Khát vọng ngàn đời của con người là trở nên hoàn mỹ. Ai mà không muốn mình thật đẹp và ấn tượng trong mắt mọi người. Tuy nhiên, đôi khi cái giá phải trả là vô cùng đắt...
Phương pháp làm đẹp bằng filler gây sốt đối với chị em. |
Thời gian gần đây, nhiều chị em phụ nữ lạm dụng việc tiêm filler (chất làm đầy) nhằm làm đẹp. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại, những phương pháp làm đẹp này thường được thực hiện ở những cơ sở thẩm mỹ không uy tín, và filler không rõ nguồn gốc. Hậu quả nhiều chị em “tiền mất tật mang” vì bị biến chứng tắc mạch nuôi cằm, tắc mạch mắt gây mù mắt… thậm chí tắc mạch máu não gây đột quỵ
Filler là gì? Tại sao phải tiêm filler?
Filler được biết đến là một chất làm đầy, tồn tại tự nhiên và an toàn trong cơ thể người. Những người chưa về vẻ ngoài của mình, hoặc chị em phụ nữ lão hóa da muốn dùng filler để làm đẹp tạm thời, làm đầy những vùng cơ thể hóp, sụt, nhão nhoẹt, muốn nó được đầy đặn, căng bóng. Tiêm filler được ứng dụng trong việc tạo hình khuôn mặt, thay đổi tướng số như làm căng mọng môi, nâng má, làm nhọn cằm, nâng mũi và làm đầy những nếp nhăn ở độ tuổi lão hóa, Ngoài ra, chúng còn được dùng để nâng ngực hay mông.
Sở dĩ tiêm filler trở nên phổ biến bởi chúng được thực hiện nhanh chóng chỉ trong vài chục phút đồng hồ và mang lại hiệu quả tức thì. Filler cũng đã được các chuyên gia thẩm mỹ trên toàn thế giới công nhận về sự an toàn, cho phép được sử dụng phổ biến. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều trường hợp bị biến chứng sau khi tiêm filler. Nguyên nhân chủ yếu gây ra biến chứng khi tiêm filler đó chính là việc sử dụng filler giả, không có nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường rất nhiều. Nguyên nhân này là do nhu cầu làm đẹp giá rẻ mà nhanh chóng của nhiều người hoặc do lựa chọn phải cơ sở làm đẹp không uy tín, bác sĩ không có chuyên môn.
Biến chứng làm đẹp từ filler
Theo TS.BS Phạm Cao Kiêm, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng (Bệnh viện Da liễu Trung ương): Thời gian gần đây, Bệnh viện Da Liễu Trung ương đã liên tục tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị tai biến do tiêm chất làm đầy tại một cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn Hà Nội.
TS.BS Phạm Cao Kiêm đang thăm khám cho bệnh nhân. |
Đơn cử như trường hợp nữ bệnh nhân 32 tuổi, ở Hà Nội nhập viện trong trình trạng tổn thương sưng nên vùng mắt, môi căng bóng, sờ có khối chắc, xuất hiện vết rò ở môi trên và môi dưới. Qua thăm khám, Ths, BS Vũ Thái Hà, Trưởng khoa Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ tế bào gốc Bệnh viện Da liễu Trung ương chẩn đoán bệnh nhân gặp phải là do phản ứng u hạt sau tiêm filler.
Một số ca biến chứng "kinh khủng" từ lạm dụng tiêm filler không đảm bảo. |
Qua khai thác bệnh sử, được biết trước đó khoảng 10 ngày, bệnh nhân có đến một thẩm mỹ viện ở Hà Nội để làm đẹp bằng cách tiêm chất làm đầy vào môi, mắt và thái dương. Tuy nhiên, chỉ sau tiêm 4 ngày, bệnh nhân đã gặp phải biến chứng. Tại Bệnh viện da liễu Trung ương, bệnh nhân được tiêm thuốc giải hyaluronidase, chống phù nề và giảm viêm trong khoảng 10 – 15 ngày, có thể điều trị tại nhà. Tuy nhiên, trường hợp này cần phải theo dõi lâu dài (trong vòng 6 tháng) sau khi điều trị hết các tổn thương.
Hay một trường hợp khác, Bệnh viện da liễu Trung ương cũng tiếp nhận một nữ bệnh nhân bị tai biến mũi vì tiêm chất làm đầy filer. Bệnh nhân nữ 23 tuổi (Đống Đa, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng toàn bộ tháp mũi bệnh nhân sưng nề, nhiều ổ mủ lan rộng đỉnh mũi và sống mũi, mũi đau đỏ, tiết dịch. Đáng lo ngại, bệnh nhân có dấu hiệu hoại tử nhiều vùng mũi.
Thông qua 2 ca bệnh trên, TS.BS Phạm Cao Kiêm cho biết: Những trường hợp nhập viện vì bị biến chứng filler, đa phần đều phẫu thuật tại những cơ sở thẩm mỹ không uy tín. Theo bác sĩ Kiêm giải thích: Tiêm filler là một trong những phương pháp làm đẹp không xâm lấn hiệu quả. Filler thường được gọi là chất làm đầy, một hợp chất được cấu tạo từ Axit hyaluronic giống như một chất tự nhiên tồn tại trong cơ thể con người.
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại filler khác nhau, được quảng cáo và nhập từ Mỹ, Thụy Sỹ… với những công dụng được quảng cáo “có cánh” như: Nâng mũi, tạo cầm V – line, làm đầy mặt, giảm nếp nhăn, thời gian thẩm mỹ chỉ trong vòng 10 – 15 phút.
Bác sĩ Kiêm cho biết, nhiều người chỉ nghĩ đơn thuần, tiêm filler chỉ là một mũi tiêm đơn giản, nhưng nếu người thực hiện thủ thuật sai cách, tiêm sai liều, chất lượng filler không đạt chuẩn, có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. Thực tế các ca bệnh biến chứng thường gặp nhất là tác mạch, chèn ép mạch hoặc cả hai gây hoại tử ở vùng mạch đó nuôi dưỡng; Tắc mạch nuôi cầm, mũi, má gây hoại tử các bộ phận này; Tắc mạch mắt gây mù mắt, thậm chí tắc mạch máu não gây đột quỵ.
Bệnh nhân biến chứng nặng sau khi tiêm filler xóa nếp nhăn. |
Đối với những bệnh nhân được điều trị kịp thời có thể phục hồi gần như ban đầu, nhưng nếu càng để lâu dễ dẫn đến hoại tử tổ chức không hồi phục. Tại bệnh viện đã từng có một nữ bệnh nhân (23 tuổi, trú tại Đắc Lắc) đã bị ảnh hưởng não bộ nghiêm trọng và mất hoàn toàn thị lực khi tiêm filler để tạo dáng mũi thẳng, nhưng bị tiêm nhầm vào mạch máu”, bác sĩ Kiêm cho biết.
Trong khi đó, theo quy định người thực hiện tiêm filler bắt buộc phải là bác sĩ hoặc có giấy tờ chứng nhận mới có thể hành nghề. Tuy nhiên, thực tế nhiều cơ sở thẩm mỹ, nhân viên Spa không có trình độ y khoa, không được đào tạo bài bản và chính thống những vẫn thực hiện tiêm cho khách hàng. Bởi vậy, để đảm bảo an toàn, bác sĩ Kiêm khuyến cáo: Khi có ý định làm đẹp bằng filler, bệnh nhân nên đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế có chuyên khoa Thẩm mỹ đã được cấp phép để thực hiện thủ thuật. Người thực hiện thủ thuật phải là bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ hoặc chuyên khoa da liễu, phải hiểu rõ các chất làm đầy, đồng thời nắm rõ quy trình xử lý nếu khách hàng gặp phải biến chứng không mong muốn.
“Bên cạnh đó, mọi người cần lưu ý một số trường hợp chống chỉ định với việc tiêm chất làm đầy filler gồm: Phụ nữ mang thai, cho con bú; vùng tiêm đang bị nhiễm khuẩn, rối loạn đông máu – chảy máu; teo da; rối loạn phục hồi vết thương…”, bác sĩ Kiêm cho biết thêm.
Cần lưu ý để tránh những hậu quả đáng tiếc khi sử dụng filler làm đẹp. |
Tổng hợp.
Lao động Thủ Đô/Sức khỏe đời sống/