Theo Times of India, trong hơn 2 năm qua, virus SARS-CoV-2 lan tràn và biến đổi khó lường. Gần đây, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết các biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron đang chiếm ưu thế tại Mỹ, nhiều nước khác cũng bày tỏ sự lo ngại về vấn đề tương tự.
Mặc dù các triệu chứng được cho là nhẹ hơn nhưng tỷ lệ lây nhiễm lại tăng lên đáng kể, khiến số người mắc bệnh gia tăng. Điều tồi tệ hơn là các triệu chứng của Omicron có xu hướng trùng lặp với dấu hiệu của các vấn đề hô hấp khác, bao gồm cả dị ứng. Các chuyên gia nhận định việc này có thể tạo điều kiện thuận lợi hơn để virus lây lan.
Tại sao triệu chứng của Omicron và dị ứng dễ gây nhầm lẫn?
Kể từ khi biến thể Omicron xuất hiện, các triệu chứng thường thấy của COVID-19 đã dần thay đổi. Nếu biến thể Delta gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn và đe dọa tính mạng thì Omicron lại gây bệnh nhẹ hơn đáng kể.
Theo các chuyên gia, trong khi Delta ảnh hưởng tới đường hô hấp dưới, Omicron được cho là tấn công đường hô hấp trên, gây ra các triệu chứng như đau họng, sổ mũi, hắt hơi, đau đầu, đau cơ, sốt…
Các triệu chứng hô hấp trên cũng được báo cáo ở những người bị dị ứng nhưng do nguyên nhân hoàn toàn khác, cụ thể là các chất trong không khí như phấn hoa. Vì dị ứng cũng xuất hiện các dấu hiệu như nghẹt mũi, hắt hơi, ho, nhức đầu và mệt mỏi nên bạn khó xác định được nguyên nhân gây bệnh.
Làm thế nào để phân biệt Omicron và dị ứng?
Khi nói đến sự khác biệt giữa Omicron và dị ứng, có thể xem xét thời gian ủ bệnh. Phản ứng dị ứng sẽ xảy ra trong vài giây hoặc vài phút sau khi tiếp xúc với chất gây dị ứng, có thể kéo dài từ vài ngày tới vài tháng, phụ thuộc vào thời gian bạn tiếp xúc với chất gây dị ứng và thời gian ngắn sau đó. Trong khi đó, các chuyên gia cho biết thời gian ủ bệnh khi một người nhiễm Omicron là khoảng 2 – 4 ngày, thường ngắn hơn các biến thể trước.
Báo cáo của Health dẫn lời Tiến sĩ Y khoa Scott Feldman – Phó giáo sư Y học lâm sàng thuộc bộ phận Dị ứng và Miễn dịch học tại Đại học Pennsylvania (Mỹ) cho biết sốt là một dấu hiệu để nhận biết COVID-19. Vị chuyên gia này giải thích nhiệt độ cơ thể tăng lên cho thấy cơ thể đang cố gắng chống lại nhiễm trùng.
Một triệu chứng khác giúp phân biệt COVID-19 với các bệnh đường hô hấp khác là mất khứu giác và vị giác. Điều này khó xảy ra với các bệnh lý khác. Ở người bị dị ứng, mùi có thể giảm một phần do nghẹt mũi nhưng không nghiêm trọng và kéo dài như COVID-19.
Bên cạnh đó, người bị dị ứng có thể bị ngứa và chảy nước mắt – dấu hiệu không phổ biến với biến thể Omicron. Bạn cũng cần lưu ý một số yếu tố khác, ví dụ nếu có tiền sử dị ứng thì bạn sẽ dễ bị dị ứng hơn, có thể nhận ra sớm khi đột ngột tiếp xúc với chất gây dị ứng nhất định.
Những người bị dị ứng theo mùa cũng dễ gặp các triệu chứng vào cùng một thời điểm mỗi năm và trong hoàn cảnh tương tự. Nếu đang sử dung thuốc chữa dị ứng thì bạn cần biết rằng những loại thuốc này chỉ điều trị các triệu chứng như nghẹt mũi, chảy nước mũi và ho, không làm giảm sốt, đau nhức cơ thể và mất khứu giác, vị giác.
Nhìn chung, cách tốt nhất để xác định xem bản thân có mắc COVID-19 hay không là làm xét nghiệm. Bạn có thể chọn xét nghiệm kháng nguyên cho kết quả nhanh chóng hoặc xét nghiệm RT-PCR cần nhiều thời gian hơn nhưng có kết quả chính xác hơn.
Đinh Kim(Theo Times of India)