(ĐSPL) - Thuở bé cô không hề hay biết từ lúc mẹ và người đó kết hôn, cô cũng là một phần trong cuộc hôn nhân của họ.
Mẹ và con gái cưới chung một chồng
Sau khi chồng cũ qua đời, bà Mittamoni tái hôn với anh Noten. Sau đó, con gái của bà cũng chính thức trở thành vợ anh ta. Ở Bangladesh, việc mẹ con chung chồng là điều không quá lạ, đây là một hủ tục của bộ tộc Matrilineal Mandi.
Orola Dalbot đã luôn ngưỡng mộ bố dượng - người đàn ông kết hôn với mẹ cô khi cô mới chỉ 3 tuổi. Ngày bé, cô thầm ước lớn lên có thể yêu và cưới một người đẹp trai, tốt bụng giống bố dượng. Thuở đó cô không hề hay biết từ lúc mẹ và người đó kết hôn, cô cũng là một phần trong cuộc hôn nhân của họ. Mãi đến khi trở thành thiếu nữ, cô mới vỡ lẽ không chỉ mẹ mà cả mình cũng là vợ của Noten.
Khi bà Mittamoni quyết định đi bước nữa với anh Noten thì con gái Orola của bà cũng chính thức được công nhận là vợ của anh ta. Tục lệ quái đản đó đã được duy trì lâu đời bởi tộc người Mandi ở Bangladesh. Tục lệ này quy định người phụ nữ nào muốn tái giá thì phải cưới một người đàn ông ngay trong bộ tộc của mình. Tuy nhiên phần lớn đàn ông Mandi chưa kết hôn đều là trai trẻ, vì vậy nếu muốn tái hôn với một trong số họ, bà mẹ phải gả cả con gái cho anh ta, như một phần quà bù đắp.
Orola, giờ đã 30 tuổi, trả lời phỏng vấn tờ The Guardian rằng, lúc được biết sự thật đau lòng đó, ban đầu cô đã rất kinh hãi: “Tôi không hề mong muốn cưới bố dượng Noten. Tôi cần một người chồng của riêng mình, chứ không phải là chia sẻ với mẹ”.
Mặc dù đây là một phong tục truyền thống trong cộng đồng của Orola, người ta ngại nói về nó một cách công khai, khiến tình trạng của những người trong cuộc càng trở nên trớ trêu. Dưới cùng một mái nhà, cuộc sống thật không dễ chịu chút nào khi mẹ và con gái chung chồng. “Tôi ngày càng căng thẳng khi Noten ngủ cùng tôi. Mẹ tôi biết đó là điều không thể tránh khỏi nên đã đẩy tôi vào giường anh ấy khi tôi mới chỉ 15 tuổi để hoàn tất đám cưới tay ba mà mẹ đã chấp nhận. Sau đó Noten tỏ ra thích tôi hơn mẹ tôi” - người phụ nữ 30 tuổi kể lại.
Orola đã có ba đứa con cùng bố dượng. Cô cũng tâm sự, mối quan hệ rắc rối này đã thay đổi tình cảm mẹ con, giữa họ dần xuất hiện sự ganh tị.
Tuy nhiên bà Mittamoni cho rằng cuộc hôn nhân này cần thiết cho sự sinh tồn của gia đình. Trong nhà cần phải có một người đàn ông trụ cột, để giúp hai mẹ con gieo trồng, thu hoạch nông sản, mang lại thu nhập cho gia đình.
Hiện nay nhiều người đang lên tiếng kêu gọi bãi bỏ tập tục cổ hủ này.
Mẹ con cô Orola và người chồng chung. |
Luật ta: Không chỉ vi phạm đạo đức mà còn có thể bị xử lý hình sự
Nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình của Việt
Chiếu theo quy định trên thì việc cả hai mẹ con cô Orola cùng chung sống như vợ chồng với anh Noten là phạm pháp. Tùy theo mức độ vi phạm, những người trong cuộc có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Việc kết hôn giữa người đã từng là cha mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng (Khoản 1, Điều 48 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình...).
Việc anh Noten lấy con gái riêng của vợ và việc cô Orola lấy bố dượng không chỉ gây ra cảnh trớ trêu (hai mẹ con chung chồng), vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục mà còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 147 về tội Vi phạm chế độ một vợ một chồng. Mức phạt cao nhất của tội này có thể lên tới 3 năm tù giam.
K.NGÂN