Nguyên lý hoạt động của A-135 là vệ tinh quân sự phát hiện tên lửa đối phương, sau đó thông báo để các trạm radar có tầm quan sát 10.000 km bám bắt mục tiêu.
[presscloud]4092[/presscloud]
Bộ Quốc phòng Nga tuần trước cho biết một đơn vị thuộc Lực lượng Phòng không Vũ trụ Nga đã phóng thành công tên lửa đánh chặn mới tại bãi thử Sary Shagan ở Kazakhstan. Quả đạn có tốc độ 4.000 m/s, đủ sức tiêu diệt tên lửa địch từ khoảng cách xa. Giới chuyên gia nhận định hệ thống phòng thủ bí mật này sẽ là át chủ bài giúp Nga đối phó đòn tấn công phủ đầu bằng tên lửa đạn đạo của Mỹ, theo Pravda.
Tên lửa đánh chặn sử dụng nhiên liệu rắn 53T6 được thiết kế để tấn công chính xác các mục tiêu đạn đạo. Tuy theo nhiệm vụ, đạn tên lửa đánh chặn này có thể mang theo đầu đạn nổ chùm phá mảnh định hướng hay hạt nhân chiến thuật.
Trong cơ cấu của tổ hợp A-135, đạn tên lửa 53T6 thực hiện nhiệm vụ đánh chặn ở tầng bình lưu và tầng ngoại vi khí quyển Trái đất. Dòng đạn đánh chặn này được trang bị chính thức từ đầu những năm 2000 và Bộ Quốc phòng Nga đang có kế hoạch thay thế chúng trong tương lai gần bằng thế hệ đạn đánh chặn nhỏ gọn hơn.
Cùng với A-135, Nga hiện phát triển và thử nghiệm tổ hợp phòng thủ tên lửa mới với tên mã A-235 Nudol. Điểm khác biệt chính của tổ hợp này so với A-135 là toàn bộ các thành phần của tổ hợp được đặt trên xe đặc chủng để mở rộng phạm vi tác chiến và tăng tính cơ động.
Với đạn tên lửa mới, A-235 sẽ đảm nhiệm khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo tầm xa (tầng ngoại vi của khí quyển) còn A-135 với các giếng phóng cố định sẽ tiếp tục đảm nhiệm bảo vệ Moscow ở tầm gần và tầm trung.
Tổ hợp A-135 được phát triển từ thời Liên Xô, bắt đầu biên chế vào năm 1990 và đạt trạng thái sẵn sàng chiến đấu ở khu vực Moscow sau đó 5 năm.
Nguyên lý hoạt động của A-135 là vệ tinh quân sự phát hiện tên lửa đối phương, sau đó thông báo để các trạm radar có tầm quan sát 10.000 km bám bắt mục tiêu. Tại thời điểm này, lãnh đạo Nga đưa ra quyết định có tấn công trả đũa hay không, trong khi chế độ chiến đấu được kích hoạt trên A-135.
Tính năng chính của A-135 là hoàn toàn tự động, từ việc xác định và khóa mục tiêu cho tới phóng và dẫn bắn tên lửa đánh chặn. Hệ thống này cũng có khả năng phân biệt giữa đầu đạn và mồi bẫy của tên lửa đối phương.
Mỗi địa điểm phóng triển khai quanh Moscow có 12-16 tên lửa đánh chặn 53T6. Đến năm 2016, Nga vẫn còn 68 tên lửa đánh chặn 53T6 đang trong biên chế.
NGUYỄN QUỲNH(T/h)