Sáng 19/5, kỷ niệm 127 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu, người dân địa phương cùng hàng vạn người dân mọi miền Tổ quốc đã đến dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ Bác tại Khu di tích Kim Liên, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Ngay từ sáng sớm, dòng người từ khắp mọi miền Tổ quốc đã đổ dồn về Khu di tích Kim Liên, xếp thành hàng ngay ngắn, trên tay là những bó hoa thơm, quả ngọt để dâng lên bàn thờ Bác tại Nhà tưởng niệm Hồ Chí Minh.
Trong không khí chào mừng kỷ niệm 127 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2017), khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An) mỗi ngày đón hàng ngàn lượt khách trong và ngoài nước tới tham quan. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN |
Trong dòng người ấy, từ trẻ nhỏ đến cụ già tóc đã bạc phơ, ai cũng muốn tự tay thắp nén hương thơm lên bàn thờ Bác, tưởng nhớ công ơn to lớn của Bác đối với dân tộc Việt Nam.
Vượt hơn 300km từ Hà Nội về dâng hương trước anh linh của Bác, chị Nguyễn Thị Quế xúc động chia sẻ: “Dù công việc khá bận rộn nhưng vợ chồng tôi cố gắng đưa các con về thăm quê Bác đúng dịp kỷ niệm 127 năm Ngày sinh của Người. Về đây, tôi cũng như bao người khác đều trào dâng nỗi nhớ Bác, thật xúc động khi tự tay dâng bó hoa thắm, nén hương thơm lên bàn thờ Bác. Công lao của Bác đối với nhân dân, đất nước ta là vô bờ bến và sẽ được lớp lớp thế hệ người Việt Nam ghi nhớ”.
Cùng chung cảm xúc với chị Quế, bà Đặng Thị Thơm đến từ Phú Thọ chia sẻ: “Tôi thật sự rất xúc động khi được về quê Bác trong những ngày tháng 5 lịch sử này. Về với Khu di tích Kim Liên, được tự tay thắp hương lên bàn thờ Bác là mong ước của tôi từ lâu và thật ý nghĩa hơn khi được có mặt đúng ngày sinh của Bác. Thăm những nếp nhà tranh đơn sơ, những đồ vật giản dị trong ngôi nhà của Bác đã từng sinh sống, tôi lại thấy nhớ Người, một vị lãnh tụ vĩ đại nhưng rất giản dị trong cuộc sống đời thường”.
Tại Khu di tích Kim Liên những ngày này, các cán bộ, nhân viên, thuyết minh liên tục đón tiếp, hướng dẫn bà con từ khắp mọi miền Tổ quốc về tham quan quê Bác. Lượng khách về tham quan quê Bác rất đông, khối lượng công việc nhiều, nhưng tất cả hướng dẫn viên khu di tích Kim Liên đều thân thiện và hiếu khách, nghiêng vành nón lá chào đón du khách với vẻ dịu dàng và giọng nói ấm áp, truyền cảm.
Mọi mệt nhọc của các anh chị hướng dẫn, thuyết minh đều tan biến khi được giới thiệu, được kể cho du khách những câu chuyện bồi hồi xúc động đến rơi lệ về Bác Hồ.
“Được giới thiệu cho du khách nghe về Bác là niềm tự hào đối với bản thân tôi. Trước những tình cảm của người dân cả nước dành cho Bác, tôi cũng như các cán bộ thuyết minh luôn tự hứa với bản thân mình phải thường xuyên trau dồi kiến thức, tìm hiểu các tư liệu quý về Bác và cố gắng truyền tải một cách sinh động nhất để du khách thêm hiểu về thân thế, sự nghiệp của Bác một cách sâu sắc hơn”, chị Nguyễn Thị Hoài Thu, thuyết minh viên Khu di tích Kim Liên chia sẻ.
Ông Nguyễn Bảo Tuấn, Giám đốc Ban quản lý Khu di tích Kim Liên cho biết: Năm nào cũng vậy, trong những ngày tháng Năm lịch sử, dòng người trên mọi miền Tổ quốc về với quê Bác rất đông, tăng khoảng 3 - 4 lần so với những ngày thường. Trung bình, mỗi ngày Khu di tích Kim Liên đón hàng trăm đoàn với khoảng 5.000 đến 7.000 lượt khách tham quan, dâng hoa, dâng hương trước anh linh của Bác.
Để làm tốt công tác tiếp đón khách tham quan, Ban quản lý Khu di tích Kim Liên đã phối hợp với các cấp chính quyền ở tỉnh, huyện và xã, tăng cường cán bộ, chiến sỹ Công an kết hợp với bảo vệ Khu di tích để đảm bảo trật tự an ninh, tính mạng và tài sản của du khách.
Năm nay, Khu di tích đã khai thác ba hộ láng giềng quê Nội, các nét không gian văn hóa Làng Sen, Làng Hoàng Trù cuối thế kỷ XIX gắn liền với thời niên thiếu của chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời chiếu phim tư liệu tại nhà bái đường phục vụ khách tham quan, phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh triển lãm chuyên đề ảnh “Những cuộc đời bình dị mà cao quý”.
Bên cạnh đó, Khu di tích Kim Liên cũng điều động và phân công các cán bộ chuyên trách ở từng bộ phận, huy động toàn bộ thuyết minh, hướng dẫn viên đảm bảo tốt nhất công tác tiếp đón các đoàn khách đến tham quan; phân luồng lối ra và lối vào; không để tình trạng bán hàng rong, chèo kéo khách nhằm xây dựng hình ảnh người dân quê Bác thật văn minh, thân thiện, mến khách.