Nhiều người mua ô tô chạy Grab, Uber khi bán xe mới “ngã ngửa” vì bị cơ quan thuế truy thu hàng chục triệu đồng, thậm chí bị phạt do chậm thuế.
Bị truy thu hàng chục triệu đồng tiền thuế
Ngày 19/9, chia sẻ với PV, anh Nguyễn Văn Xang (Hà Nam) cho biết, tìm hiểu thông tin qua bạn bè, tháng 6/2015 anh quyết định vay mượn mua một chiếc Kia K3 để chạy Uber.
Do muốn có xe biển Hà Nội nên anh được nhân viên bán xe hướng dẫn cách đăng ký giấy phép hộ cá thể (HKD) để đăng ký tham gia chạy xe Uber. Mức phí để làm “dịch vụ trọn gói” này là 5 triệu đồng.
Yên tâm chạy Uber mấy năm không suy nghĩ gì, thời gian gần đây gia đình khó khăn, đang cần tiền để trang trải sinh hoạt nên tháng 5/2017 anh quyết định bán xe và được một khách hàng đồng ý mua với mức giá 500 triệu đồng. Tuy nhiên, khi làm thủ tục sang tên xe bên mua yêu cầu anh xuất hóa đơn vì phát hiện đây là xe đăng ký diện HKD.
Khi đến cơ quan thuế để làm các thủ tục xuất hóa đơn, anh Xang bị cơ quan thuế truy thu nhiều khoản thuế phí như: Môn bài, thuế thu nhập cá nhân…
Không những thế, anh Xang còn bị xử phạt do chậm trễ khai báo cũng như thực hiện nghĩa vụ thuế từ hơn 2 năm trước.
Tổng các khoản phải nộp để được xuất hóa đơn lên tới gần 30 triệu đồng. “Lúc này, tôi mới ngã ngửa khi nghe cơ quan thuế thông báo về các khoản phải nộp. Tất cả những điều này trước đây tôi đều chưa nghe tới…”, anh Xang cho biết.
Quá choáng váng về mức tiền bị , anh Xang đánh liều mang xe ra showroom kinh doanh xe cũ ở Dương Đình Nghệ bán. Tuy nhiên, khi biết xe anh đăng ký theo hình thức HKD các đại lý ở đây cũng không mặn mà. Có showroom đồng ý mua nhưng cũng yêu cầu anh xuất hóa đơn cho chiếc xe của mình để có thể sang tên đổi chủ cho khách.
“Gia đình đang có việc cần đến tiền, tôi đã phải bán lỗ chiếc xe khá nhiều, nhưng giờ bán lại chưa được 500 triệu đồng lại phải đóng thêm nhiều khoản thuế phí bị truy thu thì quá đắng cay”, anh Xang than thở.
Sau khi tìm hiểu, anh Xang được biết không chỉ riêng mình mà rất nhiều lái xe Uber rơi vào hoàn cảnh này. Thậm chí có đến quá nửa mua xe, đăng ký theo diện HKD và hầu hết cũng không biết những quy định này.
Anh Đào Việt Quân (Nam Định) đang chạy xe Grab tại Hà Nội cũng cho biết: “Chiếc Grand i10 tôi đang chạy hiện cũng đăng ký với hình thức HKD. Khi mua xe tôi được nhân viên bán hàng hỏi mục đích sử dụng và tư vấn cho hình thức đăng ký này. Tuy chưa có nhu cầu chuyển nhượng nhưng khi nghe về thông tin trên rất hoang mang…”.
Trao đổi với PV về các trường hợp trên, anh Trịnh Xuân Sơn, cán bộ Chi cục Thuế Ba Đình (Hà Nội) cho biết: “Theo quy định, cá nhân đăng ký xe theo diện HKD sau 10 ngày sẽ phải lên chi cục thuế nơi đăng ký để khai báo và làm các thủ tục cần thiết.
Trường hợp kể trên nhiều khả năng là cá nhân đã làm dịch vụ qua “cò”, nên không được giải thích và thông báo rõ ràng của cán bộ thuế mới không biết quy định phải nộp thuế”.
Anh Sơn cho biết, trường hợp của anh Xang theo quy định sẽ bị truy thu các loại thuế như: Môn bài (đóng theo năm), thuế GTGT (với hộ cá thể có doanh thu hàng năm trên 100 triệu đồng) và thuế thu nhập cá nhân. Ngoài ra, anh Xang sẽ bị phạt do chậm nộp thuế hơn 2 năm.
Dịch vụ Uber/Grab đang thịnh hành nhờ tính linh hoạt và mức cước phí cạnh tranh - Ảnh: Hoàng Cường
Hàng nghìn lái xe Uber và Grab lâm cảnh dở khóc, dở cười
Là người tự làm các thủ tục đăng ký xe diện HKD, anh Trương Minh Tuấn, lái xe Uber BKS 30E- 546.xx tại Hà Nội cho biết: “Khi tham gia lái xe cho Uber, tôi tìm hiểu thông tin khá kỹ nên tự tay đi làm các thủ tục đăng ký. Hiện nay, ngoài thuế môn bài đóng từ thời điểm kê khai đầu năm khoảng 1 triệu đồng, hàng tháng tôi vẫn đều đặn lên cơ quan thuế để đóng các loại thuế phí còn lại.
Tuy nhiên, từ khi có quy định xe Uber và Grab bắt buộc phải có pháp nhân là đơn vị vận tải, tôi bỗng nhiên “một cổ đôi tròng” khi phải đóng cả thuế tại cơ quan thuế lẫn 500 nghìn đồng/năm cho đơn vị vận tải”.
Anh Nguyễn Xuân Trường (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “Khi quyết định mua xe để lái Grab, tôi cũng tìm hiểu khá kỹ thông tin, nhưng cuối cùng do thấy khá phiền phức trong việc đăng ký HKD nên tôi quyết định đăng ký tên cá nhân và gửi xe vào một HTX vận tải tại Hà Đông.
Nếu lái xe đăng ký với pháp nhân là doanh nghiệp vận tải thì họ sẽ không phải nộp thuế vì đó là phần nghĩa vụ của doanh nghiệp và mọi thủ tục liên quan đến chiếc xe.
Còn theo giám đốc một HTX kinh doanh vận tải xe hợp đồng tại Hà Nội, trong số gần 4 nghìn xe thuộc quản lý của đơn vị, có đến 1/4 số xe đăng ký lấy pháp nhân để bảo đảm các thủ tục chạy Uber, Grab, trong đó đa số đăng ký diện HKD. Khi biết rõ các quy định về thuế, nhiều lái xe rất hoang mang.
Theo vị này, nếu chỉ cần có BKS Hà Nội để chạy Grab, Uber thì lái xe ngoại tỉnh hoàn toàn có thể nhờ người thân tại Hà Nội đứng tên đăng ký. Như vậy, khi hết khấu hao bán xe họ chỉ cần ra công chứng làm thủ tục sang nhượng giữa hai bên.
Một hình thức khác phổ biến hiện nay là các lái xe có thể đăng ký xe mang tên công ty vận tải. Khi đó, lái xe sẽ không phải nộp thuế hay phải hoàn thành các nghĩa vụ khác vì đã có HTX vận tải thực hiện các nghĩa vụ này nhưng lái xe sẽ phải chịu phí khoảng 10 triệu đồng cho công ty cộng thêm mức phí quản lý hàng năm dao động từ 500 nghìn - 1 triệu đồng.
Có thể, do thấy trước mắt đã phải nộp 10 triệu đồng cho công ty và nhiều lái xe tham gia Uber, Grab không muốn lệ thuộc vào các HTX vận tải nên đã nhờ các dịch vụ đăng ký theo diện HKD trong khi chưa hiểu hết những rủi ro của loại hình này.
“Lái xe mua xe kinh doanh thường vay ngân hàng trong thời gian 5 năm (60 tháng). Ví dụ như trường hợp mua xe Hyundai i10 bản base với giá 325 triệu đồng, giá lăn bánh sẽ khoảng 400 triệu đồng.
Nếu đăng ký theo diện HKD thì trong 5 năm, hộ kinh doanh này phải đóng thuế môn bài 5 triệu đồng (1 triệu đồng/năm), thuế thu nhập cá nhân 22,980 triệu đồng (383 nghìn x 60 tháng) thì khi sang tên xe tổng số tiền phải nộp lên tới 27,980 triệu đồng.
Đấy là chưa kể khi bán xe, chủ xe HKD phải nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập (tính tại thời điểm xuất bán) chưa kể nếu quên nộp thuế theo tháng có thể bị phạt…”.