Người ta cho rằng phụ nữ đến kỳ kinh nguyệt sẽ mang lại vận xấu cho ngôi làng và những người dân sống trong đó. Do vậy những phụ nữ tới kỳ kinh nguyệt sẽ bị trục xuất khỏi làng.
Tại nhiều nơi ở Nepal, có một truyền thống lưu hành rộng rãi từ cổ xưa của đạo Hindu gọi là Chaupadi. Theo tập tục này, người ta cho rằng phụ nữ đến kỳ kinh nguyệt sẽ mang lại vận xấu cho ngôi làng và những người dân sống trong đó.
Vì vậy bất cứ khi nào đến kỳ kinh nguyệt, những người phụ nữ sẽ bị trục xuất ra khỏi làng mà họ đang sống. Do cổ hủ, bất cập, chính phủ Nepal đã cấm phong tục này, nhưng tại một số vùng sâu vùng xa, hủ tục này vẫn tiếp tục diễn ra.
Bà Dhana Devi, 40 tuổi là một thành viên hội phụ nữ huyện Sidi Achham cho biết: "Tôi lần đầu biết đến Chaupadi là khi 14 tuổi. Vào thời điểm thấy tôi đến kỳ đèn đỏ, mẹ nói rằng tôi buộc phải rời gia đình, ở ngoài làng 9 ngày mới được quay về. Lúc đó tôi chỉ biết khóc".
Cô gái Sawarati, 16 tuổi thì khác. Dù mới vượt cạn thành công nhưng Sawarati phải ở trong một căn phòng tối tăm để chăm sóc đứa con mới sinh 3 ngày tuổi.
Sau sinh, cô gái trẻ bị chảy máu nên phải ở lại đây nửa tháng. Việc nấu ăn trong một căn phòng bé, không có lỗ thông khí khiến con của Sawarati bị ho liên tục vì hít phải khói.
Maya, 16 tuổi cho biết: "Đây là lần đầu tiên tôi ra ngoài. Tôi cảm thấy rất khó chịu, tối tăm, ẩm thấp không thể ngủ được. Mới đầu tôi khóc suốt 3 ngày 3 đêm. Tôi rất sợ đàn ông, rắn, đã vậy còn nghe thấy tiếng đàn ông say rượu. Tôi cũng rất sợ bóng tối.
Tôi nghĩ rằng đàn ông không hiểu biết về kỳ kinh nguyệt. Nếu không thì người phụ nữ đã không bị khổ sở như thế này".
Uma, 14 tuổi, ngủ trên cỏ khô. Mẹ cô bé cho biết, Uma ban đầu không nói với người khác về việc có kinh nguyệt, bởi cô bé sợ bị đuổi đi. Tuy nhiên 3 ngày sau khi bị mọi người phát hiện vì quần áo dính máu, Uma bị phạt, buộc phải ra ngủ ở chuồng chăn gia súc.
Tula kumari thapa, 16 tuổi nghẹn ngào tâm sự: "Tôi chỉ có một tấm chăn mỏng đắp lên người. Ban đêm ngủ một mình rất lạnh. Tôi rất sợ muỗi cắn và bất kể âm thanh gì lạ cũng làm tôi run rẩy".
Lakshmi, 29 tuổi đang trên đường vào rừng, cô vừa đến kỳ nguyệt san của mình nên cũng phải di chuyển vào vùng hẻo lánh, xa ngôi làng.
Người dân nơi đây cũng tin rằng nên gả con gái đi trước khi họ có kinh lần đầu thì có thể ban phước lành cho các thành viên trong gia đình đến tận khi họ lên thiên đàng.
Anjali kumari khang 12 tuổi không khỏi đau lòng cho biết: "Tôi không hạnh phúc, tôi không muốn kết hôn, tôi muốn chồng tôi ra thành phố tìm việc, như thế tôi có thể về nhà, muốn ở nhà bao lâu cũng được".
Cô gái trẻ Tula chia sẻ với nhiếp ảnh gia: "Anh trai tôi giấu mẹ mang thức ăn cho tôi. Anh ấy mang từ một nơi rất xa tới", Tula cũng tiết lộ, thời gian này cô đã nghĩ tới chuyện bỏ học.
Jyoti Nepali, 60 tuổi có 3 cô con gái, 3 con trai và 10 đứa cháu. Ông than thở rằng: "Tôi sẽ bị bệnh, cả nhà tôi sẽ bị bệnh nếu tôi không cương quyết. Đó là lí do tôi phải đẩy chúng ra ngoài, Chaupadi là truyền thống của làng này, sẽ không bao giờ ngừng lại".
Trên thực tế, phụ nữ sống ở bên ngoài bìa rừng rất dễ bị động vật hoang dã tấn công, bao gồm các loài rắn độc. Có nhiều cô gái trong lúc bị đuổi đi đã bị rắn độc cắn chết.
Trong rừng cũng thường có đám cháy. Vào những đêm mùa hè rất dễ phát sinh hỏa hoạn và đôi khi phụ nữ đang đến kỳ kinh nguyệt, bị đuổi ra khỏi làng cũng bị chết cháy khi đang ngủ.
Saraswati nằm trên cáng, vì điều kiện vật chất thiếu thốn lại bị đẩy ra ở ngoài nên sau sinh, người mẹ trẻ liên tục sốt cao, hôn mê. Những người khác nói cô bị tâm thần, họ cũng cho biết rất nhiều phụ nữ ở đây sẽ mắc bệnh tâm thần.
Saraswati đặt dao bên cạnh đứa con mới đẻ 4 ngày của mình, cô lo lắng sẽ có người hoặc động vật tới đe dọa hai mẹ con cô.
Theo Dân Việt