Lãi suất ngân hàng cao nhất hiện nay lên đến 7-9,5%/năm. Tuy nhiên, để được nhận mức lãi suất này, cần đáp ứng những điều kiện đặc biệt.
PvcomBank hiện đang dẫn đầu thị trường về mức lãi suất đặc biệt khi khách hàng gửi tiền tại quầy, với 9,5% cho kỳ hạn 12-13 tháng. Điều kiện để được trả lãi suất lên đến 9,5%/năm là khách hàng phải có số dư tiền gửi tối thiểu 2.000 tỉ đồng.
Tiếp theo là HDBank với lãi suất đặc biệt khá cao, lên đến 8,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7,7% cho kỳ hạn 12 tháng, điều kiện duy trì số dư tối thiểu 500 tỉ đồng. Ngân hàng này cũng áp dụng mức lãi suất 6% đối với kỳ hạn 18 tháng.
MSB áp dụng lãi suất tiền gửi tại quầy lên tới 8%/năm cho kì hạn 13 tháng và 7% cho kỳ hạn 12 tháng. Điều kiện áp dụng là sổ tiết kiệm mở mới hoặc sổ tiết kiệm mở từ ngày 1.1.2018 tự động gia hạn có kỳ hạn gửi 12 tháng, 13 tháng và số tiền gửi từ 500 tỉ đồng.
Dong A Bank có mức lãi suất tiền gửi 7,5%, áp dụng đối với khoản tiền gửi 200 tỉ đồng trở lên, kỳ hạn 13 tháng trở lên, tính lãi cuối kỳ. Nhà băng này cũng áp dụng lãi suất 6,1% đối với kỳ hạn 24 tháng.
Gửi tiền ở nhà băng nào lãi cao nhất?
Theo ghi nhận, tại kỳ hạn 1 tháng, mức lãi suất tiền gửi cao nhất hiện thuộc về OceanBank với lãi suất 4,1%/năm.
Tại kỳ hạn 3 tháng, mức lãi suất cao nhất là 4,4%/năm hiện được niêm yết bởi OceanBank.
Tại kỳ hạn 6, CBBank dẫn đầu với lãi suất 5,55%/năm.
Tại kỳ hạn 9 tháng, mức lãi suất cao nhất là 5,65%/năm tại NCB.
Tại kỳ hạn 12 tháng, ngân hàng dẫn đầu với lãi suất cao nhất là Bac A Bank với lãi suất 5,9%/năm.
Tại kỳ hạn 18-36 tháng, NCB dẫn đầu với lãi suất cao nhất là 6,15%/năm.
Kinh nghiệm gửi tiết kiệm ngân hàng thu lợi nhuận tốt
Gửi tiết kiệm kỳ hạn từ 6 - 12 tháng
Tại các ngân hàng, tiền gửi được chia ra nhiều kỳ hạn tùy vào nhu cầu vốn trong tương lai của mỗi người.
Tuy nhiên, trong trường hợp số tiền nhàn rỗi không được sử dụng trong thời gian dài, thì kỳ hạn từ 6-12 tháng là lựa chọn tối ưu nhất. Thông thường, các kỳ hạn trên 6 tháng sẽ có lãi suất ưu đãi hơn, thời gian quay vòng vốn cũng không quá dài.
Chia nhỏ các khoản tiền để gửi tiết kiệm ngân hàng
Các chuyên gia tài chính khuyên rằng, nếu có tiền nhàn rỗi, người dân không nên để hết "trứng vào một giỏ". Việc chia sẻ số tiền thành nhiều khoản tiền gửi tại ngân hàng, có thể hạn chế tối đa tình trạng không được hưởng lãi suất tiền gửi khi bạn phải rút tiền gấp và rút tiền trước kỳ hạn.
Khi chia nhỏ thành các khoản tiết kiệm, thay vì rút ra một số tiền lớn, quý khách có thể tất toán trước một vài cuốn sổ tiết kiệm mà không gây ảnh hưởng đến những cuốn sổ khác. Lưu ý, khi phân chia sổ tiết kiệm, quý khách nên dựa trên mục tiêu tiết kiệm và nhu cầu thực tế để tối đa hóa lợi nhuận nhận được.
Lưu ý về ngày đáo hạn sổ tiết kiệm
Ngày đáo hạn là ngày cuối cùng của kỳ hạn tiết kiệm kể từ thời điểm bạn mở sổ. Đến ngày này, ngân hàng sẽ cho phép quý khách rút tiền gốc và lãi từ sổ tiết kiệm về với lãi suất đã quy định.
Tại một số ngân hàng, khi qua ngày đáo hạn, số tiền trong tài khoản tiết kiệm sẽ được chuyển về trạng thái gửi tiết kiệm không kỳ hạn với lãi suất thấp hơn khi gửi tiết kiệm có kỳ hạn. Vì vậy, trước khi mở sổ, bạn cần hỏi kỹ nhân viên ngân hàng tư vấn về vấn đề này.
Gửi tiết kiệm online
So với hình thức gửi tiết kiệm tại quầy, sổ tiết kiệm online đang dần chiếm lĩnh và trở thành xu hướng hàng đầu hiện nay vì lãi suất tiền gửi online thường cao hơn so với hình thức gửi tiết kiệm tại quầy trong cùng kỳ hạn.
Người dân cũng có thể chủ động gửi tiền và đáo hạn sổ đơn giản, nhanh chóng, mọi lúc mọi nơi với thiết bị di động kết nối internet.