+Aa-
    Zalo

    Kỳ nhân nơi rừng sâu lộ bí kíp “săn” vợ đẹp

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Đối với người Pa Cô nơi rừng sâu phía tây Quảng Trị, khèn là nhạc cụ luôn gắn với nhịp sống vui buồn của họ.

    Đối với người Pa Cô nơi rừng sâu phía tây Quảng Trị, khèn là nhạc cụ luôn gắn với nhịp sống vui buồn của họ. Khèn là khúc hoan ca, là tình khúc trao nhau mỗi dịp vui cưới hỏi, khi chia xa, khi từ giã một người về thế giới bên kia… Nó có thể thay lời nói để thể hiện tiếng lòng của đồng bào dân tộc Pa Cô. Đặc biệt, những chàng trai nơi đây muốn hỏi được vợ đẹp thì phải biết thổi những điệu khèn hay, mê đắm lòng người.

    Tiếng gọi tình yêu

    Như đã thành một tục lệ, người Pa Cô ở huyện Đakrông (Quảng Trị), vào mỗi dịp quan trọng, nếu trong nhà không có người có khiếu thổi khèn thì phải nhờ, phải mượn chàng trai bản bên có tiếng khèn hay sang thổi. Đối với họ, không lời chúc phúc nào có ý nghĩa hơn là một bài hát thể hiện qua điệu khèn. Chỉ những người có niềm đam mê, yêu môn nghệ thuật dân tộc độc đáo này mới có thể thổi được những bài hay. Nếu có đời sống nội tâm hời hợt thì khó có thể thổi ra những âm thanh xao xuyến lòng người.

    Ngày ngày anh Hồ Cu Sương vẫn miệt mài thổi hồn đất, hồn nước.

    Tuy nhiên, không phải chàng trai nào cũng có thể thổi khèn hay khiến các cô gái yêu si mê. “Người thổi khèn phải biết hòa tâm hồn mình vào với tiếng khèn. Khi vui thì mặc sức cho tiếng khèn bay bổng với những tình khúc yêu thương. Khi tâm trạng nặng nề thì đó là lúc tiếng lòng buồn vương trên cành cây ngọn cỏ. Làm sao cho người nghe cảm được tâm tư, nỗi lòng thì người thổi khèn mới là người giỏi nhất, hay nhất, được nhiều cô gái mến mộ nhất”, anh Hồ Cu Sương, người được đồng bào ở xã Tà Rụt mệnh danh là “người thổi khèn”, chia sẻ.

    Những chàng trai Pa Cô vốn rắn rỏi giữa đại ngàn Trường Sơn muốn có vợ đẹp đôi khi chỉ cần biết dạo những điệu khèn hay. Bà Căn Vân ở bản Tà Rụt 1 nhớ lại: “Ngày trước, cứ khi màn đêm buông xuống là khắp các bản làng nơi đâu cũng nỉ non tiếng khèn gọi tình của các chàng trai. Sau khi nghe được nó, các cô gái chuẩn bị ra điểm hẹn để tâm tình đôi lứa. Tôi theo chồng tôi cũng chỉ bởi tiếng khèn của ông ấy. Khi tôi buồn, tiếng khèn dạo những khúc yêu thương, vỗ về để giúp tôi thấy yêu đời hơn, vượt qua mọi khó khăn thử thách của cuộc sống”.

    Những lần đi sim (trai gái bản hẹn hò, tâm tình với nhau- PV), các chàng trai cô gái thường hát cho nhau nghe và thường được đệm bởi điệu khèn. Tiếng khèn linh hoạt, biến chuyển lạ kỳ, có lúc nghe não ruột, day dứt; có lúc triền miên như lướt thuyền trên sông và trào lên những đợt sóng xô trên ghềnh thác; có lúc thanh cao, mềm mại; có lúc nức nở, nghẹn ngào... làm lòng người thấy nhớ nhung, xao xuyến. Mỗi khi đi làm nương phát rẫy, các chàng trai bản vẫn mang theo khèn để hát khúc hát trao duyên hay đơn giản là để giãi bày tâm sự của mình. Lâu dần, khèn trở thành vật dụng “giắt lưng” của cánh mày râu nơi này.

    Anh Hồ Văn Quảng, Trưởng thôn Tà Rụt 2 cho biết: “Thanh niên Pa Cô thường sợ bố mẹ ngăn cấm tình yêu nên chỉ có thể đợi đến khi mọi người trong nhà đi ngủ hết mới mang khèn đến chân cầu thang hoặc ngoài hàng rào thổi để gọi người thương xuống nói chuyện. Hôm nay nàng không trả lời hôm sau lại đến “trồng cây si” ở nhà nàng, cho đến khi nào không thể đứng nữa mới thôi. Chính vì vậy nên những đêm trăng đẹp, các bản làng Pa Cô vốn đã nên thơ lại được tô điểm thêm những âm thanh mang nặng tâm tình”.

    Kỳ nhân thao thức với tiếng khèn

    [poll3]1575[/poll3]

    Một người dân bản cho hay: “Đi khắp xã Tà Rụt này, chỉ có Vỗ Kiều là người duy nhất có thể khiến những thanh nứa vô tri phát ra tiếng lòng, tiếng yêu, tiếng thương của người trai bản”. Tuy nhiên, “báu vật sống” của bản đã ở cái tuổi gần đất xa trời trong khi vẫn chưa có ai học được bí kíp làm khèn của ông. Bởi khèn là loại nhạc cụ nhìn khá đơn giản, song phải là người tinh tế, có tài thì mới có thể khiến những vật vô tri vô giác như nứa, tre phát ra âm thanh mê hoặc lòng người được.

    Già làng Vỗ Kiều chia sẻ: “Khèn được làm từ 14 ống nứa được đục lỗ, có độ dài ngắn khác nhau và cố định bằng một thanh gỗ. Tuy nhiên, 14 ống thì chỉ có 12 ống có kẹp thanh đồng bên trong để phát ra âm thanh. Khi thổi, người ta phải áp sát miệng vào lỗ nhỏ trên thanh gỗ và bấm vào các lỗ trên ống nứa để tạo ra giai điệu. Bởi vậy, chọn ống nứa để có âm sắc khác nhau, có thể hợp âm thành một chiếc khèn là cả một công trình chọn lựa, cảm thụ cẩn thận, tỉ mỉ, đòi hỏi nghệ nhân phải thật sự tâm huyết. Hiện nay, điều làm tôi tiếc nhất là mình đã gần đất xa trời nhưng vẫn chưa tìm ra được một truyền nhân. Tôi sợ sau này sẽ không còn người làm được những chiếc khèn tốt, có thể làm rung động lòng người”.

    Hiện sức khỏe của nghệ nhân làm khèn đã yếu đi rất nhiều, việc học hỏi cách làm loại nhạc cụ này giờ chỉ còn hy vọng mong manh nên người dân nơi đây bảo nhau cất giữ cẩn thận những cái khèn do ông Vỗ Kiều làm ra. Và rất may, niềm đam mê thổi khèn đã được ông Vỗ Kiều truyền lại cho cậu con trai Hồ Cu Sương.

    “Mấy năm nay tôi cùng một vài anh chị em đã đi diễn khắp Bắc Nam để giới thiệu âm nhạc truyền thống của dân tộc mình. Năm 2010, nhờ dự án của Plan (dự án phát triển cộng đồng của một tổ chức phi chính phủ -PV) phát huy, bảo tồn nhạc cụ truyền thống dân tộc đã mở lớp dạy cho tầm 20 học viên. Tôi cũng được mời dạy thổi khèn cho 5 trai bản có niềm đam mê với nhạc cụ này. Tuy nhiên, thời gian học ngắn, chỉ 2 tuần nên tôi chưa thể truyền hết kinh nghiệm và người học dĩ nhiên cũng khó có thể cảm thụ nhanh đến thế. Như tôi đây, làm quen với khèn từ khi còn bé, giờ đã 42 tuổi mà vẫn chưa hiểu hết những bí ẩn của tiếng khèn”, anh Hồ Cu Sương, người chơi khèn nổi tiếng ở huyện Đakrông chia sẻ.

    Chia tay miền non cao, rừng thẳm đầy nắng của mảnh đất Quảng Trị, hình ảnh bà con dân bản ở Tà Rụt kéo sang nhà anh Hồ Cu Sương nghe tiếng khèn dặt dìu gọi mời vẫn còn in đậm trong tâm trí chúng tôi. Dường như lâu rồi mọi người mới nghe lại tiếng khèn thân thuộc ấy, thế nên bà con kéo đến rất đông dưới chân cầu thang lắng nghe anh Sương thổi hồn núi rừng. Ai cũng yên lặng lắng nghe tiếng lòng, để hiểu nhau, thương nhau nhiều hơn.

    Giờ đây, khi ánh sáng điện đã về nơi thôn bản, nhà nhà vui với cái máy nghe nhìn mới. Thanh niên trai tráng vui với niềm vui được kết nối, dù ở xa vẫn có thể hò hẹn chỉ nhờ một vật bé xíu bằng bàn tay. Chỉ cần nhắn tin, gọi điện là có thể hẹn nhau đến quán uống cà phê, trò chuyện, thấy hợp nhau thì qua suối tâm tình. Người Tà Rụt mừng vì quê hương đang giàu lên, đời sống dân bản đổi thay nhưng các vị cao tuổi không khỏi lo lắng, tiếng khèn thân thuộc qua bao thế hệ giờ đây đang dần xa vắng trong cuộc sống thường nhật.

    *Bài viết được đăng trên báo giấy Đời sống & Pháp luật

    Hồ Ngọc

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ky-nhan-noi-rung-sau-lo-bi-kip-san-vo-dep-a183452.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan