+Aa-
    Zalo

    Lãnh án kịch khung, 2 kẻ buôn ma túy khóc, cười giữa tòa

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Giữa phiên tòa, các bị cáo đều trình bày những lý do thấm đầy nước mắt khi quyết định chọn con đường buôn bán ma túy.

    Giữa phiên tòa, các bị cáo đều trình bày những lý do thấm đầy nước mắt khi quyết định chọn con đường buôn bán ma túy. Thế nên, khi biết mình lãnh án nặng, 2 bị cáo hiện rõ những xúc cảm khó ngờ. Trong khi bị cáo Dũng ôm mặt khóc, che những giọt nước mắt muộn màng thì bị cáo Khương lại nở nụ cười vô cùng... khó hiểu.

    Xe ôm, nhân viên quán bar bán ma túy

    Một buổi sáng tháng Chín trời mưa lất phất, TAND TP.HCM đưa bị cáo Nguyễn Văn Dũng, SN 1962, ngụ quận 8, TP.HCM và Đỗ Trần Trọng Khương, SN 1994, ngụ quận 10, TP.HCM ra xét xử về cùng tội Mua bán trái phép chất ma túy. Ngày hầu tòa, Dũng không có bất cứ người thân nào đến dự. Như biết trước, Dũng đan 2 tay vào nhau và không một lần ngoái đầu nhìn lại phía sau lưng mình.

    Cạnh bên Dũng, cùng đứng trước bục khai báo, bị cáo Khương không chút rụt rè, buồn bã. Chốc chốc, nam bị cáo lại mỉm cười, nhìn về phía người thân. Theo cáo trạng, Dũng và Khương bị bắt quả tang khi đang buôn bán ma túy trong 1 khách sạn tại quận Gò Vấp, TP.HCM. Kết quả điều tra cho thấy, Dũng hành nghề chạy xe ôm và nhiều lần nhận, giao ma túy cho 1 đối tượng tên Bi (chưa rõ lai lịch).

    TAND TP.HCM, nơi diễn ra vụ xét xử vụ án Nguyễn Văn Dũng, Đỗ Trần Trọng Khương

    Vào 17h ngày 10/3, Dũng nhận được điện thoại của Bi. Gã khách quen yêu cầu Dũng đến ngã ba đường Bến Vân Đồn – Nguyễn Khoái (quận 4) nhận ma túy mang về nhà cất giữ. Thông qua điện thoại, Bi dặn Dũng khi người mua ma túy ở quận Gò Vấp gọi điện thoại thì đem hàng đi giao. Ngay sau đó, Dũng điều khiển xe máy sang quận 4 gặp 1 nam thanh niên và nhận gói hàng bên trong chứa ma túy. Dũng mang chiếc túi có chứa ma túy cất giấu vào chậu kiểng đối diện phòng trọ ở đường Phạm Thế Hiển, quận 8, TP.HCM. Đến khoảng 18h30 cùng ngày, bị cáo nhận được điện thoại của Đỗ Trần Trọng Khương yêu cầu mang ma túy đến khách sạn V. tại quận Gò Vấp.

    Đến nơi, Khương yêu cầu Dũng gửi xe rồi lên phòng 504 giao hàng. Khi Dũng vừa vào khu vực thang máy bị trinh sát thuộc đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an quận Gò Vấp ập đến bắt quả tang.

    Trình bày trước tòa, bị cáo Dũng cho rằng, trước đó, bị cáo không hề biết mình đi giao ma túy cho Bi. Bởi Bi chỉ yêu cầu Dũng đi mua cho mình hộp cơm, gói thuốc. Những lần như thế, Dũng thường được Bi trả công rất cao.

    "Lần thứ ba, Bi kêu bị cáo giao hộp cơm và gói thuốc cho người ta, rồi trả công 500.000 đồng. Thấy Bi cho nhiều tiền quá, bị cáo thắc mắc thì Bi nói: "Chú hiểu rồi đó". Từ đó, bị cáo cũng ngờ ngợ rằng "hàng" mình đem đi giao là ma túy", bị cáo Dũng khai nhận. Biết mình giao hàng cấm nhưng Dũng vẫn không từ bỏ. Đến khi bị bắt, Dũng đã nhận và giao ma túy cho Bi 7 lần với tổng số lượng lên đến hơn 800g.

    Biện hộ cho hành vi phạm tội của mình, bị cáo Dũng trình bày, do hoàn cảnh khó khăn nên mới nhắm mắt làm liều. Bị cáo nói rằng, vợ bệnh tật triền miên, bao nhiêu tiền cũng không đủ thuốc thang. Con của bị cáo mới 18 tuổi, chưa có công việc ổn định. Nguồn sống duy nhất của gia đình đều trông chờ vào những đồng tiền bị cáo kiếm được từ nghề chạy xe ôm. Do đó, khi được Bi thuê giao nhận hàng với thù lao cao gấp nhiều lần chạy xe ôm, bị cáo đã bất chấp tất cả để có tiền.

    Được nói lời cuối cùng, nam bị cáo xin HĐXX xem xét, giảm nhẹ hình phạt, cho bị cáo "một con đường sống". Bị cáo Dũng cũng khẩn thiết mong HĐXX cho con bị cáo nhận lại xe máy để đi làm, kiếm tiền nuôi mẹ.

    Lời trình bày của Dũng liên tục đứt quãng bởi những tiếng khóc ngất. Vừa nói, Dũng vừa khóc, tay nắm chặt bục khai báo như thể để giữ cho cơ thể mình không quỵ ngã.

    Kẻ khóc, người cười

    Lãnh án kịch khung, Dũng thu mình trong tiếng khóc muộn màng. Trong khi đó, Khương lại nở nụ cười khó hiểu

    Trái ngược với tâm trạng đau buồn của bị cáo Dũng, bị cáo Khương lạc quan đến khó hiểu. Gần như suốt phiên tòa, bị cáo này đều mỉm cười và trả lời câu hỏi của vị chủ tọa một cách gãy gọn. Phải đến phiên tòa này, Khương mới có cơ hội gặp lại cùng lúc cả cha lẫn mẹ. Cha mẹ của Khương ly hôn từ lúc Khương còn nhỏ. Kể từ lúc đó, nam bị cáo chẳng thể sống gần cha, cũng không nương nhờ mẹ ruột. Khương sống với bà nội.

    Trong khi đó, người thân của bị cáo này như biết trước mình sắp đánh mất niềm hy vọng cuối cùng của cuộc đời. Tâm trạng họ rối bời, hoang mang.

    Vừa đến phiên tòa, ông Đỗ Khắc H., SN 1971, ngụ TP.HCM, cha bị cáo Khương đã không kìm nén được những giọt nước mắt đau buồn. Chưa được vào phòng xét xử, ông H. khóc rấm rức, gọi điện thoại cho người thân như một cách tìm người để được trấn an, chia sẻ.

    Trò chuyện với PV ĐS&PL, ông H. nói giọng đau buồn: "Chúng tôi ly dị, cháu nó sống với bà nội. Trẻ người non dạ, nó không biết gì đâu, chắc bạn nó gài bẫy khiến nó phạm tội".

    Ông nói, ông chạy xe ôm kiếm sống, không dư dả nên cũng chẳng mấy khi để tâm đến con cái. Khương học xong lớp 12 thì đi làm quán bar, làm gì đó, ông H. cũng không rõ. Đến ngày nhận được thông tin con trai bị bắt vì buôn bán ma túy, ông ngỡ ngàng, bần thần như người mất hồn.

    Ngồi cùng hàng ghế với chồng cũ, bà Trần Thị Mỹ V., SN 1976, ngụ TP.HCM cũng khóc rấm rức. Bà nói rằng, cho đến thời điểm này, bà vẫn giấu mẹ ruột việc con trai bị bắt vì bán ma túy. Bởi mẹ của bà hết mực thương yêu cháu ngoại. Bà lo sợ, nếu để cụ bà biết chuyện, sẽ không sống nổi.

    Dù ngồi ở hàng ghế phía sau lưng con trai nhưng bà V. cứ nhìn con chăm chú. Khi nghe con trả lời vị chủ tọa nguyên nhân phạm tội là để kiếm tiền mổ chân  và cho cha mẹ trả nợ, bà úp mặt vào tay khóc òa.

    Tại tòa, bị cáo Khương khai, vào 7h ngày 10/3, Khương nhận được điện thoại của người đàn ông tên Dương (chưa rõ lý lịch) có quen biết trong thời gian làm quán bar. Dương nhờ Khương tìm nguồn hàng ma túy và nói sẽ có người bạn tên Nghi của Dương liên lạc với bị cáo. Cuối cùng, người này móc nối Khương với Dũng. Tuy nhiên, khi cuộc giao dịch với Dũng chưa hoàn tất, cả hai đã bị bắt quả tang.

    Nghe con trình bày, ông H. và vợ cũ lại khóc. Giờ nghị án, 2 người tranh thủ hỏi thăm con từ bên ngoài phòng xử án rồi lặng người chờ thời khắc con trai bị kết tội.

    Trong không gian trang nghiêm, căn phòng xử án như rộng thênh thang. Sau khi xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, HĐXX nhận định bị cáo Nguyễn Văn Dũng đóng vai trò chính trong vụ án. Theo đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo này mức án tử hình, tịch thu xe máy. Bị cáo Khương nhận mức án chung thân về cùng tội Mua bán trái phép chất ma túy. Lãnh án nặng, bị cáo Dũng khóc òa. Trong khi đó, Khương lại nở nụ cười vô cùng khó hiểu.   

    Trong lời nói sau cùng, bị cáo Khương trình bày: "Bị cáo không có tiền. Người ta đưa ma túy cho bị cáo khi nào bán được mới trả tiền. Sau khi trừ tiền vốn, bị cáo còn lại 4,5 triệu đồng. Bị cáo không biết sẽ phải chịu mức án cao. Bị cáo chỉ mong sớm được trở về với cha mẹ".

    Hà Nguyễn

    Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số Chủ Nhật (39)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lanh-an-kich-khung-2-ke-buon-ma-tuy-khoc-cuoi-giua-toa-a341157.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan