+Aa-
    Zalo

    Làm gì để đảm bảo an toàn khi thang máy xảy ra sự cố?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Trước hàng loạt sự cố thang máy xảy ra trong thời gian qua, câu hỏi cấp bách đặt ra trong lúc này làm sao để đảm bảo an toàn cho người sử dụng thang máy.

    (ĐSPL) - Trước hàng loạt sự cố thang máy xảy ra trong thời gian qua, câu hỏi cấp bách đặt ra trong lúc này làm sao để đảm bảo an toàn cho người sử dụng thang máy. Đặc biệt là trong những trường hợp xấu xảy ra như cháy nổ, mất điện...
     
    Thời gian gần đây, hàng loạt sự cố liên quan đến hoạt động của thang máy tại các khu chung cư xảy ra khiến người dân hết sức hoang mang.
     
    Gần đây nhất vào hồi 19h tối ngày 11/8, trạm biến áp tại chung cư CT6 Xa La (Hà Đông, Hà Nội) bất ngờ phát nổ. Theo đó, những tia lửa bắn xa như pháo hoa và khói bốc lên mù mịt khiến nhiều người tại đây lo sợ xảy ra hỏa hoạn đã tháo chạy xuống mặt đất thoát hiểm qua đường thang bộ.
     
    Đặc biệt, khi biến áp nổ, điện mất đột ngột, nhiều người đang di chuyển trong thang máy đã rơi vào trạng thái hoảng loạn, la hét và gọi điện thoại cho người thân đến ứng cứu. Được biết, thang máy bị dừng đột ngột ở tầng 11, lực lượng cứu hộ phải dùng xà beng phá cửa giải cứu người bên trong.
     

     Đảm bảo an toàn cho người dân sử dụng thang máy là vấn đề cần được hết sức quan tâm.

    Trước đó, hơn 8h sáng ngày 30/6, ông Trần Huy Tuấn (50 tuổi, ở Việt Trì, Phú Thọ) là bảo vệ tòa chung cư N5, đường Hoàng Đạo Thúy (Thanh Xuân, Hà Nội) cùng ông Vũ Lập Thảo lên kiểm tra chiếc thang máy bị hỏng, kẹt ở tầng 7 từ nhiều tháng nay để thuê thợ vào sửa.
     
    Tuy nhiên, khi vừa mở được khóa cửa thang máy, ông Tuấn hụt chân bước vào bên trong khiến thang máy rơi tự do từ tầng 7 xuống đất và ông tử vong tại chỗ.
     
    Theo đó, những vấn đề bức xúc và cấp bách đặt ra trong lúc này làm sao để đảm bảo an toàn cho người sử dụng thang máy. Đặc biệt là trong những trường hợp xấu xảy ra như cháy nổ, mất điện.
     
    Chia sẻ với PV báo Đời sống và Pháp luật về những vấn đề này, ông Bùi Đức Trung – Phụ trách kỹ thuật Công ty CP thang máy HT cho biết: “Tại các nước phát triển, tính năng dành cho thang máy khi có hỏa hoạn hay động đất đặc biệt quan trọng và được qui định là một trong các tiêu chuẩn của hệ thống thang máy khi đưa vào hoạt động tại các tòa nhà cao tầng. Ví dụ tại HongKong, tính năng chống cháy, báo cháy và hoạt động của thang máy khi tòa nhà có cháy được đưa vào luật và có các quy định rất chi tiết. Ngoài các tính năng điều khiển ở chế độ hỏa hoạn, người ta còn sử dụng các vật liệu chống cháy cho buồng thang và cánh cửa thang máy tại các tầng.
     
    Tại Việt Nam, tính năng này chưa thực sự được quan tâm hoặc chỉ mang tính hình thức, đặc biệt với hệ thống điều khiển sản xuất trong nước hoặc sử dụng các hệ điều khiển không phải chuyên dụng cho thang máy”.
     
    Theo đó, vấn đề đặt ra ở đây là có nên hay không việc đặt các thiết bị báo cháy, báo động… mỗi khi thang máy gặp sự cố. Trước thực trạng này, ông Bùi Đức Trung cho rằng: “Thực ra những giải pháp này đều có hết rồi. Tính năng hoạt động báo cháy dành cho hành khách sử dụng thang là tín hiệu báo cháy của tòa nhà được kết nối vào hệ thống điều khiển của thang máy. Khi thang nhận được tín hiệu báo cháy, thang máy sẽ tự động hủy tất cả các cuộc gọi trước đó, không nhận các cuộc gọi mới, chạy về tầng lánh nạn đã định sẵn, mở cửa đưa hành khách ra ngoài. Sau đó thang sẽ ở trang thái “Không phục vụ”.
     
    Ông Bùi Đức Trung khuyến cáo: “Trong trường hợp thang máy xảy ra sự cố thì người sử dụng thang máy đang bị kẹt phía trong phải ấn nút liên lạc nội bộ trên bảng điều khiển trong cabin, chuông báo động khẩn cấp kêu vang và còi của bộ intercom rú lên trong phòng điều khiển của tòa nhà. Người phụ trách tòa nhà hoặc người chịu trách nhiệm về thang máy phải liên lạc với người bị kẹt qua hệ thống liên lạc nội bị (intercom) để đảm bảo an toàn.
     
    Đặc biệt, trường hợp mất điện khiến người dân bị mắc kẹt trong thang máy đừng cố chui ra ngoài thang máy. Nếu cố gắng thoát ra ngoài qua cửa cấp cứu trên trần hoặc cố cạy cửa mở khi bị kẹt trong cabin thang máy, thì người bị mắc kẹt có thể bị rơi vào hố thang máy. Đồng thời, người dân nên bình tĩnh vì chúng ta không bao giờ nghẹt thở trong cabin thang máy bị ngừng”.
     
    Bên cạnh đó, ông Nguyễn Vũ Khoa - Nhân viên tại Công ty Cổ phần công nghệ và đầu tư tài chính TFI lại chỉ ra một thực tế rằng: "Hiện nay, các tòa nhà cao tầng vẫn chưa được quan tâm đúng mức về việc trang bị các thiết bị an toàn phòng chống cháy nổ. Một số tòa nhà mặc dù có các họng nước cho các thiết bị chữa cháy, nhưng khi lực lượng cứu hộ đến thì hóa ra lại... không vừa với thiết bị của bên PCCC. Hay có những tòa nhà thiết bị báo động cháy nổ lại bị bảo vệ tắt đi để... tiết kiệm điện. Khi thực tập phòng chống cháy nổ thì mới phát hiện thiết bị báo động không hoạt động.
     
    Do vậy các biện pháp an toàn là cần thiết, nhưng hơn hết là trang bị cho dân cư các tòa nhà cao tầng những kiến thức, kỹ năng thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp bằng cách tham gia các hóa học về thoát hiểm, hay sở hữu các thiết bị thoát hiểm".
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lam-gi-de-dam-bao-an-toan-khi-thang-may-xay-ra-su-co-a46253.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan