Trả lời PV ngày 10/5, ông Phạm Thanh Toàn – Phó Giám đốc sở GD&ĐT Ninh Bình cho biết công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia 2019 đang được tỉnh thực hiện gấp rút với tinh thần sẵn sàng, nghiêm túc, chặt chẽ, đúng quy trình.
Năm nay, chấm thi THPT Quốc gia có điểm mới, chấm trắc nghiệm sẽ do trường Đại học chủ trì dưới sự giám sát của bộ GD&ĐT. Phía Ninh Bình năm nay sẽ được trường Đại học Kinh doanh & Công nghệ chủ trì.
Ông Phạm Thanh Toàn, Phó Giám đốc sở GD&ĐT Ninh Bình. |
Trước những lo ngại về công tác đảm bảo an toàn trong suốt quá trình thi, ông Toàn cho biết phía Ninh Bình đang bố trí đầy đủ camera cho các điểm chấm thi. "Mọi hoạt động của Chủ tịch, Phó chủ tịch, các thành viên và công an đều được giám sát; phòng, tủ đựng đề thi, bài thi của thí sinh cũng vậy. Tỉnh nghiêm túc, sát sao trong mọi quy trình. Việc triển khai kỳ thi THPT Quốc gia được thực hiện nghiêm túc", ông Toàn cho hay.
Minh chứng cho sự cẩn thận, kỹ càng của địa phương vị Phó Giám đốc sở GD&ĐT Ninh Bình cho biết: "Cả lãnh đạo trực tiếp làm như làm đề THPT, sao đề, làm phách đều phải cách ly. Thậm chí, cả rác cũng phải cách ly 10 ngày sau khi hết kỳ thi mới được đổ. Tính khách quan được chúng tôi đặt lên hàng đầu".
Theo thống kê mới nhất từ bộ GD&ĐT, tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 886.000, tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng là 653.000 (chiếm 73,62%). Trong đó, có hơn 38.000 thí sinh tự do (chiếm 4,3%). Số thí sinh chọn bài KHTN là hơn 302.000 (34,08%); số thí sinh chọn bài KHXH là hơn 468.000 (52,8%); số thí sinh chọn cả 2 bài KHTN và KHXH là hơn 27.000 (khoảng 3,08%). Công tác đăng ký dự thi diễn ra thuận lợi, trôi chảy, không có trục trặc gì.
Đáng nói, tỷ lệ thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT ở mức cao, tiêu biểu như ở một số tỉnh miền núi phía Bắc như Điện Biên, Hà Giang, Bắc Giang, Hòa Bình, Lào Cai… cũng ở mức hơn 50% trở lên.
Theo số liệu từ sở GD&ĐT Lào Cai, chỉ có gần 40% học sinh tốt nghiệp THPT học tiếp lên đại học, cao đẳng; trên 50% còn lại lựa chọn đi làm phổ thông hoặc học nghề ngắn hạn. Dự kiến năm 2020, tỉnh Lào Cai phấn đấu có 20% học sinh học đại học, 70% học nghề; 10% tốt nghiệp THPT được bồi dưỡng, học các chương trình đào tạo ngắn hạn.
Một số nơi được xem là những “vùng đất hiếu học” như Nghệ An, năm nay cũng có hơn 13.000 thí sinh (chiếm 41%) thi để xét tốt nghiệp. Đây là tỷ lệ cao nhất trong vài năm trở lại đây.
Bên cạnh đó, số lượng thí sinh đăng ký thi để xét tốt nghiệp THPT tại Ninh Bình vẫn ổn định.
Ông Lê Thái Hòa, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục tỉnh Ninh Bình cho biết: “Hiện nay, có 8974 thí sinh trên toàn tỉnh đăng ký dự thi THPT Quốc gia năm 2019 (ít hơn 628 thí sinh so với năm trước). Trong đó, 8699 thí sinh đang học lớp 12 (gồm 7866 thí sinh THPT và 833 thí sinh là giáo dục thường xuyên), và 275 thí sinh tự do (gồm 259 thí sinh là THPT và 16 thí sinh giáo dục thường xuyên).
Theo ông, tỷ lệ đăng ký KHXH ổn định so với năm ngoái, với 5728 thí sinh đăng ký (chiếm 65,89%). Thí sinh đăng ký nhiều hơn KHTN, 2964 thí sinh (chiếm 33,89%) là do các môn KHXH được học sinh đăng ký dễ học hơn. Chỉ có 19 thí sinh đăng ký cả KHTN và KHXH (chiếm tỷ lệ 0,02%).
Chiều 10/5, ông Lê Văn Thuyết, Hiệu trưởng trường THPT Yên Khánh A (Ninh Bình) tiết lộ, dù là một trường chất lượng top đầu của tỉnh, nhưng sau học kỳ I, thi theo đề thi của sở GD&ĐT, áp dụng cách tính điểm xét tốt nghiệp theo quy chế mới, trường cũng có khoảng 13 học sinh có nguy cơ trượt tốt nghiệp.
Do đó, công tác tổ chức ôn thi THPT Quốc gia được trường thực hiện cẩn trọng. Giáo viên lớp 12 được lựa chọn là các thầy cô có kinh nghiệm. Trường tổ chức nhiều cuộc thi thử; đánh giá phân loại, sàng lọc qua các kỳ kiểm tra của nhà trường, kỳ thi chung theo đề của sở GD&ĐT; chú trọng lưu ý học sinh cả kỹ năng làm bài, tâm lý làm bài; trao đổi với phụ huynh để có trách nhiệm động viên học sinh học tập...
Ông Lê Văn Thuyết, Hiệu trưởng trường THPT Yên Khánh A (Ninh Bình) chia sẻ thông tin với báo chí chiều 10/5. |
“Tới đây, nhà trường tổ chức lớp để bồi dưỡng cho học sinh có nguy cơ bị điểm liệt, vì có tình trạng học sinh học lệch, nhiều khi quá tập trung vào những môn thi sử dụng để xét tuyển vào đại học, cao đẳng”, ông chia sẻ.
Khẳng định không chủ quan trong việc “chống liệt” dù là trường top đầu, ông Thuyết cũng cho biết, đây còn là kinh nghiệm từ bài học năm 2018, khi trường chuyên Lương Văn Tụy cũng có học sinh trượt tốt nghiệp vì có bài thi bị điểm liệt.
Chia sẻ thêm về công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia 2019, ông Lê Văn Thuyết, Hiệu trưởng trường THPT Yên Khánh A (Ninh Bình) cho biết: “Nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục trong năm học, sau khi Sở phê duyệt, nhà trường triển khai thực hiện nghiêm túc theo kế hoạch. Đã chỉ đạo hoàn thành chương trình theo đúng tiến độ, biên chế năm học; dành thời gian thích hợp để ôn tập, trang bị kiến thức, kỹ năng và tâm lý làm bài thi.
Trong tháng 3/2019, nhà trường đã tổ chức hội nghị chuyên đề về thi THPT Quốc gia, tìm ra những giải pháp giảng dạy, ôn tập đạt hiệu quả tốt nhất”.
Hiệu trưởng trường THPT Yên Khánh A cũng cho biết thêm: “Về hình thức quán triệt, tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt đầu tuần, các cuộc họp Hội đồng, họp chuyên môn; qua họp với phụ huynh, qua loa phát thanh và bảng tin nội bộ của nhà trường. Nhà trường đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương để chuẩn bị các điều kiện cho kỳ thi. Đồng thời, chuẩn bị tốt các điều kiện cho kỳ thi”.
Ông khẳng định: “Công việc tới đây, nhà trường tiếp tục hoàn thiện hồ sơ thi THPT Quốc gia, lắp đặt hệ thống camera phòng quản lý đề và bài thi, rà soát, bổ sung cơ sở vật chất phục vụ kỳ thi. Tiếp tục tuyên truyền về kỳ thi tạo sự hiểu biết và đồng thuận cao trong giáo viên, học sinh, phụ huynh, quyết tâm đạt kết quả tốt trong kỳ thi”.
Lịch thi THPT quốc gia 2019 dự kiến như sau: Ngày 24/6, các thí sinh sẽ đến phòng thi làm thủ tục, nghe quy chế thi. Sáng ngày 25/6: thí sinh có mặt tại phòng thi để bắt đầu làm bài thi môn đầu tiên là Ngữ văn trong 120 phút. Chiều ngày 25/6: thí sinh sẽ làm bài thi môn Toán theo hình thức trắc nghiệm trong 90 phút. Sáng ngày 26/6: thí sinh thi bài tổ hợp Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) trong 150 phút. Chiều ngày 26/6: thí sinh sẽ làm bài thi Ngoại ngữ trong 60 phút. Sáng ngày 27/6: thí sinh sẽ làm bài thi tổ hợp môn Khoa học Xã hội (gồm các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) trong 150 phút. |
Theo Người Đưa Tin