Kỷ luật cán bộ là việc làm đúng đắn của Đảng. Để Đảng trong sạch vững mạnh, mỗi cán bộ, đảng viên phải giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống...
Ngày 20/9, Ban Bí thư đã xem xét và quyết định kỷ luật đối với các đồng chí Nguyễn Phong Quang, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Đảng uỷ, nguyên Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ giai đoạn 2011-2016 và đồng chí Nguyễn Anh Dũng, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương; Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Hoá chất Việt Nam.
Dư luận cho rằng: Đề bạt cán bộ là phải có tổ chức, có nguyên tắc và có sự bàn bạc thấu đáo của tập thể, tránh quan liêu, phụ thuộc người đứng đầu. Đồng thời cho rằng cần có cơ chế, cách thức, quy định và hệ thống luật pháp chặt chẽ để muốn tham nhũng không tham nhũng được.
Tiếp tục nhận được những thông tin của Ban Bí thư về xem xét kỷ luật cán bộ có sai phạm, cán bộ đảng viên và nhân dân thấy ngày càng tin tưởng là Đảng đã không có dung thứ, né tránh với bất cứ hành vi, vi phạm về đạo đức, lối sống, pháp luật của cán bộ đảng viên, dẫu là đương chức hay về hưu. Điều này càng thấy tinh thần quyết tâm của Trung ương triển khai Nghị quyết Trung ương 4 thiết thực, bước đầu tạo hiệu quả lớn, tác động đến tư tưởng cán bộ đảng viên, quan trọng nhất là tạo niềm tin của người dân với đảng.
Ông Nguyễn Phong Quang và Nguyễn Anh Dũng bị cách mọi chức vụ về Đảng. |
Dư luận cho rằng, với cương vị và trách nhiệm là người đứng đầu, ông Nguyễn Phong Quang đã vi phạm khuyết điểm trong nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc, quyết định chủ trương công tác cán bộ không đúng quy định, để xảy ra nhiều sai phạm trong thời gian dài; thiếu kiểm tra, giám sát các cơ quan tham mưu trong việc thực hiện chủ trương, quy trình về công tác cán bộ. Đặc biệt, trực tiếp ký bổ nhiệm trên 30 trường hợp là không đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục, điều kiện và tiêu chuẩn.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quốc Bảo, Giảng viên cao cấp Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng: "Đề bạt 1 cán bộ là phải có tổ chức, có nguyên tắc và có sự bàn bạc thấu đáo của tập thể. Tại sao 1 tập thể Ban thường vụ như thế lại bổ nhiệm 30 trường hợp không đúng nguyên tắc, quy trình. Nếu bổ nhiệm 1 người sai thì có thể châm trước được nhưng ở đây khá đông cán bộ như vậy thì rõ ràng trong công tác cán bộ là thiếu trách nhiệm, có sự quan liêu, chưa mang tính dân chủ, tập thể cao và phụ thuộc người đứng đầu".
Dư luận cho rằng, với trách nhiệm là người đứng đầu, ông Nguyễn Anh Dũng đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, gây hậu quả rất nghiêm trọng để Tập đoàn đoàn Hoá chất Việt Nam và một số công ty không bảo toàn được vốn Nhà nước giao. Người đứng đầu tốt thì tập thể tốt, người đứng đầu có biểu hiện độc đoán chuyên quyền thì tác động đến tập thể.
Qua kỷ luật cán bộ cho thấy bài học về công tác quản lý cán bộ, vấn đề phát huy dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể và đặc biệt lựa chọn cán bộ làm sao thực sự đủ đức đủ tài và phải theo đúng quy trình phải nghiêm minh, chặt chẽ.
Ông Nguyễn Viết Chức, Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng: "Bài học kỷ luật cho tất cả cán bộ đã làm được gì cho nhân dân, cho sự nghiệp chung. Điều gì mình còn cá nhân, sai sót. Có soi mình thì kỷ luật mới có giá trị. Bởi vì, kỷ luật của chúng ta thiên về kỷ luật để giáo dục chứ không phải kỷ luật để hạ bệ. Đảng ta đã lấy mục tiêu của kỳ đại hội này là xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, vậy thì không khác được. Để tránh việc ấy chúng ta phải xem xét lại 1 loạt cơ chế, cách thức, quy định và hệ thống luật pháp để muốn tham nhũng không tham nhũng được".
Kỷ luật cán bộ là việc làm đúng đắn của Đảng. Để Đảng trong sạch vững mạnh mỗi cán bộ, đảng viên phải giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, không vi phạm pháp luật và lợi dụng quyền lực của mình để trục lợi, dẫn đến đánh mất danh dự, tổn thương uy tín của Đảng.