Tại các chợ lớn nhỏ, mặt hàng đồ cúng phục vụ ngày đưa ông Táo về trời đang được bày bán khá nhiều và vô cùng nhộn nhịp, tiểu thương được dịp "hốt bạc" những ngày cận Tết.
Như thường lệ, mỗi dịp cận Tết ông Công ông Táo, chợ cá đầu mối Yên Sở (Hà Nội) lại nhộn nhịp với hàng trăm chuyến xe chở cá ra vào bất kể ngày đêm. Riêng trong chợ lúc nào cũng có 30 – 40 chiếc xe tải chở hàng tấn cá chép các loại để phục vụ nhu cầu thị trường.
Theo tìm hiểu, các hộ nuôi cá ở các tỉnh Hải Dương, Nam Định, Hưng Yên, Hà Tây, Bắc Giang,... bắt đầu bán buôn cá chép ông Công ông Táo từ hôm 5/2 (tức 20 tháng Chạp) và đến ngày 6/2, các thương lái mới mua buôn rồi tập trung về chợ Yên Sở bán.
Chị Nga, một mối buôn cá chép ông Công ông Táo tại chợ đầu mối Yên Sở cho biết: “Năm nay tôi nhập về 2 tấn cá chép để bán lẻ, gồm 4 loại là Tam Dương, chép vàng, chép đỏ và chép Nhật”.
Về giá cả, chị Nga cho biết các loại cá chép chị bán dao động từ 140.000 – 200.000 đồng/kg.
Đặc biệt, một số tiểu thương tại chợ đầu mối này cho biết, cá chép đỏ là loại được ưa chuộng nhất. Vào buổi sáng sớm, loại này được bán với giá 230.000 – 250.000 đồng/kg, đến tầm trưa chiều, hết hàng đẹp thì mới giảm xuống giá 180.000 đồng/kg.
Loại cá chép vàng bằng 2 ngón tay có giá 40.000 đồng/3 con. Trong buổi sáng đưa ông Táo về trời, cá chép là mặt hàng bán đắt như “tôm tươi”.
Tiểu thương “bỏ túi” vài chục triệu đồng/ngày nhờ bán đồ tiễn ông Táo. Ảnh: Dân trí |
Tại các chợ lớn nhỏ khắp thành phố Đà Nẵng, các mặt hàng đồ cúng phục vụ ngày đưa ông Táo về trời đang được bày bán khá nhiều và vô cùng nhộn nhịp.
Khảo sát tại các chợ trên địa bàn thành phố sáng ngày 22 tháng Chạp, các mặt hàng đồ cúng ông Công, ông Táo được bày bán rộng rãi như: cá chép vàng, vàng mã, xôi chè, cau trầu, hoa tươi, trái cây,... rất nhộn nhịp và thu hút nhiều người mua.
Sáng 8/2 (23 tháng Chạp), nhiều khu chợ ở TPHCM tấp nập người dân mua bán để chuẩn bị cho lễ đưa ông Táo về trời.
Tại khu chợ trên đường Dương Thị Mười (quận 12, TP.HCM), đồ cúng phục vụ lễ đưa ông Táo được bày bán ở khắp mọi nơi từ đầu chợ đến cuối chợ. Các loại tiền vàng, áo mũ, nhang, đèn, trái cây, hoa tươi… được người dân chọn mua nhiều nhất. Các khu chợ khác như chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), chợ Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình), chợ Tân Hương (quận Tân Phú)… cũng có không khí tương tự.
Theo quan sát, tại các chợ, một bộ hàng mã gồm tiền vàng, áo giấy và kẹo lạc có giá 30.000 đồng. Những bộ hàng mã cầu kì, công phu và bắt mắt có giá cao hơn từ 100.000 - 300.000 đồng. Các loại trái cây cũng tăng giá nhẹ trong ngày 23 tháng Chạp.
Cụ thể như: cam vàng có giá 70.000 đồng tăng lên 75.000 đồng/kg, lê giá 45.000 đồng tăng lên 50.000 đồng/kg hay quýt đường giá 35.000 đồng/kg tăng lên 40.000 đồng/kg.
Các loại hoa tươi như cúc và vạn thọ được nhiều người dân ưa chuộng để dâng lên bàn thờ trong dịp đưa ông Táo. Giá hoa cúc dao động từ 15.000 - 20.000 đồng/bó, hoa vạn thọ có giá từ 12.000 - 15.000 đồng/cây.
Theo nhiều tiểu thương tại chợ Gò Vấp, chợ Bà Chiểu, chợ Hoàng Hoa Thám thì doanh thu từ việc bán đồ cúng và cá chép tăng “đột biến”. Một tiểu thương có thể đạt doanh thu từ 5 - 7 triệu đồng/ngày đối với các sạp nhỏ. Còn đối với các sạp lớn, cửa hàng lớn thì doanh thu có thể đạt từ 20 - 50 triệu đồng/ngày do lượng khách mua sỉ nhiều hơn.
Vũ Đậu (T/h)