+Aa-
    Zalo

    Làng chài bên phá Tam Giang và lớp học chữ cho những “bô lão U60”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Thực hiện chương trình xóa mù chữ những lớp học bình dân liên tục được mở ra, đưa con chữ về với ngư dân hai bên phá Tam Giang. Dù trong hoàn cảnh rất khó khăn,

    (ĐSPL) - Thực hiện chương trình xóa mù chữ những lớp học bình dân liên tục được mở ra, đưa con chữ về với ngư dân hai bên phá Tam Giang. Dù trong hoàn cảnh rất khó khăn, nhưng nhiều ngư dân nơi đây, có người đã ở độ tuổi 60 vẫn cố gắng lên lớp đều đặn, với hy vọng đọc và ghi được tên mình.

    "Thương em nhưng chẳng dám vô/ Sợ chuông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang"

    Có lẽ nhiều người biết câu ca này, và địa danh mà phóng viên tìm đến chính là phá Tam Giang. Đặt chân lên vùng đất hai bên phá Tam Giang (huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay đổi ở nơi đây. Tuy vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng cuộc sống của bà con đã thực sự được thay đổi. Điều mà chúng tôi ấn tượng nhất là tại đây đang có rất nhiều lớp học, mà học sinh là những người đã có tuổi.

    (bgiay)Làng chài bên phá Tam Giang và lớp học chữ cho những “bô l

    Ông Hồ Văn Lôi, một trong những người lớn tuổi tham gia lớp học xóa mù chữ.

    Ông Nguyễn Xuân Quân, Trưởng ban Văn hóa - xã hội xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền) cho biết: "Chương trình xóa mù chữ này đã có từ rất lâu. Trước đây, chúng tôi đã thực hiện nhưng không đạt hiệu quả. Lớp học liên tiếp được mở ra, song nhiều lớp học chỉ duy trì được trong một thời gian ngắn. Học sinh chủ yếu là những người lớn tuổi, là trụ cột trong gia đình. Vì thế, việc lên lớp đối với bà con ngư dân là rất khó khăn, những lớp học luôn luôn trong tình trạng thiếu người học".

    Cũng theo lời ông Quân, để duy trì những lớp học này, phía lãnh đạo xã phải thường xuyên đến từng hộ dân để động viên. Đa phần người dân nơi đây sống bằng ngư nghiệp nên thời gian rảnh để lên lớp rất thất thường. Bà Nguyễn Thị Cam (55 tuổi, Tân Xuân Lai, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền) một học viên lớp xóa mù chữ thôn Tân Xuân Lai cho biết: "Mấy người ở đây toàn đi làm chài hết, lớn tuổi rồi đi học khó hiểu lắm. Mới đầu đi học, học mấy cũng không vô, rứa là nghỉ hết. Trên xã về động viên, rứa là tụi tui mới đi học lại. Chừ tụi tui học quen rồi nên cũng dễ hiểu".

    Những ngày đầu tiên khai giảng có rất nhiều người đến học, thế nhưng con số này càng ngày càng giảm. Một lớp học khi mới bắt đầu, sĩ số có thể lên đến 25 người, nhưng sau một vài ngày, con số này bắt đầu giảm dần. Thầy Nguyễn Thăng (giáo viên - quản lý viên các lớp xóa mù chữ huyện Quảng Điền) tâm sự: "Dạy học cho bà con, tui cảm thấy vui lắm. Lúc đầu chưa khai giảng thì tui đi kêu gọi họ tới học. Khi họ học được một thời gian, nhiều người không hiểu lý do vì sao lại nghỉ, tui và đồng nghiệp lại đi tới tận nhà động viên, khuyên họ quay lại lớp học".

    Cũng theo thầy Thăng, những lớp học như thế này chỉ mở ra vào mùa mưa, mỗi năm chỉ học được vài ba tháng. Vì bà con chủ yếu là ngư dân, hầu hết đều trong khoảng từ 40 đến 60 tuổi. Tất cả họ đều là lao động chính trong gia đình nên chỉ khi bà con không ra phá Tam Giang kiếm tôm cá thì mới có thời gian để lên lớp học.

    Đồ dùng học tập cho học sinh U60

    Chạy dọc theo con phá Tam Giang qua hơn 7 xã tại địa phận huyện Quảng Điền, chúng tôi thấy bất cứ thôn chài nào ở đây cũng có một lớp học xóa mù chữ. Lớp học liên tiếp được mở ra và được duy trì trong thời gian dài, nhưng những lớp học ấy lại thiếu thốn trăm bề. Từ không gian dạy học cho đến từng viên phấn, quyển vở, không có một thứ gì gọi là hoàn thiện. Chúng tôi được tham dự buổi học bình dân tại thôn Ngư Mỹ Hạnh, lớp học chính là nhà sinh hoạt thôn, nhìn xung quanh căn phòng toàn là những vật dụng bỏ đi. Bàn ghế hư hỏng nặng, bảng viết thì bạc trắng do quá lâu năm.

    Thầy Nguyễn Chính (giáo viên thôn Ngư Mỹ Hạnh, Quảng Lợi) tâm sự: "Lớp học đã được duy trì 3 năm. Tui nhận dạy lớp này thấy cái gì cũng không có, mà dân thì lại nghèo. Thấy bà con chăm chỉ lên lớp là tui thấy hạnh phúc lắm. Nhiều khi tui phải bỏ tiền túi ra để mua vật dụng hỗ trợ cho bà con". Cũng theo thầy Chính, mỗi khóa học lãnh đạo cấp trên có nói sẽ hỗ trợ một số vật dụng, nhưng "đợi mãi cũng chẳng thấy". Người làm công tác dạy học bao nhiêu năm đành phải tự túc vật tư để gieo từng con chữ cho bà con.

    Xem video tham khảo:

    Bà giáo 80 tuổi và lớp học trẻ thiểu năng

    Ông Trần Trai (60 tuổi), một học viên của thầy Chính cho biết: "Tui học lớp thầy Chính được tới 3 năm rồi. Những người cao tuổi như tui học chậm hiểu nhưng thấy thầy nhiệt tình nên bọn tui cũng cố gắng. Thầy Chính phải bỏ tiền của mình ra để mua đồ dùng học tập. Bọn tui bữa ni chưa học vì chưa có bảng, bảng kia nhỏ quá nên để cho nhóm thấp hơn học". Thời gian đầu các lớp được tổ chức học tại nhà văn hóa xã, phòng học đầy đủ tiện nghi nhưng vì bà con chủ yếu sống ven sông, các khu tái định cư, nên việc đi lại làm ảnh hưởng đến thời gian làm việc của bà con. Nhiều lớp học được mở ra tại gia đình của ngư dân, ánh sáng bàn ghế luôn trong tình trạng thiếu thốn.

    Ông Quân cho hay: "Lớp học tại thôn Tân Xuân Lai được mở tại nhà ông Lê Huấn. Vì khu vực này có nhiều học viên nên chúng tôi cho mở lớp học ngay tại đây. Bàn ghế thì chúng tôi cho chuyển từ xã về để thuận tiện cho việc dạy học. Lúc đầu thì lớp học tổ chức ngay tại ủy ban, nhưng do điều kiện đi lại nên bà con mới xin chuyển về dưới đó". Cũng theo nhiều học viên, nhiều lần lên lớp nhưng bảng viết quá cũ khiến cho việc tiếp nhận của bà con đã khó lại càng khó hơn. Nhiều lần chính giáo viên phải đi xin bảng, lấy tạm mấy cái bảng đen cũ ở nhà mang lên lớp để dạy học.

    (bgiay)Làng chài bên phá Tam Giang và lớp học chữ cho những “bô l

    Ông Hồ Văn Lôi, một trong những người lớn tuổi tham gia lớp học xóa mù chữ. 

    Biết chữ để học thi lấy bằng lái xe và vay vốn ngân hàng

    Mỗi lớp học ở các làng chài thường có từ 15 đến 20 học viên, đủ tất cả các độ tuổi. Thầy Chính cho biết: "Bà con ở đây không đi học thì thôi, nếu đã lên lớp thì ai cũng chăm chỉ học tập. Mỗi người mỗi tuổi khác nhau, nên khả năng tiếp nhận rất khác nhau. Bà con đi học chỉ hy vọng có thể thi được giấy phép lái xe, có thể ký sổ vay vốn ngân hàng đầu tư cho việc làm ngư của mình". Hy vọng thoát nghèo từ con chữ được bùng lên từ những lời động viên của xã hội, nhiều người khi có thể đọc được tên mình, ghi được tên mình nên họ tỏ ra phấn khởi và hào hứng bảo nhau đến lớp.

    Ông Trần Trai (thôn Ngư Mỹ Hạnh, xã Quảng Lợi) cho biết: "Nhiều người dân ở đây đi học về họ được vay tiền làm ăn, ai cũng phấn khởi. Nhiều người đau ốm bệnh tật cũng có thể tự đi vô Huế để chữa bệnh. Trước đây, không biết chữ không đi mô được hết, khi mô cũng phải kêu con cái chở đi. Chừ tụi tui đi học biết chữ mới thấy lợi nhiều cái". Hy vọng lớn nhất của ngư dân những làng chài hai bên phá Tam Giang là có thể thoát được cảnh nghèo khó. Cuộc sống chủ yếu sống dựa vào nghề đánh cá, học chữ để có thể vay tiền mua thêm thiết bị làm nghề, có thể thi bằng lái xe để chạy cho kịp chuyến chợ sớm.

    Nhiều người dân vượt lên được cảnh nghèo, không ít chị em phụ nữ trong thôn chài tích cực đến những lớp học xóa mù chữ. Cô Nguyễn Thị Xoan (45 tuổi, thôn Ngư Mỹ Hạnh, xã Quảng Lợi) tâm sự: "Lúc đầu mấy ông đi học nhiều, sau ni mấy chị em bọn tui cũng đi học. Bữa ni kinh tế khá giả rồi, đi học còn để... hát karaoke". Con chữ khi đã đến được với ngư dân thì cuộc sống của bà con lập tức được thay đổi. Nhiều người nói vui rằng: "Khi nào nhạc chạy mà đọc chữ không kịp là vẫn phải tiếp tục đi học". Từ những câu nói như vậy, mới biết rằng những lớp học tuy thiếu thốn ấy lại có thể làm nên những thay đổi đối với từng người dân.

    Lớp học đa cấp độ

    Theo nhiều giáo viên đảm nhận những lớp học xóa mù chữ, một lớp học giáo viên phải dạy nhiều chương trình cho nhiều nhóm khác nhau. Trong lớp chưa đầy 15 học sinh, nhưng có từ ba đến năm nhóm khác nhau. Mỗi nhóm theo một chương trình vì có người học trước, có người học sau, có người học liên tục, lại có người nghỉ rồi lại học tiếp.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lang-chai-ben-pha-tam-giang-va-lop-hoc-chu-cho-nhung-bo-lao-u60-a73564.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan