Lần đầu tiên Tin học, Công nghệ được đưa vào môn tự chọn
Năm 2025 là thời điểm những học sinh đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới thi tốt nghiệp THPT. Vì vậy, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ có nhiều thay đổi.
Trong đó, thay đổi lớn nhất là thí sinh sẽ thi 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số các môn sau: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.
Như vậy với phương án này, từ năm 2025, các thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được giảm đi 2 môn so với kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay. Và bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) không còn.
Đây cũng là lần đầu tiên Tin học và Công nghệ được đưa vào môn tự chọn trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Về thời gian thi tốt nghiệp THPT, từ năm 2025, kỳ thi được tổ chức trong hai ngày với 3 buổi thi, thay vì 4 buổi như trước. Trong đó, một buổi thí sinh làm bài Ngữ văn, một buổi thi Toán và một buổi làm bài 2 môn tự chọn.
Việc có 9 môn tự chọn sẽ làm tăng số lượng tổ hợp môn thi tốt nghiệp THPT lên 36 từ năm 2025 theo chương trình mới. Ông Huỳnh Văn Chương – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) nhìn nhận: Đây là thách thức lớn cho công tác bố trí, tổ chức thi và cần được tập huấn kỹ, chạy thử mô hình bố trí phòng thi tối ưu cho các địa phương.
Để sắp xếp phòng thi tối ưu, hạn chế việc thí sinh phải di chuyển nhiều, Bộ GD&ĐT đưa ra nguyên tắc các thí sinh dự thi cùng tổ hợp hai môn tự chọn sẽ được sắp xếp cùng một phòng thi. Theo đó, các địa phương khảo sát nguyện vọng môn thi của học sinh từ tháng 12 năm nay để xây dựng phương án và thử nghiệm.
Trường đại học rục rịch điều chỉnh phương án tuyển sinh
Thông tin từ Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, trường sẽ giảm dần chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT và tăng dần các hình thức xét tuyển kết hợp; trong đó chủ yếu sử dụng điểm thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy.
Dự kiến, năm 2025, Trường ĐH Kinh tế quốc dân vẫn giữ 3 phương thức xét tuyển gồm: Xét tuyển thẳng; xét tuyển kết hợp; xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT. Với phương thức xét tuyển thẳng, nhà trường dành 2% chỉ tiêu. Phương thức xét tuyển kết hợp chiếm 83% chỉ tiêu. 15% là chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Trường chỉ sử dụng 4 tổ hợp để xét tuyển: A00 (Toán - Vật lý - Hóa học), A01 (Toán - Vật lý - Tiếng Anh), D01 (Toán - Ngữ văn - Tiếng Anh), D07 (Toán - Hóa học - Tiếng Anh). Các môn thi đều tính hệ số 1 khi xét tuyển.
Năm 2025, ĐH Bách khoa Hà Nội giữ ổn định 3 phương thức gồm: xét tuyển tài năng, dựa vào kết quả thi đánh giá tư duy do trường tổ chức và xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến bổ sung một số tổ hợp để tuyển sinh phù hợp với thực tế. Cùng với đó, nhà trường dự kiến giảm chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT từ 50% như năm 2024 còn 40%; tăng chỉ tiêu ở các phương thức còn lại.
Ngoài 2 trường nêu trên, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 dự kiến tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển, tăng số phương thức xét tuyển đầu vào từ 5 lên 6.
Hiện các trường đại học dùng hơn 20 phương thức xét tuyển. Tỷ lệ thí sinh trúng tuyển và nhập học cao nhất ở phương thức xét học bạ và xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
Trường ĐH Nha Trang công bố đề án tuyển sinh 2025 dự kiến bỏ phương án sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển. Thay vào đó, trường xét tuyển theo phương thức kết hợp học bạ và điểm thi đánh giá năng lực.