Sau khi bài kiểm tra 15 phút của một nữ sinh bị "lộ", nhiều học sinh đã thi nhau vào nhận "đồng đội" vì có chung bí quyết giải đề.
Trong quãng thời gian dài nghỉ học để tránh dịch, nhiều trường vẫn tổ chức dạy online cho các em học sinh. Và khi đi học trở lại, để đo lượng kiến thức các em đã ghi nhận được trong quá trình học trực tuyến, hầu như thầy cô nào cũng cho làm bài trắc nghiệm kiểm tra 15 phút.
Khi làm bài kiểm tra trắc nghiệm nếu không biết đâu là đáp án đúng nhiều bạn thường sử dụng phương pháp "chọn đại". Bởi quan niệm thà "chọn nhầm còn hơn bỏ sót", biết đâu lại đúng.
Đáp án toàn C của nữ sinh. |
Thế nên khi bài kiểm tra 15 phút của một bạn nữ sinh bị "lộ" ra trên mạng xã hội đã ngay lập tức thu hút được sự chú ý của mọi người. Cứ tưởng do bài đó được điểm cao hay cách trình bày đẹp, nhưng không, điểm nhấn lại nằm ở đáp án các câu hỏi trắc nghiệm. Bạn nữ sinh này đã chọn toàn bộ là câu C.
Có lẽ vì tìm thấy "đồng đội" của mình nên các bạn học sinh khác thi nhau vào cho biết đây cũng là bí quyết kiểm tra của các bạn ấy. Thậm chí, còn có cả câu dặn dò toàn bằng vần "C": "Các cậu có câu: Chọn câu "C" cho chắc cú". Và vì chắc hẳn là câu "sấm truyền" trong giới học sinh nên ai cũng làm theo.
Song, đời không như là mơ, cũng có nhiều bạn nói rằng lời tiên đoán này không phải lúc nào cũng đúng.
- "Đã thử và thành công nhé".
- "Hồi thi học kỳ I môn Toán nguyên trang cuối mình chọn toàn câu C kết quả là sai hết".
- "Người anh em của tui đây rồi".
- ""C" là viết tắt của từ "chân ái"".
Không những thế, có bạn còn bật mí luôn kinh nghiệm làm bài trắc nghiệm của mình công khai cho mọi người biết luôn: "Cứ chọn dài nhất hoặc ngắn nhất, gần giống nhau thì C là chân lý. Còn toán thì chọn đáp án nào có nhiều điểm chung nhất hoặc thuận mắt nhất nếu không có điểm chung".
Mặc dù đua nhau đưa ra kinh nghiệm làm bài trắc nghiệm là thế, nhưng xét cho cùng cuộc đời sẽ không phải lúc nào cũng màu hồng nên hãy cố gắng học tập thật tốt.
Trước đó, dân mạng cũng được một tràng cười hả hê khi nhìn ảnh chụp lại đề kiểm tra môn lịch sử của một nam sinh trung học.
Câu trả lời siêu lầy của cậu học trò. |
Nội dung để kiểm tra là những câu hỏi nằm trong chương trình sách giáo khoa nhưng lại có một chi tiết gây bão mạng, khiến mọi người đua nhau chia sẻ. Đó là bởi nam sinh này đã đưa ra một đáp án cực lầy lội trong bài.
Theo đó câu 2 phần Tự luận của đề kiểm tra có nêu yêu cầu: Hoàn thành bảng niên biểu về quá trình Thực dân Pháp xâm lược miền Nam. Trong các mốc thời gian có ngày 20/11/1873. Cho những ai không nhớ thì đây chính là ngày diễn ra sự kiện Pháp tấn công thành Hà Nội lần thứ nhất. Quân dân Hà Nội, dưới sự chỉ huy của Nguyễn Tri Phương, đã anh dũng chiến đấu bảo vệ Hà Nội trước sự tấn công xâm lược của thực dân Pháp.
Song cậu bạn lại không nhớ ra sự kiện này. Nhớ lời cô giáo dặn "không được để trống đề thi", cậu bạn đánh liều điền một đáp án không ai ngờ, đó chính là "Ngày Nhà giáo Việt Nam". Thực chất, ngày Nhà giáo Việt Nam chính thức ra đời vào năm 1982 và cách sự kiện Trận thành Hà Nội thứ nhất tận 109 năm!
Có lẽ thấy hai ngày giống nhau, chỉ khác mỗi năm lại đang bí quá nên nam sinh này mới đánh liều điền đáp án như vậy.
Quỳnh Chi(T/h)