Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45), Công an TP. Hồ Chí Minh đã ra thông báo truy tìm Trần Ngọc Hiếu (tự Bi, SN 1986, trú TP. Hà Nội, tạm trú quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh) để làm rõ dấu hiệu Hiếu đã lừa đảo hàng loạt người để chiếm đoạt số tiền lên đến 2 tỷ đồng.
Theo kết quả điều tra ban đầu của PC45, trong khoảng thời gian từ tháng 9/2011 đến tháng 3/2012, Hiếu đã giả danh là nhân viên của Ngân hàng V. (có trụ sở trên đường Hàm Nghi, quận 1) để mời chào hàng loạt người mua xe gắn máy trả góp.
Theo Hiếu quảng cáo, khi mua xe do Hiếu giới thiệu làm hồ sơ thì sẽ rẻ hơn giá thị trường từ 5 - 7 triệu đồng/chiếc… Với khách hàng có nhu cầu mua xe, Hiếu thường hẹn gặp ở quán cà phê tại Thủ Đức hoặc Bình Dương, kề cận với một cửa hàng bán xe gắn máy.
|
Lừa mua xe máy trả góp, "ẵm" hơn 2 tỷ đồng(ảnh minh họa). |
Tiếp theo, Hiếu gọi cho Võ Văn Chương (SN 1983, ngụ quận Phú Nhuận, nguyên là nhân viên tư vấn bán xe gắn máy của Ngân hàng V., nghỉ việc từ tháng 9/2011) để Chương tư vấn, làm hồ sơ mua xe trả góp và dẫn khách đến cửa hàng lấy xe.
Tại cửa hàng bán xe, khách sẽ làm thủ tục trả một phần tiền trước cho cửa hàng theo quy định trả góp. Sau đó, tại quán cà phê, Hiếu “tư vấn” nếu trả nốt phần tiền còn lại của chiếc xe sẽ giảm được số tiền như nêu trên. Nhiều khách tin tưởng nên đồng ý giao tiền cho Hiếu.
Thực tế các hồ sơ mua xe trả góp của khách hàng với Ngân hàng V. là thật và do Hiếu giữ. Nhưng Hiếu giao cho khách hàng 1 hợp đồng giả mạo của Ngân hàng V. với nội dung khách hàng đã trả hết số tiền mua xe. Đến giai đoạn tháng 3/2012, hàng loạt khách hàng nhận thông báo đòi nợ của Ngân hàng V. thì mới biết bị Hiếu lừa. Cơ quan công an xác định, Hiếu đã lừa 25 nạn nhân với chiêu thức trên để chiếm đoạt 480 triệu đồng.
Ngoài ra, cơ quan công an còn làm rõ, Hiếu cũng giả mạo là nhân viên Ngân hàng V. kêu gọi khoảng 7 người góp vốn vào “Tập đoàn V” do Ngân hàng V. thành lập để kinh doanh BĐS, nhà hàng, khách sạn… nhằm hưởng tiền vay lãi suất 10\%/tháng. Việc giao nhận tiền của chiêu gọi góp vốn vào “tập đoàn” ảo này đều giao dịch tại quán cà phê.
Sau khi nhận tiền, khách hàng được giữ một bản hợp đồng lãi suất cổ đông mang danh nghĩa “Tập đoàn V” thể hiện các khoản đóng góp và chữ ký của bên đại diện “Tập đoàn V” nhưng không có chữ ký và cũng không có xác nhận của Ngân hàng V. Qua đó, Hiếu đã chiếm đoạt của 7 người số tiền hơn 1,6 tỷ đồng. Đến tháng 3/2012, khi Hiếu biến mất thì các nạn nhân mới biết đã bị lừa.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lai-cu-lua-hon-2-ty-dong-a46804.html