Khi chủ quyền bị xâm hại, Việt Nam phải phản ứng bằng mọi cách có thể. |
Làm thế nào để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc?
Về mặt chính trị, việc cô lập Trung Quốc cũng không có lợi. Tư duy cô lập theo kiểu Chiến tranh lạnh sẽ đẩy đất nước này lún sâu vào chủ nghĩa dân tộc cực đoan và hận thù đối với các nước khác. Kết hợp với sự cô lập về kinh tế, hai gọng kìm này có thể biến Trung Quốc thành một con thú bị thương và trở nên hung hăng hơn với phần còn lại của thế giới.
Vì thế, cho tới nay học thuyết ngoại giao của các nước lớn đối với Trung Quốc vẫn là vừa hợp tác phát triển vừa tìm cách kiềm chế giống như mô hình “cây gậy và củ cà rốt”. Về lâu dài là khuyến khích sự phát triển của các xu hướng tiến bộ trong nội tại đất nước Trung Quốc, giúp cho tầng lớp trung lưu ở đây phát triển, mở rộng nhận thức và hòa nhập với thế giới.
Quay lại câu chuyện của Việt Nam, Việt Nam có được lợi từ quan hệ kinh tế với Trung Quốc hay không? Dĩ nhiên là có và ngược lại Trung Quốc cũng vậy. Việt Nam có chịu thiệt hại từ đường lối ngoại giao mang tính bành trướng và “cá lớn nuốt cá bé” của Trung Quốc hay không? Đương nhiên là Việt Nam đã và đang phải chịu thiệt hại, nhất là câu chuyện chủ quyền trên Biển Đông.
Trung Quốc đang được lợi từ quan hệ kinh tế bình thường với Việt Nam. Nếu giảm quan hệ kinh tế giữa hai nước, lợi ích đến từ quan hệ này với Việt Nam sẽ ít đi và Trung Quốc sẽ có ít lý do hơn để thỏa hiệp với Việt Nam và vì vậy chắc chắn sẽ trở nên hiếu chiến hơn nữa. Điều này không có lợi cho cả Trung Quốc và Việt Nam.
Điều đó có nghĩa gì? Chẳng lẽ Việt Nam phải nhân nhượng chủ quyền để đổi lấy quan hệ kinh tế với Trung Quốc? Câu trả lời, theo Tiến sĩ Trần Vinh Dự, cũng là không.
Thay đổi cơ cấu kinh tế về dài hạn
Về mặt chất lượng quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc, vấn đề thâm hụt mậu dịch của Việt Nam đối với Trung Quốc là vấn đề lớn. Đáng tiếc là việc xóa bỏ thâm hụt mậu dịch với Trung Quốc là việc không dễ làm và không thể làm một sớm một chiều. Nó liên quan đến hàng loạt các vấn đề lớn của nền kinh tế, trong đó có câu chuyện chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Để làm được việc này thì phải tạo dựng gốc rễ để thay đổi được cơ cấu kinh tế về dài hạn. Thí dụ các doanh nghiệp Việt Nam luôn phàn nàn rằng đấu thầu với các doanh nghiệp Trung Quốc luôn bị thua vì họ bỏ thầu rẻ hơn. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam quay sang chỉ trích rằng nhà thầu Trung Quốc bỏ thầu rẻ nhưng khi làm thì chất lượng thấp. Điều đó có thể đúng. Nhưng điều quan trọng hơn là liệu doanh nghiệp Việt Nam có thể hạ thấp chi phí sản xuất xuống nữa hay không? Đây là một câu hỏi khó. Ngoài câu chuyện trực tiếp của doanh nghiệp, nó còn liên quan đến rất nhiều vấn đề…, trong đó có câu chuyện tham nhũng, nhũng nhiễu và không minh bạch.
Hay một câu chuyện khác là vấn đề xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là tài nguyên và nhập vào chủ yếu là nguyên vật liệu, bán thành phẩm, và máy móc. Việt Nam khó có thể cạnh tranh với Trung Quốc về sản xuất máy móc công nghiệp, đơn giản vì Trung Quốc có lợi thế kinh tế nhờ quy mô (có nghĩa là có thị trường lớn, vì thế có thể có quy mô sản xuất lớn và nhờ đó giá thành hạ). Thế nhưng nếu Việt Nam có thể tạo được các sản phẩm có trí tuệ cao thì vấn đề lợi thế nhờ quy mô (vốn gắn liên với sản xuất công nghiệp truyền thống) không còn quá quan trọng nữa. Đáng tiếc là điều này còn lâu mới thành hiện thực.
Những giải pháp ngắn hạn kiểu như thay đổi chính sách để tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam dễ trúng thầu hơn có thể là những viên thuốc giảm đau nhưng không phải là loại kháng sinh để chữa dứt bệnh.
Khi thay đổi được nền tảng bên dưới, cơ cấu kinh tế Việt Nam chuyển theo hướng hiện đại hơn, doanh nghiệp Việt Nam sẽ tự khắc tìm đến các nhà cung cấp chất lượng cao từ các nước khác thay vì từ Trung Quốc. Khi quan hệ mậu dịch giữa Việt Nam và phần còn lại của thế giới tăng nhanh hơn so với quan hệ mậu dịch giữa Việt Nam và Trung Quốc, Việt Nam sẽ bớt lệ thuộc vào Trung Quốc hơn. Câu chuyện thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc có vẻ như nên nhìn theo hướng này.