+Aa-
    Zalo

    Kỳ lạ nhiều trường đại học tuyển sinh ngành Y không có môn Sinh học: Chuyên gia nói gì?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Bên cạnh khối B00 truyền thống với 3 môn Toán, Hóa, Sinh, nhiều trường đại học mở rộng xét tuyển ngành Y bằng các tổ hợp không có môn Sinh học đang được dư luận quan tâm.

    Năm 2022, ngoài tổ hợp xét tuyển B00 (Toán, Hóa, Sinh) vẫn đang được sử dụng, ĐH Y Dược Thái Bình mở rộng xét tuyển theo một số tổ hợp khác nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội.

    Cụ thể các tổ hợp mới được trường sử dụng là D07 (Toán, Hóa, Anh) ở ngành Y Khoa; A00 (Toán, Lý, Hóa) ở ngành Dược học và ngành Kỹ thuận xét nghiệm y học; A01 (Toán, Lý, Anh) ở ngành Dược học; và B08 (Toán, Sinh, Anh) ở ngành Y Khoa, Y học cổ truyền, Y học dự phòng, Điều dưỡng.

    Trong đó, Kỹ thuật xét nghiệm y học là ngành học mới mở của ĐH Y Dược Thái Bình.

    Cũng trong năm nay, nhiều ngành của ĐH Y tế Công cộng sẽ xét tuyển tổ hợp không có môn Sinh học. Theo đó, ngành Y tế công cộng của trường xét tuyển tổ hợp D01 (Toán, Văn, Anh); ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học tuyển thí sinh tổ hợp A01 và D07; ngành Dinh dưỡng xét tuyển tổ hợp D01, D07; ngành Kỹ thuật phục hồi chức năng xét tuyển tổ hợp A00, D01, A01.

    Trường dự kiến tuyển sinh 566 chỉ tiêu cho 7 ngành đào tạo, và mở mới ngành Khoa học dữ liệu.

    Ngành Dược học của Khoa Y (ĐH Đà Nẵng) cũng dự kiến tuyển sinh tổ hợp A00 và D07, hai tổ hợp không có môn Sinh học trong năm 2022.

    ky la nhieu truong dai hoc tuyen sinh nganh y khong co mon sinh hoc chuyen gia noi gi
    Ảnh minh họa

    Trước lựa chọn mở rộng tổ hợp môn thi Y khoa theo hướng không có môn Sinh, trao đổi trên VnExpress, PGS.TS Ngô Thanh Bình, Trưởng phòng Quản lý đào tạo đại học, trường Y Dược Thái Bình cho rằng, chuyện này không quá quan trọng. Trường sử dụng thêm hai tổ hợp chứa môn tiếng Anh, D07 và B08, vì nhận thấy tầm quan trọng của Tiếng Anh trong lĩnh vực Y Dược, cũng như nhằm đáp ứng xu hướng hội nhập quốc tế và nhu cầu của xã hội. Ngoài việc đưa vào các tổ hợp có môn Tiếng Anh, nhà trường cũng ưu tiên cộng điểm cho thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như IELTS, TOEFL.

    Theo ông Bình, chương trình học ngành Y hiện đã đổi mới, không còn môn Sinh học ở bậc đại học mà thành module kết hợp. Tại Đại học Y Dược Thái Bình, module này được gọi là Khoa học cơ bản.

    "Chúng tôi tham khảo chất lượng và kết quả đào tạo ở những trường đã tuyển sinh bằng tổ hợp không có môn Sinh. Kết quả cho thấy về cơ bản không có vấn đề gì, sinh viên vẫn theo được. Bởi những em lựa chọn Y khoa với điểm chuẩn ở mức 27-28 thường có sức học tốt, có thể học đều các môn", ông Bình thông tin.

    Đại diện Đại học Y Dược Thái Bình cho rằng mở rộng tổ hợp xét tuyển cũng tạo thêm cơ hội cho thí sinh.

    Cũng trao đổi trên VnExpress, PGS.TS Phạm Đăng Diệu, thành viên Hội đồng trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho rằng đây "không phải là vấn đề lớn". Bởi môn Sinh trong chương trình THPT chỉ ở mức cơ bản, trong khi ở bậc đại học sẽ được đào tạo từ cơ bản đến chuyên sâu. Nếu thí sinh có nền tảng tư duy toán, logic tốt, có thể học tốt kiến thức Sinh học bậc cao.

    Ông Diệu ủng hộ đa dạng hóa tổ hợp tuyển sinh vào Y khoa nói riêng, khối Khoa học sức khỏe nói chung; trong đó, các trường cần chú trọng Tiếng Anh bởi sinh viên giỏi môn này có lợi thế hơn khi đọc được sách, báo khoa học nước ngoài.

    "Điều quan trọng trong tuyển sinh là phải công bằng. Các trường phải tuân thủ quy chế của bộ Giáo dục và Đào tạo. Tổ hợp tuyển sinh được công bố từ đầu và đảm bảo công khai, minh bạch", ông Diệu nói.

    Trao đổi trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Đắc Trung – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Dược – Đại học Thái Nguyên cho biết, tổ hợp tuyển sinh của ngành Y không có môn Sinh cũng không có ảnh hưởng nhiều đến việc học tập kiến thức Sinh học- Di truyền ở bậc đại học.

    Vì vậy, việc không xét điểm môn Sinh học trong tổ hợp xét tuyển cũng không đáng lo ngại. Việc mở rộng tổ hợp xét tuyển sẽ giúp thu hút được những thí sinh phù hợp và có nguyện vọng theo đuổi nghề y.

    Cũng theo thầy Trung, với các chuyên ngành trong y học, có rất nhiều tài liệu ngoại ngữ, nhiều Hội thảo/Hội nghị khoa học quốc tế đều sử dụng tiếng Anh, các công trình Khoa học được công bố trên các tạp chí danh mục ISI, Scopus đều là tiếng Anh; chuyển giao Khoa học kỹ thuật, công nghệ y học trực tiếp từ các chuyên gia nước ngoài cũng bằng tiếng Anh…

    Vì vậy, nếu không có tiếng Anh tốt sẽ rất khó lĩnh hội, tiếp cận được kiến thức, tri thức y học. Đó cũng chính là lý do bên cạnh những tổ hợp truyền thống, nhà trường bổ sung một số tổ hợp mới, trong đó có xét điểm môn tiếng Anh.

    Bên cạnh đó, trao đổi trên Infonet, thầy Đinh Đức Hiền, giảng dạy Toán - Sinh tại Hệ thống giáo dục HOCMAI (Hà Nội) khẳng định môn Sinh là cần thiết với ngành Y.

    Quan sát việc đăng ký môn thi tốt nghiệp THPT, thầy Hiền nhận thấy tổ hợp mà học sinh chọn để xét tuyển đại học là môn các em thích và làm bài tốt nhất. Do đó, nếu không chọn tổ hợp có môn Sinh để thi, nhiều khả năng các em không thích hoặc không học tốt môn này.

    "Học Y khoa không phải trong 4 năm như các ngành khác mà kéo dài sáu năm, thậm chí lâu hơn nữa. Nếu không có sẵn nền tảng Sinh học từ bậc THPT hoặc chí ít là niềm đam mê với môn này, sinh viên sẽ rất chật vật ở bậc đại học", thầy Đinh Đức Hiền nêu quan điểm.

    Theo thầy Hiền, việc mở rộng đầu vào bằng cách tăng tổ hợp xét tuyển sẽ giúp đại học dễ tuyển đủ chỉ tiêu, nhưng lâu dài khó đảm bảo chất lượng. "Việc thay đổi này chưa hẳn là tốt cho Y khoa, một ngành cần sự chọn lựa chính xác, ổn định", thầy Hiền nói.

    Cự Giải (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ky-la-nhieu-truong-dai-hoc-tuyen-sinh-nganh-y-khong-co-mon-sinh-hoc-chuyen-gia-noi-gi-a530426.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan