(ĐSPL)- Lần đầu tiên, Bộ Y tế chủ trì soạn thảo Nghị định quy định về hoạt động tiêm chủng, trong đó quy định cụ thể việc bồi thường đối với các ca tai biến có nguyên nhân do tiêm chủng.
Nếu xảy ra tai biến nặng sau tiêm chủng do vắc-xin, nhà nước có trách nhiệm bồi thường. |
Tin tức từ Người lao động, theo dự thảo này, khi sử dụng vắc-xin bắt buộc (trong chương trình Tiêm chủng mở rộng), nếu xảy ra tai biến nặng sau tiêm chủng do vắc-xin, nhà nước có trách nhiệm bồi thường cho người bị tai biến hoặc thân nhân người bị tai biến nặng. Tùy mức độ tai biến, nhà nước sẽ trả chi phí điều trị, hỗ trợ tiền, bồi thường để bù đắp tổn thất tinh thần đối với thân nhân người bị thiệt hại. Mức bồi thường cao nhất bằng 30 lần mức lương cơ bản.
Bộ Y tế đang lấy ý kiến các bộ, ngành và người dân về dự thảo này, dự kiến ban hành trong năm 2015.
Những tai biến có thể xảy ra khi tiêm vắc-xin
Vắc-xin có vai trò to lớn trong kiểm soát dịch bệnh và thanh toán bệnh (ví dụ bệnh đậu mùa bị loại bỏ nhờ chủng đậu).Tuy nhiên, sau khi tiêm vắc-xin có thể có những tác dụng phụ không mong muốn, hoặc xảy ra tai biến nguy hiểm do tiêm phòng.
Sau khi tiêm phòng vắc-xin có thể xảy ra những tai biến với tỉ lệ cực thấp (tỉ lệ an toàn cho phép). Không có một loại vắc-xin nào, hoặc biện pháp can thiệp y khoa nào có độ an toàn tuyệt đối 100\%. Các tai biến có thể xảy ra là:
Viêm lan rộng tại vị trí tiêm phòng, có thể hóa mủ, hoại tử da, xảy ra trên những bệnh nhân có cơ địa suy giảm miễm dịch.
Phản ứng dị ứng nghiêm trọng thường gọi là sốc phản vệ (nôn mửa, tụt huyết áp, rối loạn tuần hoàn hô hấp…) hiếm xảy ra, tần suất gặp nhỏ hơn 1/1triệu lần tiêm.
Viêm não, thường xảy ra ở những người có vấn đề về miễn dịch, tiêm phòng bệnh dại, vắc-xin tam liên.
Giảm bạch cầu, rối loạn đông máu, thường ở tiêm vắc-xin ngừa sởi, quai bị và rubella (MMR).
Vắc-xin chủng ngừa thủy đậu đôi khi cũng gây ra các chứng như nhiễm vi-rút này, tức là cũng bị thủy đậu hoặc các đau nhức liên quan với zona thần kinh. Đôi khi nó có thể gây viêm gan, viêm phổi hoặc viêm màng não.
Sau khi tiêm phòng có thể xuất hiện một số biểu hiện như sốt cao nhưng thường không kéo dài quá 1 ngày
Đi ngoài phân lỏng, nôn ói (có khi kéo dài 5- 7 ngày) sau uống vắc-xin ngừa Rotaviru.
Nhiễm trùng mắt, mất thị giác, nổi mụn nước toàn thân, thường xảy ra sau tiêm phòng thủy đậu.
Ban xuất huyết (các mạch máu nhỏ dưới da bị vỡ gây những đám bầm tím) sau tiêm vắc xin MMR và viêm gan A.
Đau và cứng khớp tạm thời, thường xảy ra ở thiếu niên và nữ trưởng thành sau khi tiêm ngừa sởi, quai bị và rubella (MMR).
Những sai sót trong khâu bảo quản vắc-xin, kỹ thuật tiêm phòng, sai sót của nhân viên y tế có thể khiến người tiêm phòng gặp tai biến.
Cách xử lý khi phát hiện tai biến sau khi tiêm vắc-xin
Trẻ em sau tiêm phòng sốt, co giật, nôn mửa… cần cho uống hạ sốt, chườm lạnh và đưa đến cơ sở y tế khám chẩn đoán và xử lý bệnh kèm theo hoặc do hậu quả tiêm phòng.
Trẻ em vài giờ sau tiêm thấy có biểu hiện quấy khóc nhiều, bú ít hoặc bỏ bú, sắc mặt tím tái, khó thở cần đưa đi khám bệnh để phòng tai biến sau tiêm phòng.
Thực hiện đúng quy trình bảo quản vắc-xin và kỹ thuật tiêm phòng để phòng tránh tai biến có thể xảy ra
Sau khi tiêm phòng xuất hiện mệt mỏi rã rời, da tái nhợt, vã mồ hôi, thoáng ngất hoặc nổi mề đay toàn thân… cần nghĩ đến là có thể bị phản ứng dị ứng mãnh liệt (sốc phản vệ) xuất hiện muộn sau tiêm phòng. Cần khẩn trương đưa đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu hoặc dự phòng cấp cứu.
Nốt tiêm phòng hóa mủ, loét lan rộng, hoặc viêm quầng lan rộng, thường là do tiêm nhiều thuốc hoặc tiêm không đúng kỹ thuật (từ tiêm trong da thành tiêm dưới da), vết thương thường rất lâu lành cần chăm sóc vết thương kỹ càng và kháng sinh đúng liều, kết hợp tăng cường sức đề kháng..
Nổi hạch nách hoặc hạch hóa mủ, hạch bã đậu hóa (sau tiêm phòng lao), cần phải nạo vét hoặc cắt bỏ…
Đức An(Tổng hợp)
Xem thêm video:
[mecloud]pZtSSIMxRp[/mecloud]