Như ĐS&PL đưa tin, ngày 25/10, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội phát đi thông báo về trường hợp một người đàn ông ở huyện Mê Linh – Hà Nội tử vong sau khi tham gia giết mổ chó.
Theo kết quả xét nghiệm của bệnh viện Bạch Mai, người đàn ông này dương tính với virus dại. Hiện tại, có 25 trường hợp có liên quan đang được theo dõi sức khỏe cũng như được tiêm vaccine chống phơi nhiễm.
Liên quan sự việc thương tâm này, bác sĩ thú y Kiều Hồng Quân đã có những trao đổi với ĐS&PL về nguy hiểm và cách phòng chống bệnh dại. Theo đó, bác sĩ Quân cho rằng, cách duy nhất phòng chống bệnh dại ở người đó là "chủ động tiêm phòng cho vật nuôi chó, mèo. Khi thả rông chó, mèo nên đeo rọ mõm để tránh trường hợp bị cắn".
Khi được đặt câu hỏi liên quan đến việc người ăn thịt chó bị dại có nguy cơ nhiễm bệnh hay không, bác sĩ Kiều Hồng Quân chia sẻ: “Virus dại có nhiều trong tuyến nước bọt của động vật chó, mèo. Trong trường hợp người tiếp túc trực tiếp với vật nuôi và có vết thương hở nếu như xử lý kịp thời và tiêm phòng để chống phơi nhiễm thì nguy cơ bị bệnh là rất thấp.
Trên thực tế, virus dại chỉ tồn tại trong môi trường nhiệt độ bình thường trong vài giờ. Ở nhiệt độ 50 độ C, chúng không thể tồn tại. Chính vì vậy, người ăn thịt chó, mèo đã nấu chín sẽ không bị bệnh. Tuy nhiên, trường hợp ăn tiết canh (thuộc thực phẩm thô, chưa qua chế biến) thì rất nguy hiểm, bởi chúng ta không xác định được vật nuôi đó có mắc bệnh hay không. Chính vì thế, chó mèo cần được tiêm phòng theo đúng quy định, và khi vật nuôi có dấu hiệu của bệnh dại hoặc chết không rõ nguyên nhân nguồn gốc thì nên mang chúng đi tiêu hủy”.
Cũng theo chia sẻ của của bác sĩ Quân, thời gian ủ bệnh của bệnh dại còn phụ thuộc vào vị trí tiếp xúc của virus dại với cơ thể người. Cụ thể, càng gần tuyến thần kinh trung ương (đầu) thì thời gian phát tác bệnh sẽ càng nhanh. Người nhiễm bệnh, đa số đều sẽ tử vong.
Thông qua sự việc thương tâm tại huyện Mê Linh, bác sĩ đưa ra một số khuyến cáo để phòng chống bệnh dại như sau: Tiêm vaccine đầy đủ cho vật nuôi, nhất là những người nuôi thú cưng; vật nuôi có dấu hiệu như chảy rãi, chán ăn, dễ kích động… thì cần mang đi tiêu hủy và không tiếp xúc trực tiếp khi không có đồ bảo hộ; khi bị vật nuôi cắn, cào dẫn đến có vết xước thì nên rửa sạch bằng xà phòng, sát khuẩn bằng cồn… trong thời gian từ 10-15 phút; theo dõi vật nuôi để có thể tiêm phòng chống phơi nhiễm kịp thời.
Liên quan đến bệnh dại có nguy cơ bùng phát trở lại, trong văn bản số 5396 ngày 29/9/2022 của Bộ Y tế về việc chỉ đạo các địa phương về phòng chống bệnh đại nêu rõ: “Bệnh dại hiện vẫn là một trong số các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch có số tử vong trên người cao nhất trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Hàng năm thế giới có trung bình 60.000 ca tử vong do dại. Tại Việt Nam, giai đoạn 2017-2021, trung bình mỗi năm có 76 người tử vong, giảm 15% so với giai đoạn 2012 – 2016”.
Bộ Y tế chỉ ra nguyên nhân trực tiếp gây tử vong do dại chủ yếu là do người bị vật nuôi cắn không tiêm phòng vaccine. Nguyên nhân gián tiếp do tỷ tiêm vaccine phòng dại trên đàn chó, mèo còn thấp; công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo. Bộ Y tế cũng chỉ đạo các cơ sở cần nghiêm túc và quyết liệt hơn trong phòng chống bệnh dại cũng như tuyên truyền, khuyến cáo đến người dân về sự nguy hiểm của bệnh dại.
Hương Nguyễn