Mới đây, thông tin ông Nguyễn Đăng Quang chủ tịch HĐQT tập đoàn Masan rời khỏi danh sách những tỷ phú đô la của Việt Nam khiến nhiều người rất quan tâm. Một trong những nguyên nhân khiến cho giá trị vốn hóa của tập đoàn giảm xuống là do giá cổ phiếu MSN trải qua có 1 tuần “đỏ lửa”.
Theo báo Tuổi trẻ, mới đây, giới đầu tư chứng khoán xôn xao trước thông tin SK Group (tập đoàn lớn thứ 3 Hàn Quốc) muốn thoái vốn khỏi thị trường mới nổi, trong đó có khoản đầu tư ở Tập đoàn Masan. Được biết, tại ngày 30/9, SK Investment Vina I sở hữu 131,9 triệu cổ phiếu MSN, tương đương 9,22% vốn của Masan Group.
Trước đó, năm 2018, SK đã góp khoảng 11.000 tỷ đồng để mua cổ phiếu và trở thành nhà đầu tư ngoại lớn nhất của "ông trùm" hàng tiêu dùng Việt. Nhờ có số vốn này, Masan đã đầu tư vào các lĩnh vực tăng trưởng, cơ cấu tài chính, giảm tỷ lệ nợ/EBITDA (đo lường khả năng thanh toán nợ phát sinh)...
Theo thỏa thuận, nhà đầu tư Hàn Quốc được quyền bán cổ phiếu sau 3 năm nắm giữ, bằng giá mua ban đầu, tức khoảng 80.000 đồng/cổ phiếu. Số cổ phần trên Masan có thể thỏa thuận thu lại, hoặc dàn xếp cho một bên khác nhảy vào. Thời gian thực hiện thương vụ từ tháng 10/2023 đến tháng 10/2024.
Chính thông tin SK Group có thể thoái vốn và nhà đầu tư Bain Capital mới sẽ thực hiện hedging cho các giao dịch trái phiếu hoán đổi, đã khiến giá cổ phiếu MSN giảm sàn, thấp nhất trong 2 năm trở lại đây.
Trước tin đồn trên, tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư vào chiều 30/10 tại TP.HCM, lãnh đạo Tập đoàn Masan khẳng định SK là đối tác dài hạn. Đối với phần vốn sở hữu của SK tại Masan, "đôi bên đã thống nhất hợp tác cùng nhau để triển khai một lộ trình nhiều năm giúp tối đa hóa giá trị cho cổ đông của cả hai doanh nghiệp".
Theo tạp chí Nhịp sống thị trường, không chỉ mua cổ phần của Masan Group, giữa tháng 11/2021, SK Group thông qua công ty con là SK South East Asia Investment đầu tư mua cổ phần của WinCommerce. Cụ thể, công ty đã mua lại 16,3% cổ phần của công ty với giá 460 tỷ won (410 triệu USD), như một phần của quan hệ đối tác chiến lược với công ty mẹ Masan Group.
Đến tháng 11, SK Group tiếp tục đầu tư 340 triệu USD để sở hữu 4,9% cổ phần của The CrownX. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của Masan và SK tại The CrownX lần lượt là 85% và 4,9%.
Bên cạnh đó, SK Group cũng đầu tư 1 tỷ USD vào Vingroup và mua cổ phần chi phối của dược phẩm Imexpharm.
Về việc Masan vừa thu hút thành công vốn đầu tư từ quỹ Bain Capital (Mỹ), có thể lên tới 12.250 tỷ đồng (tiền mặt và tương đương tiền), ông Michael H. Nguyen, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Masan giải thích thêm: "Thuần túy là giao dịch vốn đầu tư cổ phần, không có cơ cấu phòng vệ giá. Cấu trúc của khoản đầu tư trên được thiết kế nhằm đảm bảo các lợi ích của cổ đông hiện hữu của tập đoàn”.
Về kết quả kinh doanh, 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần của Masan tăng 3,5% lên 57.470 tỷ đồng, tuy nhiên lãi sau thuế chỉ hơn 1.350 tỷ đồng, giảm 66% so với cùng kỳ năm trước.
Giải trình về kết quả kinh doanh, ngoài những khó khăn chung của nền kinh tế, doanh nghiệp này cũng đang bị ảnh hưởng từ chi phí tài chính, bao gồm việc đánh giá lại tỉ giá cho các khoản vay ngoại tệ cao hơn so với cùng kỳ năm trước.
Ông Danny Le, Tổng giám đốc Tập đoàn Masan cho biết doanh nghiệp đang nỗ lực giảm đòn bẩy tài chính, bằng cách thương lượng với các đối tác.
Bên cạnh đó cũng tính toán các "quyết định phù hợp" liên quan đến một số tài sản ngắn hạn chưa hoặc không phải cốt lõi. Từ đó tăng lượng tiền mặt, đưa hệ số nợ/EBITDA về mức bình thường, giúp bảng cân đối kế toán khỏe mạnh hơn.
Theo ông Danny Le, việc có lượng tiền mặt tốt cũng giúp doanh nghiệp tăng độ tin cậy với nhà đầu tư lớn, trong đó có nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, cũng như các đối tác khác. "Đối tác SK Group đồng quan điểm tiền mặt là trên hết", lãnh đạo Masan nhấn mạnh.
Về nợ, tập đoàn đã thanh toán đầy đủ nghĩa vụ nợ đáo hạn vào năm 2023. Trong năm tới, tổng mức trái phiếu đáo hạn rơi vào 6.000 tỷ đồng, thấp hơn so với lượng tiền mặt và tương đương tiền hiện có của doanh nghiệp là 14.000 tỷ đồng, báo Tuổi trẻ thông tin.
Vân Anh(T/h)