Đề thi bảo đảm đủ 4 cấp độ
Năm 2025 là năm đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều điểm mới so với hiện nay, đặc biệt là về đề thi.
Vì thế, đề thi tham khảo 18 môn của kỳ thi do Bộ GD&ĐT vừa công bố giúp các nhà trường trong việc tổ chức cho học sinh làm quen với đề thi về cấu trúc, hình thức, phạm vi, các mức độ kiến thức...
Năm 2025, khoảng hơn 1 triệu học sinh đang học lớp 12 trên cả nước sẽ tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đầu tiên theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nhằm giúp các nhà trường có định hướng trong việc dạy học, ôn tập cho học sinh, ngày 18-10-2024, Bộ GD&ĐT đã công bố 18 đề tham khảo các môn của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025.
Nhận định về đề thi tham khảo, nhiều chuyên gia và giáo viên cho rằng, đề thi các môn đều bảo đảm đủ 4 cấp độ kiến thức, bao gồm nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Các câu hỏi trong đề thi có mức độ phân hóa rõ ràng hơn, điều này vừa bảo đảm mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, vừa hỗ trợ cho công tác xét tuyển đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non.
Tờ Hà Nội mới dẫn lời Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) Huỳnh Văn Chương cho biết, nhằm bảo đảm tính khách quan, toàn diện, Bộ GD&ĐT đã mời thành phần tham gia xây dựng đề thi là các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên, giáo viên, các chủ biên xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tác giả sách giáo khoa... Toàn bộ 18 đề tham khảo đã ban hành bảo đảm đúng về cấu trúc, định dạng theo quy định, sát chương trình; phạm vi nội dung tập trung ở lớp 12.
Thông tin rõ thêm về điểm mới trong cấu trúc định dạng đề thi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Ngọc Hà cho hay, cấu trúc mới giữ nguyên 40 lệnh hỏi ở hầu hết các môn. Tuy nhiên, với đề thi các môn trắc nghiệm khách quan, ngoài dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn học sinh đã quen thuộc, đề thi từ năm 2025 có thêm dạng trắc nghiệm mới.
Cụ thể, các câu hỏi ở đề thi trắc nghiệm được chia thành 3 phần: Phần 1 gồm các câu hỏi dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn; phần 2 gồm các câu hỏi dạng thức trắc nghiệm đúng - sai; phần 3 gồm các câu hỏi dạng thức trắc nghiệm trả lời ngắn.
Tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng đánh giá, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là năm đầu tiên thực hiện đổi mới nên các địa phương đã chuẩn bị tâm thế, cơ sở vật chất, huy động các nguồn lực để sẵn sàng đáp ứng khi có Quy chế, hướng dẫn tổ chức thi từ Bộ GD&ĐT.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh: Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT là công việc khó khăn, phức tạp, nhạy cảm nhưng tựu chung lại giai đoạn vừa qua đã đạt được kết quả đáng ghi nhận.
“Chúng ta đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh tham gia kỳ thi, không để thí sinh nào vì điều kiện kinh tế hay đi lại không thể dự thi. Càng ở các địa phương khó khăn, càng cho thấy sự chăm lo của toàn xã hội cho kỳ thi”, báo Lao động dẫn lời Thứ trưởng nói, đồng thời khẳng định, cả giai đoạn vừa qua, các thầy cô giáo, tất cả lực lượng đã vì học sinh mà tạo các điều kiện thuận lợi nhất.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm đã đạt được, thứ trưởng thẳng thắn đề cập tới một số khó khăn, hạn chế trong tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024 ở các khâu ra đề, in sao đề thi, coi thi… Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng yêu cầu công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 cần được nâng cấp cấp độ ở tất cả khác khâu.
Đồng thời, đề nghị các cơ quan liên quan nghiên cứu, tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 37 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2025, với yêu cầu tổ chức kỳ thi theo hướng giảm áp lực, giảm chi phí, ít tốn kém cho thí sinh, gia đình và xã hội, bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông; làm căn cứ đánh giá quá trình dạy và học ở các nhà trường, các địa phương; cung cấp dữ liệu tin cậy, trung thực để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong công tác tuyển sinh.