(ĐSPL) - Vấn nạn bằng giả, chứng chỉ hành nghề thật không chỉ các bác sỹ, dược sỹ “dỏm” tham gia mà hiện nay, tại chính sở Y tế TP.HCM cũng đang có cán bộ bị tố cáo là nằm trong đường dây làm bằng giả, xin chứng chỉ hành nghề thật. Đồng thời, qua rà soát, sở Y tế cũng phát hiện nhiều trường hợp tương tự.
Cái kim trong bọc đã lòi ra?
Biết được thông tin đường dây làm bằng bác sỹ giả, xin chứng chỉ hành nghề của Hồ Quang Hải (bị bắt năm, 2014, tòa tuyên phạt 4 năm tù) và biết L.V.P. công tác tại chi cục An toàn Thực phẩm (thuộc sở Y tế TP.HCM), chính là một mắt xích quan trọng trong đường dây này, nhiều người đã làm đơn tố cáo. Ông N.T.Đ., người từng được P. làm cho một bằng dược sỹ đại học giả và chứng chỉ hành nghề dược sỹ (thật) cũng đã lên tiếng cung cấp thông tin về tấm bằng giả này.
Theo ông Đ., năm 2009, trong những lần đi từ thiện, ông gặp và quen biết L.V.P. và được P. gợi ý mua bằng giả. Lúc bấy giờ, do thiếu hiểu biết, ông Đ. không hình dung được mức độ nghiêm trọng của việc sử dụng bằng giả, nên đã đồng ý mua bằng dược sỹ đại học. Ông và P. gặp nhau ở một quán cà phê tại quận 5: Một bên giao bằng, một bên giao tiền. Thời điểm đó, ông Đ. giao cho ông P. mười mấy triệu để nhận bằng (do thời gian lâu rồi nên ông không nhớ chính xác số tiền bao nhiêu).
Sau khi giao bằng cho ông Đ., ông P. lại “gợi ý” ông Đ. “mua” một chứng chỉ hành nghề dược sỹ do sở Y tế TP.HCM cấp (số 4008/HCM-CCHND ngày 22/4/2015, là chứng chỉ hành nghề xin đổi và được cấp mới). Nghe lời, ông Đ. đồng ý đưa thêm cho ông P. hơn 10 triệu đồng để có được chứng chỉ hành nghề. Theo đó, trong hai lần mua bằng và chứng chỉ hành nghề, ông Đ. đã đưa cho ông P. số tiền khoảng 30 triệu đồng.
Khi có được bằng và chứng chỉ hành nghề, ông Đ. đã mở một quầy thuốc tây tại quận 7. Tuy nhiên, ông Đ. cho biết: “Quầy thuốc hoạt động được một thời gian thì tôi nhận ra việc làm của mình là vi phạm pháp luật nên đã tự làm tường trình. Do không biết nộp cho cơ quan nào, nên tôi đưa bản tường trình này cho người đã tố cáo Hồ Quang Hải đến công an nộp giùm, sau đó dừng hoạt động của nhà thuốc”.
Tiếp sau đó, khoảng tháng 2/2015, ông Đ. tự giác làm thủ tục rút hồ sơ nhà thuốc, bằng giả, chứng chỉ hành nghề thật. Tuy nhiên, trước đó, vào tháng 1/2015, do ông có yêu cầu sở Y tế gia hạn, đổi chứng chỉ hành nghề và đến tháng 4/2015 đã được cấp chứng chỉ hành nghề mới nên thời gian này ông đã đóng cửa nhà thuốc, không sử dụng chứng chỉ hành nghề này nữa.
Ngay sau khi ông N.T.Đ. làm đơn tố cáo ông L.V.P. thì anh P.T.L. (ngụ quận 4, TP.HCM) cũng có đơn tố cáo chính ông này lừa anh làm bằng đại học giả, khiến anh thiệt hại số tiền hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, dù hai bên đã thỏa thuận nhưng ông P. lại không thực hiện theo như cam kết ban đầu.
Dư luận đặt câu hỏi, hiện còn có bao nhiêu người xài bằng giả do Hồ Quang Hải làm và những đường dây khác? |
Nhiều trường hợp sử dụng bằng giả
Theo đó, anh L. cho biết, vào năm 2010, có quen biết ông P. qua bạn bè. Thời gian này, biết anh L. tốt nghiệp trung cấp dược, ông P. đã chủ động lên tiếng sẽ giúp anh làm bằng đại học dược với giá 85 triệu đồng để anh thuận lợi trong việc tìm việc làm. Lúc bấy giờ, ông P. hứa chắc chắn với anh L. là sẽ làm cho anh một bằng đại học y như thật: Có đầy đủ hồ sơ gốc, bảng điểm. P. cũng hứa là có thể dùng bằng giả này để xin chứng chỉ hành nghề và học lên cao hơn.
Tin lời ông P., anh L. và gia đình cố gắng gom góp vay mượn cho đủ số tiền 85 triệu đồng để đưa cho ông P.. Lần đầu, anh L. đưa ông P. 15 triệu đồng đặt cọc. Lần hai, ba anh L. tiếp tục chuyển 70 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng Đông Á mang tên L.V.P. vào tháng 1/2011. Không chỉ vậy, sau đó ông P. còn bắt anh đưa thêm 6 triệu đồng và nhiều lần bắt đưa đi ăn nhậu để làm chứng chỉ hành nghề. Sau đó một thời gian khá lâu, anh L. mới được ông P. giao bằng. Tuy nhiên, tấm bằng anh nhận được lúc đó không như lời hứa ban đầu của ông P. là bằng giả - học thật mà thay vào đó là giả hoàn toàn. Bởi không có hồ sơ gốc đầy đủ cũng như bảng điểm và ông P. cũng không làm được chứng chỉ hành nghề cho anh như lời hứa. Lúc đó anh L. liên lạc với ông P. để đòi lại tiền nhưng không được, gọi điện thì ông này tắt máy không nghe.
Anh L. còn cho biết thêm: “Ông P. không chỉ làm bằng giả cho tôi mà cho nhiều người khác, bởi ông này là một đầu mối trong đường dây làm bằng giả do Hồ Quang Hải cầm đầu, nhưng không biết sao ông P. lại thoát thân và vẫn ung dung làm việc tại một cơ quan Nhà nước. Dù lúc bị đưa ra xét xử, Hải đã khai tên ông P. là 1 trong 3 người do Hải thuê để giao bằng cho khách”.
Liên quan đến đơn tố cáo ông P., vừa qua, Thanh tra sở Y tế TP.HCM đã có buổi làm việc với những người nói trên. Lúc đầu, ông Bùi Minh Trạng – Chánh Thanh tra Sở cho biết: “Sẽ chuyển vụ việc cho Cơ quan điều tra”. Tuy nhiên, do trong buổi làm việc, ông H. (người tố cáo đường dây làm bằng giả của Hồ Quang Hải) đưa ra những chứng cứ chứng minh mối quan hệ quen biết và làm ăn trong ngành y tế của Hồ Quang Hải và ông P. cùng những bằng cấp giả có liên quan đến hai người này nên ông Trạng đã thay đổi cách giải quyết. Ông Trạng cho biết, thanh tra sẽ tiến hành xác minh vụ việc. Theo thông tin PV báo ĐS&PL nắm được, hiện ông P. đã bị tạm đình chỉ công tác để phối hợp với sở Y tế xác minh vụ việc.
Lý giải về tình trạng sử dụng bằng y, bác sỹ giả như phản ánh của báo ĐS&PL trong các số báo vừa qua, ông Trạng nói: “Qua kiểm tra, rà soát từ thông tin do PV cung cấp, hiện Thanh tra Sở đã phát hiện 2 trường hợp được cấp chứng chỉ hành nghề thật từ bằng giả. Từ đó mở rộng kiểm tra khâu cấp phép, Sở phát hiện 25 hồ sơ (nghi là hồ sơ giả) xin cấp chứng chỉ hành nghề trong 2 năm 2013, 2014. Trong 25 hồ sơ này có nhiều hồ sơ liên quan đến vụ án bằng giả do Hồ Quang Hải và đồng bọn tổ chức thực hiện”.
Nói về công tác thanh kiểm tra và ngăn ngừa tình trạng bằng cấp giả, nhất là công tác hậu kiểm đối với các phòng khám, bác sỹ “dỏm”, ông Trạng cho biết: “Sở Y tế đã có chỉ đạo rõ ràng, cụ thể, nếu phòng Y tế quận, huyện nào không làm tốt việc quản lý các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn của mình, sẽ bị nhắc nhở và xem xét mức độ vi phạm mà hạ thành tích thi đua”.
Ông này cũng khẳng định: Chính các phòng Y tế quận, huyện phải là đơn vị nắm bắt rõ tình hình hoạt động của các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn mình. Bởi, họ là đơn vị gần gũi nhất thì hơn ai hết, phải nắm bắt tình hình thực tế tại địa phương. Và trong những lần họp giao ban, ban Giám đốc Sở cũng đã nhiều lần đưa ra xem xét vấn đề: Nhiều cơ sở y tế hoạt động không phép, bị tố cáo nhưng các phòng Y tế quận, huyện tại nơi các cơ sở này hoạt động lại không nắm bắt được tình hình. Báo ĐS&PL sẽ trở lại nội dung này khi có thông tin mới.
Phải có chứng chỉ hành nghề Theo Chánh Thanh tra sở Y tế TP.HCM Bùi Minh Trạng, thì đối với những cơ sở y tế tư nhân dưới danh nghĩa phòng khám, có đăng ký nhiều bác sỹ khám chữa bệnh, tất cả bác sỹ đó phải có chứng chỉ hành nghề. Riêng người đứng tên giấy phép kinh doanh có thể không trực tiếp khám chữa bệnh nhưng phải quản lý cơ sở hoạt động đúng theo quy định. Còn với những phòng khám chuyên khoa cá thể, tức là chỉ có một cá nhân được cấp giấy phép và danh sách nhân sự, theo ông Trạng, người đứng tên giấy phép là người trực tiếp khám chữa bệnh. Bởi, luật pháp đã quy định rõ về những vấn đề này. |
THANH TÙNG