(ĐSPL) - Cho rằng những nhận định về Y tế trong thời gian vừa qua là không thật công bằng, dẫn tới việc Bộ trưởng Bộ Y tế có phiếu tín nhiệm thấp, một cựu chiến binh đã gửi tâm thư đến Quốc hội và một số cơ quan ban ngành.
Lá thư là của Cựu chiến binh Nguyễn Huy Thiệp, số 82 Tổ Phùng Khoang, Phường Trung Văn, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Trích thư ông Nguyễn Huy Thiệp gửi Bộ trưởng Bộ Y tế. (Ảnh: Bộ Y tế). |
Trong lá thư, ông Thiệp đã liệt kê những sự cố mà Bộ Y tế gặp phải trong năm 2014: dịch sở lan tràn khiến nhiều trẻ em tử vong, vụ thẩm mỹ viện Cát Tường làm chết bệnh nhân rồi phi tang, tiêm vắc xin gây chết người....
Theo ông Thiệp, đó chỉ là những điều không may mà Bộ Y tế phải gánh chịu và Bộ trưởng Bộ Y tế là người phải chịu trách nhiệm trước "búa rìu" dư luận.
Ông Thiệp cho rằng, vấn đề "Thiếu y đức, thầy thuốc ăn tiền, thái độ thiếu thiện chí với bênh nhân" không thể quy hẳn cho ngành Y tế mà do hệ thống giáo dục. Vấn đề này các công đoàn cơ sở phải có trách nhiệm quản lý và giáo dục thường xuyên vì họ là người phụ trách quản lý trực tiếp đối với những người này. "Nếu chỉ quy trách nhiệm cho Bộ Y tế là chưa thật đúng", ông Thiệp nói.
Để có cái nhìn khách quan đối với ngành Y tế, theo ông Thiệp cần phải nhìn nhận cả những mặt làm được chứ không thể chỉ nhìn những mặt yếu kém để bỏ phiếu tín nhiệm thấp.
Ông đặt vấn đề, tại sao hàng loạt những vấn đề tốt đẹp của ngành Y tế không được nêu ra: Trình độ phát triển của khoa học phẫu thuật tim, cấy ghép phủ tạng tầm thế giới, hoạt động khám bệnh từ thiện giữa Bộ Y tế và Hội chữ thập đỏ lan rộng khắp các vùng miền Tổ quốc, Bộ trưởng Bộ Y tế dù là Nữ nhưng không có nơi nào không có mặt...
"Khi có khuyết nhược điểm thường thổi lên bằng con voi; còn ngược lại ưu điểm thì lại thu nhỏ như con chuột”, ông Thiệp nhận định.
Cũng trong ý kiến của mình gửi đến lãnh đạo Quốc hội, VP Chính phủ, ông đã nêu lên một số so sánh của Bộ Y tế với các Bộ, ngành khác. Ông cho rằng: "Tôi thấy mọi vấn đề nhận xét về ngành y tế trong thời gian qua là không công bằng. Ở địa vị của tất cả các Bộ khác, nếu phải tiếp xúc 90 triệu dân mỗi ngày mới thấy nỗi vất vả long đong của người làm dâu trăm họ như ngành y tế.
Nếu cứ nhìn nhận, đánh giá như thế thì các Bộ trưởng ở những nhiệm kỳ tiếp theo cũng nhận được lá phiếu tín nhiệm thấp của Quốc hội so với các Bộ, ngành khác".
Ngoài ra, trong thư gửi đến lãnh đạo Quốc hội, ông Thiệp cũng đề nghị, Đảng, Nhà nước cần giao đồng trách nhiệm giáo dục khối cán bộ y tế cho Đảng bộ, chính quyền các cấp Trung ương và địa phương. Như thế mới mong giải quyết được những khúc mắc của dân đối với ngành y tế.
"Không thể khoán trắng mọi sự việc cho ngành dọc hoàn toàn như hiện nay", ông Thiệp chia sẻ.