(ĐSPL) – Khai mạc từ sáng hôm qua (8/9) tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Hà Nội, triển lãm "Cải cách ruộng đất 1946-1957" đã mang đến cho công chúng một cái nhìn toàn diện và sâu sắc về cuộc sống của người nông dân Việt Nam trước và sau cải cách ruộng đất.
|
Công chúng tới tham dự buổi triển lãm lắng nghe hướng dẫn viên của bảo tàng trình bày lại từng sự kiện trong cuộc cải cách ruộng đất 1946 - 1957.
|
Nhằm giúp công chúng tiếp cận với những tài liệu, hiện vật gốc và có cách nhìn thực tiễn, khoa học, khách quan về cuộc vận động cách mạng ruộng đất trong tiến trình lịch sử dân tộc trong giai đoạn 1946-1957 nhân 69 năm ngày Việt Nam độc lập và kỷ niệm 60 năm "cuộc vận động cách mạng cải cách ruộng đất", Bảo tàng Lịch sử quốc gia giới thiệu đến công chúng gần 150 hiện vật, tư liệu gốc, ảnh tư liệu lịch sử về cải cách ruộng đất đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia và các cơ quan lưu trữ, các bảo tàng ở Hà Nội và địa phương như Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính Phủ, Văn phòng Quốc hội, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, II, III, Bảo tàng Hồ Chí Minh và bảo tàng các tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên, Nam Định, Thái Bình…
Các hiện vật được tổ chức theo hai phần chính: Nông thôn Việt Nam trước cải cách ruộng đất và Cải cách ruộng đất 1946-1957.
Với cách sắp xếp hai bên đối lập nhau, triển lãm đã tái hiện lại cuộc sống xa hoa, sang trọng của các địa chủ đối lập với cuộc sống nghèo đói, khổ sở cùng cực của nông dân ta trong thời kỳ trước cải cách ruộng đất.
Bên cạnh đó, một phần của cuộc trưng bày nêu rõ các chủ trương của Đảng, Chính phủ về cải cách ruộng đất thông qua trưng bày nhiều ảnh tư liệu về các hội nghị của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Hội đồng Chính phủ, Quốc hội...; các văn bản như luật, sắc lệnh, pháp lệnh, nghị định, chỉ thị, thông tư, báo cáo, sách, tài liệu tuyên truyền về cải cách ruộng đất.
Trưng bày lần này cũng có một nội dung nhỏ về Sửa chữa sai lầm và một số bài học kinh nghiệm qua công cuộc cải cách ruộng đất.
Trưng bày chuyên đề “Cải cách ruộng đất 1946-1957” sẽ kéo dài đến tháng 12/2014.
|
Áo dài và giày thêu của tầng lớp địa chủ. |
|
Quạt và gậy - những vật dụng gắn liền với tầng lớp địa chủ Việt Nam. |
|
Hút thuộc phiện cũng được coi là một thú chơi "sang" của tầng lớp địa chủ. |
|
Tái hiện lại quang cảnh trong gia đình địa chủ xưa. |
|
Đối lập với đó là nhà tranh lụp xụp rách nát của những người nông dân nghèo Việt Nam. |
|
Trong nhà không có lấy một vật dụng lành lặn. |
|
Những chiếc áo đụp vá chằng vá chịt của dân nghèo. |
|
Tháng 11/1953, Trung ương Đảng thông qua Cương lĩnh ruộng đất và quyết định cải cách ruộng đất trong kháng chiến. Nông dân cùng nhau chống lại địa chủ, cường hào, ác bá, tịch thu hơn 70.000 hécta đất ruộng để chia cho gần 4 triệu nông dân tại 3.314 xã. |
|
Bữa cơm của người nông dân sau cải cách ruộng đất. |
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm gia đình chị Bân ở xã Trung Nghĩa, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, nghe nông dân báo cáo tình hình sản xuất và đời sống của bà con sau khi thực hiện cải cách ruộng đất, ngày 8/2/1955. |
|
Hình ảnh con trâu về với người nông dân. |
|
Được chia ruộng đất, trồng cấy được mùa, người nông dân phấn khởi đóng góp thuế nông nghiệp. |
Cuộc triển lãm hết sức ý nghĩa này là một hoạt động góp phần tuyên truyền, giáo dục cho đông đảo tầng lớp nhân dân, đặc biệt thế hệ trẻ nhận thức đúng hơn về cuộc cách mạng ruộng đất trong tiến trình cách mạng giải phóng dân tộc ở nước ta những năm 1946-1957. Qua đó củng cố niềm tin, niềm tự hào về Đảng, Chính phủ và sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lan-dau-tien-trien-lam-anh-ve-cai-cach-ruong-dat-a49944.html