+Aa-
    Zalo

    Ký ức về những bãi nhum khổng lồ ven biển

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Những người sống lâu năm ở đảo “ngọc” cho biết, hồi trước, nhum nhiều lắm, muốn đi phải dùng sào gạt qua một bên. Tuy nhiên, hiện nay không còn nhiều...

    Đến Phú Quốc, điều thích thú nhất đối với du khách chính là được thưởng thức hải sản và lặn biển, ngắm san hô. Một điều bất ngờ khác đó là dưới lòng đại dương, ở một số bãi biển còn có nhum đẹp long lanh, vây thành từng cụm. Những người sống lâu năm ở đảo “ngọc” cho biết, hồi trước, nhum nhiều lắm, muốn đi phải dùng sào gạt qua một bên. Tuy nhiên, hiện nay không còn nhiều, do nhu cầu tăng, vì những công dụng được đồn thổi.

    Biết ăn con “trời ơi” nhờ... khỉ

    PV từng ra Nha Trang và được thưởng thức món nhum (hay còn gọi là nhím biển, cầu gai, chôm chôm...). Tuy nhiên, giá ở Nha Trang không rẻ chút nào. Thời điểm đó, giá tới 80 – 100.000 đồng/con. Tuy nhiên, về Phú Quốc, khi thấy con này, nhiều người vẫn còn chê, ví nó là con... “trời ơi”.

    Nhiều người khi đến Phú Quốc đã săn tìm nhum ăn cho bằng được vì lời đồn về công dụng của nó.

    “Tưởng con gì, chứ nhum ở đây nhiều lắm. Hồi trước người ta không ăn đâu, vì trông thấy gớm. Vừa xù xì, xấu xí lại nhiều gai, sợ có độc nên chả ai để ý. Thậm chí, hồi trước, người ta còn không biết con này ăn được nữa. Còn bây giờ người ăn cũng có nhưng chủ yếu bán cho khách du lịch”, ông Tiến, một ngư dân ở làng chài Hàm Ninh, Phú Quốc nói.

    Việc “phát minh” ăn được nhum ở Phú Quốc cũng có chuyện kể hết sức ly kỳ như giai thoại vậy. Thực ra, người Phú Quốc biết ăn nhum là nhờ... con khỉ. Người dân ở đây kể lại rằng, trước kia, khỉ hay men theo bìa rừng, lân la tìm xuống mé biển và bắt con nhum, rồi dùng đá đập bể và moi phần ruột bên trong để ăn. Thấy vậy, người dân mới tìm hiểu, hóa ra khỉ ăn nhum và từ đó... ăn theo. Rồi việc chữa đau buốt vì giẫm phải gai nhum cũng bắt chước từ khỉ mà ra. Khi con khỉ giẫm phải gai nhum, chúng liền nhảy lên bờ và tè vào chân mình, thế là hết đau, buốt. Vì thế, khi khỉ bắt được nhum, việc đầu tiên là tè lên con nhum rồi mới... xơi.

    “Người dân thấy vậy cũng làm theo khỉ và họ cũng hết đau, buốt. Thực ra, gai con nhum này rất dễ gãy nhưng do nó dài và nhọn, sợi gai lại nhỏ nên dễ đâm vào thịt lắm. Không biết nó có nọc độc hay không nhưng khi đâm vào rất đau và buốt”, anh Hà, một ngư dân ở làng chài Hàm Ninh nói.

    PV cũng đã tìm đến bãi Thơm (xã Bãi Thơm, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang), nơi được cho là có nhiều nhum. Như kỳ trước PV có đề cập, tại đây chủ yếu là người dân địa phương sinh sống và đánh bắt hải sản, nhưng với họ, việc bắt nhum cũng chỉ mới diễn ra cách đây dăm ba năm.

    “Hồi trước, có ai chú ý tới con này đâu, nó nằm cả bãi. Khi nước nông, ghe thuyền phải đậu xa bờ, người dân dùng bè (làm bằng các mảnh xốp ghép lại) hoặc lội bộ ra. Tuy nhiên, nếu lội bộ thì phải dùng cây sào gạt nhum sang một bên mới đi được. Bởi con nhum này có nhiều gai lắm, nếu giẫm lên bị gai đâm vào rất đau và nhức”, ông Hải, một ngư dân ỡ bãi Thơm cho biết.

    Săn nhum vì lời đồn

    Phong, người mà PV đề cập kỳ trước ở bãi Thơm cũng kể: “Hồi trước, mỗi lần từ nhà đi biển là phải lội bộ một đoạn khá xa mới đến được tàu, thuyền. Nhum lại đậu ở đây rất nhiều nên phải dùng cây gạt sang một bên để lấy lối đi. Nhưng giờ em làm du lịch phải mua lại từ người khác chứ đi bắt cũng khó hơn rồi”.

    Người săn bắt nhum, bán với giá 3.000 đồng/con ở Phú Quốc.

    Thực tế, dù nhờ Phong kiếm cho chục con nhưng Phong phải chạy đi mua lại từ người khác. “Hôm nay em mệt, không đi biển được nên phải mua lại từ ngư dân khác họ bắt được. Giá mua tại đây là 3.000 đồng/con nhưng khi bán cho khách du lịch thì 10.000 đồng/con. Giá em bán đây là cực rẻ rồi, chứ ở thị trấn Dương Đông, người ta bán tới 30.000 đồng/con lận đó”, Phong cho biết.

    Phong bán với số lượng chục của người miền Tây (1 chục 12 con, chứ không phải 10 con) với giá 100.000 đồng, bao gồm cả công chế biến. Khi về đến thị trấn Dương Đông, PV vào một nhà hàng và thử gọi nhum thì nhân viên ở đây cũng báo giá 30.000 đồng/con. Làn sóng ăn nhum tăng mạnh khi khách du lịch đổ về, đặc biệt là khách Nhật Bản, họ rất thích ăn con này, nhất là món nhum sống chấm với mù tạt. Nhu cầu tăng cao, người dân cũng đổ xô săn bắt nhum bán cho các nhà hàng, quán nhậu.

    Vào thời điểm hiện nay, do những lời đồn về công dụng như “thần dược”, nghĩa là khi ăn nhum vào sẽ tăng cường sinh lực phái mạnh, đặc biệt là nhum ở Phú Quốc nên người dân, du khách đổ xô săn tìm nhum để ăn khi đến đây. Ngoài món nướng mỡ hành, nhum sống chấm mù tạt... món cháo nhum được nhiều người lựa chọn nhất. Nếu như ở Nha Trang, mỗi chén cháo nhỏ có giá vài ba trăm ngàn đồng thì ở Phú Quốc rẻ hơn.

    Thực tế, khi đến bãi Thơm, PV cũng lặn biển và đến nơi được cho là có nhiều nhum, đặc biệt trước đây phải dùng sào gạt để tạo lối đi... nhưng cũng chỉ phát hiện lác đác vài ba “ổ”. Nơi nhiều nhất chừng vài chục con bám vào rạn san hô, cỏ biển. Khi ở dưới nước loài này cực đẹp, gai ngoe nguẩy, mắt phát sáng (nếu nhìn bằng kính lặn) trông rất ấn tượng, tô điểm cho bức tranh dưới lòng đại dương càng thêm nhiều màu sắc và sống động.

    Để chế biến món nhum thường rất công phu và mất thời gian. Khi PV đến cũng là lúc bà Hồng và cô con dâu ở bãi Thơm đang chế biến món nhum nướng mỡ hành cho khách. Bà Hồng cho biết, đầu tiên, nhum được bắt ra và cắt bỏ phần gai. Tuy nhiên, không thể cắt một lần là hết tận gốc mà phải cắt từ từ, làm một cách khéo léo để nó không đâm vào tay. Khi thực hiện công đoạn này phải có găng tay bảo hộ. Sau đó, sẽ tiến hành cắt bỏ lớp cứng (phần miệng) và những chiếc răng của con nhum.

    Thực hiện xong sẽ đưa vào rửa sạch sẽ, loại bỏ những phần không ăn được và mới đưa ra nướng cho khách. Phần còn lại gọi là gạch, chỉ bám một lớp mỏng dưới cùng của con nhum. Tuy nhiên, để chế biến được 1 con phải mất chừng 10 phút. Theo đánh giá của nhiều người, nhum Phú Quốc ngon hơn ở các bãi biển khác của Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Quả thật, PV ăn thử thấy ngon, ngọt, gạch tương đối dày. Trong khi đó, Phong cho biết: “Đây chưa phải là nhum ngon nhất ở xứ này”.

    Bán cả sao biển

    Hiện nay, theo đà phát triển du lịch, một số nơi, đặc biệt ở làng chài Hàm Ninh, người dân còn bắt sao biển đem luộc, phơi khô và bán cho khách du lịch. Mỗi con có giá là 20.000 đồng. Nhiều người cũng đồn thổi về công dụng của sao biển, là bài thuốc quý giúp bổ thận, tráng dương. Vì thế, lượng sao biển ở khu vực gần bờ giờ cũng còn khá ít.

    Thanh Tùng

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ky-uc-ve-nhung-bai-nhum-khong-lo-ven-bien-a194079.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan