Đại úy Nguyễn Văn Minh may mắn có những năm tháng được đứng trong đội cảnh vệ, luôn ở bên và bảo vệ sự an toàn tuyệt đối cho Bác Hồ. Với ông, đó là những ký ức mãi không phai nhòa.
Bảo vệ sự an toàn của Bác là nhiệm vụ hàng đầu
Ông Nguyễn Văn Minh bồi hồi xem những hình ảnh thời trẻ và những Huân huy chương, kỷ vật thời chiến mà ông được Nhà nước trao tặng. |
Cựu binh, Đại úy Nguyễn Văn Minh (SN 1934, trú tại xóm 8 – Nam Chính, xã Phúc Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) là người lính cảnh vệ, bảo vệ Lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong đó có Bác Hồ ở những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất.
Những ngày tháng máu lửa ở trận chiến trường Điện Biên Phủ năm 1954, nhiều đồng đội, đồng hương của ông là người Yên Thành, Nghệ - Tĩnh đã bỏ lại một phần máu xương nơi ác liệt này. Ông may mắn còn sống sót và trở về, sau đó được bổ sung vào lực lượng vũ trang có nhiệm vụ bảo vệ các lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thời gian được đứng trong hàng ngũ những người lính được bảo vệ cơ quan đầu não của Trung ương, ông Minh đã may mắn được ở gần Bác Hồ nhiều lần, cũng có lần ông là người được vinh dự cùng đồng đội đứng cạnh để bảo vệ Bác trong nhiều sự kiện khác nhau.
Kỷ niệm mà ông vẫn nhớ nhất về Bác đó là sự dung dị, gần gũi lạ thường.
"Lúc nào Bác cũng rất giản dị, với tất cả mọi người, Người luôn toát lên sự gần gũi thân quen, không có sự xa cách nào giữa Bác và cán bộ cấp dưới và những người phục vụ Bác", ông Minh hồi tưởng.
"Những giờ ăn của đơn vị chúng tôi, Bác luôn quan tâm, hỏi thăm về chế độ ăn uống, công việc, dù người đó làm nhiệm vụ nào. Nhiều anh em trong đơn vị được Bác đặt cho những tên gọi thân mật và thương yêu nhất” - ông Minh nói.
Huân chương Vì sự nghiệp bảo vệ Đảng - Bảo vệ Lãnh tụ của Đại úy Nguyễn Văn Minh. |
Những năm tháng được bảo vệ Bác cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ông Minh nhiều lần được sát cánh để bảo vệ sự an toàn tuyệt đối cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các chuyến đi Trung Quốc, thăm chiến khu ở Cao Bằng, Yên Bái, Lào Cai, Hải Phòng… hay thăm các địa phương, các cơ sở để thăm tình hình sản xuất của bà con phục vụ cho tiền tuyến.
Có lẽ kỷ niệm lớn nhất trong đời binh nghiệp của ông Minh đó là vào năm 1961, khi Bác Hồ về thăm quê hương Nghệ An trong đó có huyện Yên Thành. Năm đó, ông Minh được tháp tùng Bác về thăm quê sao bao năm xa cách, chứng kiến những tình cảm xúc động của Người, ký ức trong ông vẫn còn như lúc đầu.
“Chuyến thăm quê đó, Bác cũng về thăm Yên Thành quê hương tôi. Đó là niềm tự hào, vui mừng khôn xiết, xúc động và vinh dự lắm nhưng tôi không quên được nhiệm vụ của mình là phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho Người”, ông Minh nhớ lại.
Rồi giọng người cận vệ già trùng xuống: “Năm 1969, Bác Hồ mất, đơn vị tôi không còn được bảo vệ Bác nữa, ai cũng buồn tiếc thương Người. Anh em trong đơn vị tôi nhớ lời Bác dạy cố gắng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ để tỏ lòng biết ơn Bác về những gì Người đã dành cho cả dân tộc”.
Năm 1979, ông về hưu, sống tại quê nhà cùng người vợ tảo tần chung thuỷ.
Mỗi lúc nhớ về những kỷ niệm được bên Bác, ông Minh lại đến thăm những địa danh ở quê mình, nơi Bác Hồ đã đặt chân qua.
Vợ chồng ông Minh và bà Hường vui vẻ ôn lại những kỷ niệm đẹp thời chiến. |
Chuyện tình đẹp qua những cánh thư
Vì là nhiệm vụ đặc biệt nên ông Minh ít có thời gian được về quê thăm nhà, trong một lần được nghỉ phép vào năm 1956, ông Minh bén duyên với bà Trần Thị Hường (SN 1938, người cùng địa phương làm công tác bên hội phụ nữ, các đội sản xuất nông nghiệp hậu phương thời bấy giờ).
Chuyện tình của 2 ông, bà cũng là những dấu ấn đậm nét, gặp nhau và chia sẻ, tâm tình chỉ qua những cánh thư từ hậu phương đến đơn vị trong suốt 3 năm trời. Nhưng đó cũng là động lực để họ đến với nhau bằng tình yêu cháy bỏng thời chiến và sống hạnh phúc cho đến tận hôm nay. Con trai ông cũng nối nghiệp cha, vào quân ngũ để tham gia bảo vệ Tổ quốc.