(ĐSPL)– Nếu chủ sở hữu trang website http://phapluatnews.com cố tình giả mạo trang tin của báo Đời sống và Pháp luật thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 226 Bộ luật Hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet.
Vừa qua, báo Đời sống và Pháp luật liên tục nhận được phản ánh của các độc giả về một website có địa chỉ http://phapluatnews.com với tiêu đề Đời sống và Pháp luật. Tuy nhiên, trang webisite này lại không nêu rõ cơ quan nào quản lý nội dung cũng như chưa được cấp phép về trang tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền mà lại có trích dẫn: “Việc tổng hợp tin tức trên website đều được thực hiện tự động bởi một chương trình máy tính”.
Báo Đời sống và Pháp luật là cơ quan của Hội Luật gia Việt Nam có trang tin địa chỉ: http://doisongphapluat.com. Tuy nhiên, trang website http://phapluatnews.com có hiện tượng giả mạo gây nhầm lẫn hoặc cố tình làm ảnh hưởng đến uy tín của báo Đời sống và Pháp luật.
Website 'trá hình" với tiêu đề Đời sống và Pháp luật. |
Về vấn đề này, luật sư Cao Xuân Vượng – Công ty Luật TNHH VMF cho rằng: website này đã giả mạo website của báo Đời sống và Pháp luật gây nhầm lẫn cho người đọc và có dụng ý xấu.
Việc làm này đã vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 12 Luật Công nghệ thông tin, đó là: “giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác” cũng như vi phạm điểm e khoản 1 Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng theo đó Nghị định nghiêm cấm hành vi: “Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Như vậy, hành vi của chủ sở hữu website này đã xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của báo Đời sống và Pháp luật, do đó hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, số tiền phạt là từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng với hành vi:“Giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác” .
Đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là “Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn” theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Sau khi có quyết định xử phạt hành chính của cơ quan có thẩm quyền mà chủ sở hữu website này không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ thì báo Đời sống và Pháp luật sẽ gửi đơn tố cáo hành vi này với cơ quan điều tra để truy cứu trách nhiệm hình sự chủ sở hữu website này theo Điều 226 Bộ luật Hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet với hình phạt cáo nhất là phạt tù đến 7 (bảy) năm.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: "Hiện nay việc giả mạo các website đang ngày càng tinh vi, đa dạng. Vì vậy, việc ngăn chặn tình trạng các website giả mạo báo chí luôn là ưu tiên hàng đầu của Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông. Thanh tra Bộ sẽ đề nghị cơ quan điều tra phối hợp vào cuộc nếu các website gây ra hậu quả nghiêm trọng”.