+Aa-
    Zalo

    Lạm thu phí để “cõng” bộ máy cồng kềnh?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Trên thực tế, việc người dân bức xúc về nhiều loại phí đã là một lẽ, đằng này, nhiều ngành lại “đẻ” ra những khoản phí hết sức vô lý.

    (ĐSPL) - Nếu thế giới tổ chức cuộc thi về khả năng “cõng” dành cho... gà, rất có khả năng gà Việt Nam sẽ giật ngôi quán quân. Bởi, theo thống kê, trên lưng một con gà Việt Nam đang “gánh” tới 14 loại phí.

    Một hạt thóc cũng phải “gánh” tới vài chục loại phí. Đây chỉ là phép so sánh khôi hài nhưng đang phản ánh một nghịch cảnh đầy nhức nhối: Trăm phí đổ đầu dân. Tại nghị trường Quốc hội, các Đại biểu cũng đã chỉ ra những khoản thu nực cười, có một không hai. Vậy, đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng này? Phải chăng người dân đang phải “oằn lưng cõng phí” cho bộ máy quá cồng kềnh hiện nay?

    Nghịch lý từ những “con số biết khóc”

    Có lẽ chưa bao giờ câu chuyện phí và lệ phí lại nhức nhối như thời gian vừa qua. Một câu chuyện không mới nhưng nó chỉ thực sự sôi sục khi được đề cập trong nghị trường Quốc hội – nơi hội tụ tiếng nói của cử tri cả nước. Những con số, những câu chuyện thật mà như hoang đường được đưa ra đã thổi bùng trong dư luận nỗi lo lắng, bức xúc.

    Phương tiện giao thông đang phải "gánh" quá nhiều loại phí.

    Trong chất vấn “tư lệnh” ngành NN&PTNT – Bộ trưởng Cao Đức Phát, Đại biểu Đỗ Văn Đương đến từ đoàn TP.HCM đã khiến cả hội trường ồ vang khi đặt vấn đề: “Tôi nghe phản ánh 1 cân thịt gà phải chịu 14 loại phí kiểm dịch”. Đại biểu Đương thẳng thắn đặt câu hỏi: “Điều này có đúng không và đó là loại phí gì? Nếu đúng như vậy thì khó quá”. Câu hỏi của Đại biểu Đương đã “gãi” đúng chỗ ngứa của cử tri cả nước khi đề cập đến hiện thực nhức nhối: Một con gà cũng khổ vì phí. Nào là phí kiểm dịch gà con mới nở, phí cấp giấy kiểm dịch xuất gà con khỏi trại ra ngoài tỉnh/nội tỉnh, phí tiêu độc sát trùng, phí kiểm soát giết mổ... Đó là chưa kể, trong quá trình chăn nuôi, phải lấy mẫu nước, phân định kỳ để kiểm tra kháng thể một số bệnh cũng phải đóng phí.

    Sau phút ngập ngừng, Bộ trưởng Phát đã thừa nhận về thực trạng nêu trên. “Theo báo cáo của Cục trưởng cục Thú y, việc thu phí này là theo các quy định hiện hành. Song tôi cũng nói, dù thu theo các quy định hiện hành cũng phải làm rõ vì sao thu và không thể thu quá nhiều được. Tôi cũng không đồng ý thu phí theo quả trứng, mà đã yêu cầu chỉ thu phí một lần từ nơi xuất bán con gà và thu cũng phải hợp đạo lý, không thể chỉ nhìn, đếm quả trứng và thu là không được”, ông Phát nói.

    Sau khi nghe Bộ trưởng Phát trả lời, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: “Đồng chí nói đúng và không đúng, chính các đồng chí quy định, rồi lại bảo quy định đó không đúng là thế nào?”. Bộ trưởng Phát giải thích: “Chúng tôi đã có văn bản gửi sang bộ Tài chính và trong một quý, tôi và Bộ trưởng bộ Tài chính sẽ sửa quy định này”. Chủ tịch Quốc hội liền ngắt lời: “Thế thì lâu quá, phải sửa ngay. Cái gì không hợp lý phải sửa ngay, làm sao phải đợi đến một quý mới sửa?”. Trước yêu cầu này, Bộ trưởng Phát cho biết sẽ đề xuất dừng ngay thông tư này.

    Thực ra, chuyện con gà phải “cõng” 14 loại phí tuy không mới nhưng có vẻ như người đứng đầu ngành Nông nghiệp chưa được biết tường tận, và cũng có thể Bộ trưởng biết rồi nhưng chưa đưa ra lời giải thích thỏa đáng. Chuyện gà “cõng” phí cũng khởi đầu cho việc các Đại biểu tiếp tục “truy” những “tư lệnh” ngành về việc “phí chồng phí”. Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP.HCM) bức xúc: “Người dân sắm cái xe chỉ để đi chợ thôi và họ đi đúng trên con đường họ tự bỏ tiền ra làm. Tiền làm đường này hoàn toàn do dân đóng góp thì làm sao phải đóng phí?”.

    Câu hỏi của Đại biểu Tâm đã “đánh” thẳng vào những vô lý trong việc thu phí phương tiện. Theo tính toán, một chiếc ô tô sẽ phải chịu thuế nhập khẩu cho linh kiện (10-30\%) hoặc xe nguyên chiếc (từ 50-70\%) tùy loại. Tiếp đó là thuế tiêu thụ đặc biệt (40-60\%), thuế VAT 10\%, thuế thu nhập doanh nghiệp 22\%. Các loại phí phải đóng gồm: Phí trước bạ (10\% hoặc 15\%, tùy theo thành phố); phí kiểm định, phí cấp biển số, phí đảm bảo an toàn kỹ thuật, phí xăng dầu... Phí bảo trì đường bộ đóng 2 lần, thu qua đầu phương tiện và thu qua trạm BOT. Thậm chí, mới đây, bộ Tài chính đang đề xuất thu phí thử nghiệm khí thải, thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu và lệ phí cấp giấy chứng nhận dán nhãn đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Nhẩm tính, để được lăn bánh trên đường, xe ô tô sẽ phải “gánh” vài chục loại thuế, phí.

    Ngoài gà, ô tô, đến hạt thóc của người nông dân cũng đang phải “gánh” vài chục loại phí khác nhau. Theo thống kê sơ bộ, các loại phí trên một kilôgam thóc gồm: Giống, phân bón, thuốc trừ sâu, diệt cỏ, cấy, gặt, tuốt lúa, thủy lợi phí, phòng chống bão lụt, nạo vét kênh mương... Chưa kể, người nông dân còn phải chịu một số loại quỹ, phí khác như: Quỹ công ích, quỹ phòng chống thiên tai, quỹ trẻ thơ, quỹ người cao tuổi, quỹ an ninh, quỹ xây dựng đường giao thông nông thôn...

    Lạm thu phí để “cõng” bộ máy cồng kềnh?

    Trên thực tế, việc người dân bức xúc về nhiều loại phí đã là một lẽ, đằng này, nhiều ngành lại “đẻ” ra những khoản phí hết sức vô lý. Ví dụ, giấy phép kiểm dịch trứng có giá trị 1 ngày tại Lào Cai. Hoặc quy định kiểm dịch mật ong, giống thủy sản theo kiểu mà báo chí đã mô tả là “ngó qua một cái, cấp cho một tờ giấy phép rồi thu tiền”. Hay ở Hà Tĩnh còn có chuyện dân nuôi vịt phải đóng phí cho xã với mức nuôi để thịt là 1.000 đồng/con, còn nuôi để đẻ là 2.000 đồng/con...

    Bên hành lang Quốc hội, trao đổi với PV báo Người đưa tin, Đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương) thậm chí còn chỉ ra hàng loạt loại phí mà đọc lên đã thấy rất... nực cười. Theo Đại biểu Khanh, nhiều khi thấy cái gì cũng thu được, thu chồng, thu chéo. “Khi tàu thuyền chạy trên sông thì phải đóng phí luồng lạch, vào cảng lại phải đóng thêm phí cập cảng, phí neo đậu, phí lưu trú. Như vậy thì nhiều phí quá, đã nộp phí cập cảng rồi thì nên thôi phí neo đậu, vì người ta vào cảng thì phải neo đậu chứ”, Đại biểu Khanh nêu ví dụ.

    Bàn luận về việc “trăm phí đổ đầu phương tiện”, Đại biểu Khanh cho rằng, hiện nay các tuyến đường đều được xây dựng theo hình thức BOT nên những người sống trong vùng BOT phải “gánh” rất nhiều loại phí. “Người ta đã nộp phí bảo trì đường bộ rồi nhưng giờ cứ đi ra khỏi nhà là bị thu phí. Như thế không phí chồng phí thì còn là gì nữa? Chúng ta cần nghiên cứu lấy tiền Nhà nước trả cho BOT, chứ nếu không người dân sống ở vùng BOT khổ lắm. Bộ GTVT nói không chồng phí, còn tôi thì khẳng định đó là phí chồng phí”, Đại biểu Khanh lên tiếng.

    Trong khi đó, Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP. HCM) lại nhấn mạnh việc thu phí môi trường hiện nay là không phù hợp. Đại biểu Lịch đặt câu hỏi: “Ngư dân chạy ngoài biển sao lại bắt họ phải đóng phí môi trường? Có quá nhiều điều vô lý nhưng chúng ta vẫn cứ làm”.

    Trao đổi thêm với PV bên lề Quốc hội, Đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh: “Trong bối cảnh đất nước đang phát triển thì rất cần sự đóng góp về thuế, phí của doanh nghiệp để phát triển hạ tầng, nhưng không thể lạm dụng thu những loại phí không hợp lý và thiếu minh bạch”. Theo một số liệu thống kê, cả nước hiện có gần 4 triệu cán bộ công chức, viên chức (chưa tính lực lượng vũ trang) liên quan công việc phục vụ nhân dân.

    Với số dân hiện tại khoảng 90 triệu người, nhẩm tính, 1 công chức sẽ phục vụ khoảng 22 người – một con số không phải nhỏ, nếu không muốn nói là quá cồng kềnh. Trong số công chức kể trên, có không ít vị “ăn không ngồi rồi”, thế nhưng người dân vẫn đang phải “oằn lưng cõng phí” để “nuôi”. Đó là điều hết sức phi lý. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong khi sự cồng kềnh của bộ máy hành chính, công chức không làm việc hiệu quả chưa thể cắt giảm, thì số công chức mới lại có dấu hiệu tăng lên, một con số thực sự đáng lo ngại.

    Còn đâu lợi nhuận khi một lô hàng “cõng” 43,2 triệu đồng tiền phí?

    Tại hội thảo “Tình hình thực hiện Nghị quyết số 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia” do viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng 18/6, ông Phạm Thanh Bình – chuyên gia của USAID Việt Nam cho biết, các công ty xuất khẩu dăm gỗ ở miền Trung có văn bản phản ánh, mức thu phí kiểm dịch hiện nay không thu theo mẫu kiểm dịch mà thu theo lô.

    Họ quy định 500 tấn là 1 lô kiểm dịch. Một tàu 40.000 tấn dăm gỗ xuất khẩu được chia ra làm 80 lô. Với mức thu phí kiểm dịch 540.000 đồng/lô, phí kiểm dịch cho 1 tàu hàng là 43,2 triệu đồng. Theo ông Bình, đây là vấn đề không minh bạch. Trước phản ánh này, TS Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng viện CIEM lo ngại: “Lại là vấn đề phí. Một lô hàng xuất khẩu mà phí thu tới 43 triệu đồng thì doanh nghiệp còn đâu lợi nhuận? Đây quả thật là một khó khăn đối với doanh nghiệp”.

    THƠM - ĐỨC - NGUYÊN

    Xem thêm video:

    [mecloud]AZjMyIHBDm [/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lam-thu-phi-de-cong-bo-may-cong-kenh-a100050.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.