh niên, cũng theo ông Tuấn, vai trò là doanh nghiệp hàng không quốc gia, VNA không lúc nào quên trách nhiệm của mình với cộng đồng xã hội và đất nước. "Chúng tôi luôn phối hợp với các tỉnh thành, địa phương, cơ quan ban ngành tham gia các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch… trong và ngoài nước để phục vụ cộng đồng cũng như ngành du lịch", ông Tuấn nhấn mạnh.
VNA vẫn luôn cố gắng để làm tốt hơn những gì hiện tại. Dù rất khó khăn nhưng hãng đang nỗ lực tiết giảm các loại chi phí trong khoảng 10% so với hiện tại. Tuy nhiên, phát triển du lịch không nên chỉ dựa vào ngành hàng không mà là sự tổng hợp của các loại hình vận tải khác nhau để đạt hiệu quả tốt nhất.
"Hiện tại, ngành hàng không thế giới và Việt Nam chỉ có lãi khoảng 1 USD/khách, nếu gặp các yếu tố thời tiết bất lợi như mưa giông - phải bay vòng một chút thì lợi nhuận 1 USD nêu trên cũng bay theo", Phó tổng giám đốc VNA chia sẻ.