Báo cáo của SSI Research cho thấy, trong 3 tháng gần đây, thị trường mở không phát sinh giao dịch mới.
Lãi suất trên liên ngân hàng ổn định ở mức 1,15%/năm ở kỳ hạn qua đêm và 1,29% ở kỳ hạn 1 tuần.
Lãi suất tiền gửi cũng đi ngang, giữ ở mức 2,9 – 4,0%/năm với kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng; 3,5 - 5,3%/năm với kỳ hạn 6 - dưới 12 tháng; và 4,6 – 6,5%/năm với kỳ hạn 12 - 13 tháng.
Tuy nhiên, mức độ chênh lệch lãi suất giữa các nhóm ngân hàng đang có xu hướng tăng.
Cụ thể, ở kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng, CBBank là ngân hàng có mức lãi suất cao nhất với 6,25%/năm.
Ở mức lãi suất từ 6%/năm trở lên còn có NCB với 6,05%/năm, NamABank 6%/năm. Các ngân hàng còn lại đa số ở mức từ 5%-5,9%/năm.
Riêng các ngân hàng nước ngoài có mức lãi suất thấp, xấp xỉ các ngân hàng thuộc Nhà nước như HongleongBank (4,2%/năm), Indovina (4,7%/năm), MBB 4,54%/năm.
Vietcombank ở mức thấp với lãi suất 3,8%/năm cho cả kỳ hạn 3 và 6 tháng.
Ở kỳ hạn 12 tháng, SCB là nhà băng có mức lãi suất ưu đãi nhất với 6,8%/năm, tiếp sau đó là PublicBank với 6,7%/năm.
Mức lãi suất tiền gửi trên 6% cũng được ghi nhận ở một số ngân hàng như BacABank, BaoVietBank, CBBank, GPBank, KienLongBank, NamABank, NCB, OCB, OceanBank, PVcomBank, SeABank, SHB, VietCapitalBank.
Theo báo cáo của bộ KH&ĐT, tính đến ngày 22/4/2021, tín dụng và huy động tăng lần lượt là 3,61% và 2,32% so với cuối năm 2020.
Theo các chuyên gia của SSI Research, mặt bằng lãi suất sẽ giữ ổn định ở mức thấp trong ngắn hạn do dịch bệnh làm giảm cầu tín dụng, nhưng có thể nhích tăng từ đầu quý III/2021.
Bạch Hiền (t/h)