+Aa-
    Zalo

    Làm gì để không "tan cửa, nát nhà" khi chơi hụi, họ?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Một số đối tượng lợi dụng hình thức góp vốn chơi hụi để thực hiện hành vi lừa đảo dẫn đến hàng loạt vụ vỡ hụi tiền tỷ khiến không ít người rơi vào cảnh "trắng tay".

    Hiện nay, hình thức chơi hụi (họ, biêu, phường) đang diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi. Về bản chất, đây là một trong những hình thức để huy động vốn, tương trợ nhau trong một cộng đồng dân cư được Nhà nước thừa nhận và cho phép hoạt động. Tuy nhiên, một số đối tượng lợi dụng hình thức góp vốn chơi hụi để thực hiện hành vi lừa đảo dẫn đến hàng loạt vụ vỡ hụi tiền tỷ khiến không ít người rơi vào cảnh "trắng tay".

    Chủ 32 dây hụi bị khởi tố, bắt giam

    Lợi dụng lòng tin của người dân, 1 người phụ nữ ở Bến Tre đã huy động tiền hụi, sau đó tuyên bố vỡ hụi và chiếm đoạt gần 17 tỷ đồng.

    Ngày 3/3, Công an tỉnh Bến Tre cho biết cơ quan CSĐT Công an tỉnh vừa ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị Thanh Thúy (49 tuổi, ngụ ấp Ao Vuông, xã Phú Long, huyện Bình Đại) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

    Nguyễn Thị Thanh Thúy tại cơ quan công an.

    Kết quả điều tra ban đầu, công an cho hay, Nguyễn Thị Thanh Thúy làm chủ dây hụi từ năm 2001. Đến ngày 3/4/2019, Thúy tuyên bố vỡ hụi, sau đó bỏ đi khỏi nơi cư trú.

    Tại thời điểm vỡ hụi, Thúy đang làm chủ 32 dây hụi và còn nợ tiền hụi của 166 người tham gia. Số tiền mỗi dây hụi từ 1 triệu đến 10 triệu đồng, hình thức các dây hụi tháng có lời.

    Công an xác định, trong thời gian dài, lợi dụng việc làm chủ các dây hụi và sự tin tưởng của hụi viên, Thúy đã thực hiện hành vi gian dối để chiếm đoạt của những người chơi hụi, với số tiền gần 17 tỷ đồng. Hiện, cơ quan Công an tỉnh Bến Tre đang điều tra, xử lý bị can theo quy định của pháp luật.

    Trao đổi với PV về vụ án trên, luật sư Đinh Anh Tuấn (đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết hành vi của bị can Thúy có đầy đủ dấu hiệu phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Người thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt số tiền càng lớn thì mức hình phạt phải đối diện lại càng cao. Cụ thể người phạm tội có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân nếu lừa đảo chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500 triệu đồng trở lên. Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10 đến 100 triệu đồng hoặc bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

    "Trắng tay" vì chơi hụi

    Ngày 14/12/2020, TAND tỉnh An Giang đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Lâm Thị Hồng Vân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vụ án liên quan đến giao dịch hụi này xảy ra tại huyện Phú Tân, tỉnh An Giang.

    Bị cáo Vân tại phiên tòa.

    Theo cáo trạng, năm 1990, Lâm Thị Hồng Vân thông qua các mối quan hệ xã hội, Lâm Thị Hồng Vân trực tiếp đứng ra làm chủ nhiều dây hụi để hưởng tiền hoa hồng. Trước khi mở hụi, Vân thông báo cho những người tham gia biết và chốt danh sách, số lượng người tham gia của từng dây hụi. Hàng tháng theo định kỳ, Vân tổ chức khui hụi và giao tiền hốt hụi cho hụi viên đầy đủ, đúng thời gian quy định.

    Đến tháng 4/2015, Vân bắt đầu vỡ hụi và không còn khả năng thanh toán tiền cho các hụi viên nên nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của các hụi viên để tiếp tục duy trì các dây hụi do Vân làm chủ. Để có tiền, Vân mở thêm nhiều dây hụi, cho nhiều người tham gia và tự thêm những tên khống (không có người thật chơi hụi) vào các dây hụi do Vân làm chủ.

    Đến kỳ khui hụi, lợi dụng một số hụi viên không đến bỏ thăm, Vân đã tự ý lấy tên của những người này hoặc những tên khống do Vân tự đặt ra để hốt hụi, rồi nói dối với các hụi viên có người đã hốt, để chiếm đoạt tiền của các hụi viên.

    Tháng 9/2017, Vân đang làm chủ 26 dây hụi, chưa kết thúc nhưng không còn khả năng thanh toán nên tuyên bố vỡ hụi.

    Kết quả điều tra xác định, từ tháng 4/2015 đến tháng 9/2017, Vân tổ chức 26 dây hụi tháng từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng, cho 145 hụi viên tham gia, đến khi vỡ hụi có 13 hụi viên đã thỏa thuận xong, không còn nợ; còn lại 132 hụi viên Vân còn nợ với số tiền 18.351.987.000 đồng. Sau đó, Vân tiếp tục thỏa thuận, cấn trừ nghĩa vụ đã hốt của hụi viên ở một số dây hụi, số còn nợ lại thì thực hiện việc hoàn trả theo nghĩa vụ dân sự; còn lại 117 hụi viên bị Vân chiếm đoạt bằng hình thức ghi khống tên để hốt 74 phần và hốt 224 phần của hụi viên, với tổng số tiền vốn (thực đóng hụi) là 11.178.545.000 đồng.

    Quá trình xét xử, HĐXX nhận định hành vi phạm tội của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, không những xâm phạm đến quyền sở hữu về tài sản của người khác được Nhà nước ghi nhận và bảo vệ, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến đời sống bình thường của xã hội, gây mất an ninh trật tự trị an ở địa phương; làm mất lòng tin của người dân trong các giao dịch, quan hệ xã hội. Với tính chất mức độ phạm tội của bị cáo, sau khi nghị án, HĐXX đã thống nhất quan điểm đề nghị của đại diện viện Kiểm sát, tuyên phạt bị cáo Lâm Thị Hồng Vân 15 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

    Những vụ án trên là bài học thích đáng cho việc lợi dụng lòng tin của người khác để có được tài sản một cách bất hợp pháp. Những người tham gia giao dịch hụi cần nâng cao cảnh giác hơn nữa, đặc biệt chú trọng các vấn đề về lập sổ theo dõi ghi đầy đủ thông tin cá nhân của chủ hụi và hụi viên tham gia trong từng dây hụi, hụi viên tham gia góp hụi phải giữ sổ hụi và phải biết mặt nhau, đồng thời phải thực hiện việc khui hụi đầy đủ.

    PV

    Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số Chủ Nhật (10)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lam-gi-de-khong-tan-cua-nat-nha-khi-choi-hui-ho-a359005.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan