(ĐSPL) -Trước hiện tượng một số ngân hàng nhỏ đồng loạt tăng lãi suất huy động, giới doanh nghiệp và kinh doanh lại lo về vốn vay. Các chuyên gia cho rằng, lãi suất cho vay khó biến động mạnh. Đặc biệt, khi nguồn vốn dồi dào và nhà băng còn chật vật đi tìm khách tốt.
Huy động ồ ạt, lo kéo lãi vay
Để tăng nguồn tiền phục vụ cho nhu cầu tín dụng tiêu dùng và tín dụng bất động sản tăng lên vào những tháng cuối năm, hàng loạt ngân hàng đua nhau triển khai những chương trình thu hút khách hàng gửi tiền thông qua việc tăng lãi suất huy động.
Cách đây vài ngày, Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) đã điều chỉnh tăng khá mạnh lãi suất huy động các kỳ hạn trên 3 tháng với mức tăng cao nhất lên tới 0,5\%.
Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng, 4 tháng, 5 tháng được điều chỉnh tăng 0,2\% lên 5,20\%/năm; kỳ hạn 9 tháng, 10 tháng, 11 tháng cũng tăng thêm 0,2\% lên 6,20\%/năm. Mức tăng 0,5\% thuộc về các kỳ hạn 6 tháng, 7 tháng, 8 tháng lên 6,0\%/năm.
Trong khi lãi suất huy động kỳ hạn từ 12 tháng trở lên tăng thêm 0,4\%; trong đó lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng hiện là 7,0\%/năm, 13 tháng là 7,1\%/năm và các kỳ hạn trên 18 tháng là 7,20\%/năm. Tuy nhiên lãi suất huy động không kỳ hạn và các kỳ hạn dưới 3 tháng vẫn được giữ nguyên.
Đây là lần thứ hai, DongABank điều chỉnh tăng lãi suất huy động sau khi bị Ngân hàng Nhà nước kiểm soát đặc biệt ngày 14/8/2015. Trước đó, vào cuối tháng 9, Đông Á cũng điều chỉnh với mức tăng 0,4\%/năm, mạnh hơn so với các bước nhích chỉ từ 0,1-0,2\%/năm rải rác ở một số ngân hàng thương mại thời gian gần đây.
Thông tin trên Tiền Phong, cũng trong tháng 10, Ngân hàng Phương Đông đã tăng lãi suất kỳ hạn 12, 18 tháng và 21 tháng từ 6,6\% lên 6,8 \%/năm, kỳ hạn 24 tháng từ 6,7\% lên 6,9\%/năm. Sacombank tăng lãi suất kỳ hạn từ 9 tháng trở lên với mức tăng 0,1 - 0,2\%/năm. Ngày 28/10, Viet Capital Bank điều chỉnh lần thứ hai trong tháng các kỳ hạn với mức cộng thêm 0,2\%/năm.
Ngân hàng tăng lãi suất huy động do cần nguồn vốn cuối năm, khiến doanh nghiệp lo ngại phải vay vốn với lãi suất cao hơn, đẩy giá thành sản phẩm tăng. Trước hiện tượng này, chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực, Trường đào tạo cán bộ BIDV phân tích: “Việc tăng lãi suất chỉ diễn ra ở một số ngân hàng cổ phần, đặc biệt các ngân hàng nhỏ do muốn tranh thủ đón nguồn vốn và đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng. Còn các ngân hàng lớn, không có hiện tượng tăng lãi suất bởi thanh khoản dồi dào. Lo ngại khả năng thị trường tăng mạnh lãi suất vay là khó xảy ra”.
Như để minh chứng, tại thời điểm này, biểu lãi suất đầu vào của các “ông lớn” quốc doanh như Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV vẫn đứng yên. Tại bảng lãi suất của Vietcombank, từ kỳ hạn 12 tháng cho tới 60 tháng, công bố cùng mức 6\%/năm, còn kỳ hạn ngắn không thay đổi.
Ông Hồ Văn Tuấn, Giám đốc Vietcombank chi nhánh Thăng Long (Hà Nội) khẳng định: Từ nay đến cuối năm, về cơ bản lãi suất sẽ ổn định. Tại chi nhánh hiện đã huy động được hơn 10.000 tỷ đồng, nhưng dư nợ cả chi nhánh khoảng 5.300 tỷ đồng còn lại điều về trung ương. “Về cho vay đầu ra, ngân hàng xếp hạng khách hàng, tùy theo hồ sơ vay và đối tượng có thể khác nhau, nhưng trung bình hiện lãi suất trung dài hạn khoảng trên 10\%/năm; ngắn hạn khoảng 8,5\%/năm”, ông Tuấn cho biết.
Ảnh minh họa. |
Lãi suất cho vay có tăng?
Theo tin tức trên Trí thức trẻ, trước động thái tăng LS huy động của các NH, nhiều DN lo lắng sẽ phải vay vốn với LS cao hơn, gây ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm.
Ông Dương Chí Thành, phó tổng giám đốc Công ty CP giấy Vĩnh Tiến, cho biết vừa vay 10 tỉ đồng làm nguồn vốn lưu động với LS 10 \%/năm và được điều chỉnh sau ba tháng, chưa kể một khoản vay trung dài hạn để sắm thiết bị tự động dán keo gáy tập với LS 12 \%/năm.
“LS đã thấp hơn trước nhưng đang lo là sau mấy tháng đầu ưu đãi, LS cho vay sẽ tăng lên do LS huy động đang có dấu hiệu tăng” - ông Thành nói.
Trao đổi với chúng tôi, nhiều NH thừa nhận LS cho vay cũng có nhích lên do LS đầu vào tăng và nhiều NH đã sử dụng gần hết “room” tín dụng nên đã đóng lại các chương trình ưu đãi cho vay. “Đó là tăng LS cho vay về mặt kỹ thuật” - tổng giám đốc một NH nói.
Với cá nhân, các gói ưu đãi cho vay nhằm mục đích mua, xây, sửa hoặc trang bị nội thất vẫn còn duy trì nhưng LS cho vay nhích lên khoảng 1\%/năm.
Hiện mặt bằng LS cho vay với DN tại các NH dao động 6 - 9 \%/năm, mức LS 6\%/năm áp dụng cho khách hàng VIP, với khách hàng thông thường dao động 8 - 8,5 \%/năm.
Tuy nhiên, chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực nói khả năng các NH ồ ạt tăng LS cho vay như lo lắng của DN sẽ không xảy ra.
“Nếu quan sát kỹ sẽ thấy việc tăng LS chỉ diễn ra ở một số NH cổ phần, đặc biệt các NH nhỏ do các NH này muốn đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng. Còn các NH lớn, đặc biệt nhóm NH quốc doanh, gần như không tăng LS” - ông Lực nói.
Hơn nữa, theo ông Lực, “mức lạm phát hiện nay rất thấp, do vậy chẳng có lý do gì để đẩy LS lên quá cao” - ông Lực nói.
Ông Võ Tấn Hoàng Văn, tổng giám đốc NH TMCP Sài Gòn (SCB), nói về cơ bản thị trường vẫn ổn nhưng nhiều NH muốn huy động vốn để đẩy mạnh cho vay nhằm tăng “room” tín dụng cho sang năm.
Mặt khác, sắp tới có thể NH Nhà nước sẽ nới chỉ tiêu tín dụng thêm cho một số NH nên hiện các NH muốn huy động vốn để chuẩn bị.
Ngọc Anh (Tổng hợp)