+Aa-
    Zalo

    Làng “nói trạng” 400 năm tuổi và câu chuyện ngày xuân nói khoác được vợ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Suốt hơn 400 năm qua, làng trạng Vĩnh Hoàng (xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) vẫn luôn lưu truyền những nét văn hóa độc đáo của tổ tiên để lại. Trời phú c

    (ĐSPL) - Suốt hơn 400 năm qua, làng trạng Vĩnh Hoàng (xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) vẫn luôn lưu truyền những nét văn hóa độc đáo của tổ tiên để lại. Trời phú cho người dân nơi đây biệt tài nói khoác qua nhiều thế hệ mà hiếm nơi nào có được. Đặc biệt nhiều đôi nam nữ từ chỗ “kỳ phùng địch thủ” trong các cuộc thi trổ tài nói khoác đã bén duyên thành vợ chồng.

    Những câu chuyện trạng của làng Vĩnh Hoàng nay đã được in thành sách.

    Nét văn hóa độc đáo

    Trong chuyến công tác tại Quảng Trị, chúng tôi có dịp đến thăm làng trạng Vĩnh Hoàng, xã Vĩnh Tú vào một ngày giáp Tết. Đến với mảnh đất nổi tiếng này để biết thêm về những giai thoại độc đáo, hài hước. Con người ở đây thật bình dị, quanh năm gắn bó với đồng ruộng. Đi vòng vèo vài con đường, dễ nhận ra ngôi làng vẫn nằm trong một vùng nguyên sơ, nghèo nàn và cả những ruộng lúa pha lẫn đất cát.

    Qua giới thiệu, chúng tôi được đám trẻ dẫn đến nhà vợ chồng ông Trần Đức Trí (78 tuổi) và bà Trần Thị Liệu (75 tuổi). Hai người được coi là cặp “siêu cao thủ” có biệt tài nói khoác nổi tiếng ở làng Vĩnh Hoàng. Thấy khách lạ đến chơi, bà Liệu đon đả rót nước tiếp chuyện.

    Quả đúng là như lời đồn đại, bà Liệu là người rất dí dỏm và mỗi câu chuyện của bà luôn mang đậm chất hài hước. Bà Liệu cho hay, cả hai vợ chồng vừa từ làng bên về. Bà Liệu dứt chuyện thì ông Trí lại làm mọi người cười nghiêng ngả với những câu chuyện tếu táo, những câu nói bốc phét độc đến lạ thường.

    Theo như lời kể của vợ chồng nghệ nhân Trần Đức Trí thì làng trạng Vĩnh Hoàng thực chất là làng Huỳnh Công (gồm 3 thôn Huỳnh Công Tây, Huỳnh Công Đông và Huỳnh Công Nam) thuộc xã Vĩnh Tú ngày nay. Nói thêm một chút về lịch sử, Vĩnh Hoàng là danh từ cổ, chỉ tên gọi trước đây của cả 4 xã Vĩnh Tú, Vĩnh Nam, Vĩnh Thái, Vĩnh Trung ngày nay. Trong địa phương rộng lớn này thì chỉ có mỗi làng Huỳnh Công có “nghề” sáng tác và kể chuyện trạng. Cho nên người ta có thể nói “chuyện trạng Huỳnh Công” hay “chuyện trạng Vĩnh Hoàng” đều là một.

    “Đã là người Vĩnh Hoàng thì ai cũng biết nói trạng, có nhiều người thường đùa vui rằng đây là vùng đất nói khoác. Nhưng nói khoác theo kiểu Vĩnh Hoàng chứ không phải là kiểu nói láo, nói sai sự thật với mục đích ba hoa, lừa gạt người khác. Mà trái lại, chuyện bắt đầu từ một sự việc có thực rồi chúng tôi hư cấu thành một chuyện hiển nhiên như thực, rất tự nhiên và đầy hài hước. Từ đó tạo nên những tiếng cười đầy sảng khoái làm cho dân làng có thêm nghị lực sống lạc quan và yêu đời”, ông Trí cho hay.

    Vợ chồng cụ Trần Đức Trí là một trong những cặp đôi bén duyên từ những câu chuyện trạng.

    Được biết làng Vĩnh Hoàng xưa nghèo khổ, phải vật lộn với thiên tai, giặc dã để mưu sinh. Trên cuộc hành trình gian khổ đó, người dân có một vũ khí rất lợi hại để tự động viên mình, đó là chuyện trạng. Và trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, người ta đã sinh ra cả ngàn chuyện trạng, thành kho tàng đặc sắc.

    Cứ thế họ kể cho nhau nghe quên ngày tháng lao động vất vả, từ thế hệ này qua thế hệ khác và cũng chỉ “nói khoác” toàn thứ vô hại, tếu táo làm quà vui hoặc gặp mặt dịp đầu xuân hay lễ lạt. Nhưng độc đáo, kỳ lạ ở chỗ không ít cặp vợ chồng như ông Trí, bà Liệu lại có được lương duyên từ những câu chuyện khoác lác ấy.

    Nên duyên nhờ... bốc phét

    Theo truyền thống bao đời nay, cứ vào mỗi dịp đầu xuân, người dân xã Vĩnh Tú thường tổ chức các cuộc thi kể chuyện cười. Mỗi dịp như vậy luôn thu hút mọi tầng lớp từ già trẻ, gái trai hăng hái tham gia. Cũng từ đó, biết bao đôi trai tài gái sắc bén duyên nhau từ chỗ “kỳ phùng địch thủ” trong các cuộc thi. Được biết, ông Trí, bà Liệu là một trong số những cặp vợ chồng đến với nhau từ những cuộc thi như vậy.

    “Tôi với chồng vốn cùng trang lứa, lại cùng chung một làng nên thời kỳ chiến tranh hay tham gia tăng gia sản xuất cùng nhau. Mỗi lúc nghỉ giải lao, cấp trên thấy tôi và chồng tôi có khiếu hài hước nên hay bảo chúng tôi kể chuyện pha trò giúp mọi người có những giây phút giải trí quên đi mỏi mệt. Ông ấy cứ thế say sưa kể chuyện, mọi người cứ cười lăn cười bò, riêng tôi thì im lặng, không nói câu gì. Chẳng chịu kém cạnh, đợi ông ấy kể xong tôi lại vẽ ra một câu chuyện khác thế là mọi người lại được dịp cười hả hê, chồng tôi cũng cười. Hồi ấy, chúng tôi chỉ gặp nhau ở trên đồng ruộng là chủ yếu. Mãi cho đến lần gặp gỡ, cuộc thi kể chuyện trạng đầu xuân được tổ chức ở làng thì ông ấy mới ngỏ lời yêu tôi. Ở làng này nhiều cặp đôi bén duyên nhau từ các cuộc thi kể chuyện trạng lắm, chẳng hạn như vợ chồng cụ Trần Hữu Chư và cụ Võ Thị Nương...”, cụ Liệu tâm sự.

    Chúng tôi cũng được cụ Trí kể lại nhiều câu chuyện hài hước, nghe xong mà thấy thích thú làm sao, ai cũng phải bật cười. Một trong số đó là câu chuyện “lỡ một buổi cày”. “Bữa đó, nhà có mấy mảnh ruộng, tôi đi cày sớm nên dặn vợ chuẩn bị cơm nước. Khi gà vừa cất tiếng gáy, vợ tôi đã làm sẵn một bầu nước chè đặc với mo cơm nếp xáo khoai, bay mùi ra thơm lắm. Tôi nghe đã thích liền dắt bò một mạch tận rừng. Thấy trời chưa sáng, tôi cho đàn bò ăn một lúc. Sau đó tôi chọn lấy một con rồi buộc vào cày và bắt đầu cày ruộng. Cày một hồi đến khi mặt trời lên mới biết cái con đang kéo cày không phải là bò mà là... cọp. Sẵn cái rựa trong tay, tôi chặt một nhát thật mạnh, cái thân cày liền đứt đôi. Lão cọp khiếp, chạy một mạch vô rừng, không nhìn lại. Vậy là tôi lỡ mất một buổi đi cày...”.

    Trong kho tàng hàng ngàn câu chuyện trạng Vĩnh Hoàng không chỉ có những câu chuyện từ thời xưa để lại mà nó luôn được đổi mới sáng tạo. Cứ mỗi dịp cuối tuần, các cụ già thường tập trung đám trẻ con trong làng tại sân nhà văn hóa thôn và kể cho chúng nghe những câu chuyện trạng Vĩnh Hoàng.

    Đặc biệt, dù tuổi đã cao, nhưng bất cứ khi nào có dịp các cụ lại hăng hái lên sân khấu thi tài nghệ “bốc phét” cho thế hệ trẻ học hỏi thêm. Những nghệ nhân làng trạng Vĩnh Hoàng đang nỗ lực cố gắng dành toàn bộ phần đời còn lại để “truyền lửa” cho thế hệ trẻ, với tâm nguyện tầng lớp trẻ sẽ giữ được hồn phách, bản sắc văn hóa độc đáo của cha ông.

    Chuyện trạng Vĩnh Hoàng bao đời nay vẫn vậy, luôn gần gũi và thơ mộng. Nơi ấy, những câu chuyện hài hước tiếp tục được sáng tạo, tựa như mạch ngầm của quê hương tuôn chảy đã bao đời để những rặng trâm bầu mãi xanh ngát. Lúc chia tay, cụ Trí có đọc tặng chúng tôi bài thơ mà cụ vừa sáng tác cho dịp đầu xuân sắp tới: “Làng Trạng quê tôi đẹp tuyệt vời/Có rặng trâm bầu, có dòng suối mát/Chuyện làng trạng quê tôi thành vợ thành chồng/Ai mà ế vợ ế chồng/Đi về làng trạng tức thời có ngay”.

    Lễ hội nói chuyện trạng

    Bà Hoàng Dạ Hương, Trưởng ban văn hóa xã Vĩnh Tú cho biết: “Lễ hội kể chuyện trạng ở Vĩnh Hoàng được tổ chức mỗi năm một lần vào dịp đầu xuân. Phần thưởng chỉ là những món quà nhỏ như cái phích nước, cái đài radio... nhưng tất cả người dân trong làng từ đứa trẻ chín, mười tuổi cho tới cụ ông, cụ bà tám, chín mươi tuổi đều hăng hái lên sân khấu tham gia thi thố tài nghệ kể chuyện trạng của mình. Đây chính là truyền thống văn hóa độc đáo của làng Huỳnh Công mà không nơi nào có được”.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lang-noi-trang-400-nam-tuoi-va-cau-chuyen-ngay-xuan-noi-khoac-duoc-vo-a84022.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan