(ĐSPL) - Nhiều dự án treo tại Hà Nội, Sài thành cả chục năm liền không nhúc nhích, không rõ triển khai tiếp hay dừng khiến người dân trong quy hoạch rơi vào cảnh “sống treo” khổ sở. Trong khi đó, nhiều kẻ hưởng lợi từ việc xé nhỏ dự án để cho thuê. Theo các chuyên gia bất động sản, cần mạnh tay với các dự án treo, nhưng cũng cần thiết đổi mới, cải cách thủ tục hành chính đê tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện đúng quy định.
Kỷ lục dự án “treo” 46 năm
Một trong những dự án treo khiến người dân khổ sở nhất giữa Thủ đô là dự án công viên Tuổi trẻ. Dự án này đã treo đến 46 năm khiến hàng ngàn người dân sống trong quy hoạch lâm cảnh sống dở, chết dở. Được biết, quy hoạch dự án công viên Tuổi trẻ được lập từ năm 1970 của thế kỷ trước, nhưng mới triển khai giai đoạn một với 12ha ở phía Đông Nam, khu vực giáp đường Võ Thị Sáu và phố Thanh Nhàn. Còn khu vực phía Tây Bắc, giáp đường Trần Khát Chân nằm trong khu vực quy hoạch xây dựng công viên giai đoạn hai mở rộng lên đến 26ha thì vẫn chưa có tiến độ triển khai cụ thể.
Theo ghi nhận của PV báo ĐS&PL, tại khu dân cư số 4 (phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội) nằm trong dự án treo, nhiều gia đình có từ 6-10 người phải sống chen chúc trong nhà chỉ từ 10 đến 15m2. Họ phải chịu đựng sự bất tiện mà dự án treo mang lại. Như gia đình ông Nguyễn Văn Xuân (73 tuổi), cả ba thế hệ vẫn “chui ra chui vào” căn nhà cấp 4 chỉ vỏn vẹn có 12m2. Quá chật hẹp lại không được cải tạo nên nhà ông Xuân không có bếp, nhà vệ sinh cũng không.
Người dân nơi đây phản ánh, vì sống trong vùng quy hoạch, dự án treo nên 800 hộ dân tại đây cũng đang phải “sống treo” theo dự án. Bởi vậy, hơn ai hết, họ mong muốn câu trả lời từ các cơ quan chức năng “đi hay ở” để được sớm ổn định cuộc sống. Người dân ở đây còn ví cuộc sống trong vùng treo là cuộc sống 4 không: Có nha mà không được cấp sổ đỏ; Không được xây, sửa nhà; Không được tách hộ khẩu; Không được nhập hộ khẩu.
Nói chuyện với PV, ông Nguyễn Hữu Căn, khu dân cư số 4 ngán ngẩm: “Gần một ngàn hộ dân chúng tôi đã nhiều lần gửi đơn đến các cơ quan chức năng của thành phố nêu nguyện vọng và cần một câu tra lời để người dân ổn định cuộc sống. Trường hợp tiếp tục làm dự án công viên Tuổi trẻ giai đoạn 2 thì trả lời cho người dân bao giờ thu hồi đất, bao giờ giải phóng mặt bằng, bao giờ chuyển người dân đi tái định cư để chúng tôi còn ổn định cuộc sống. Còn nếu không triển khai thì chính quyền cho chúng tôi sửa sang, xây lại nhà, cấp sổ đỏ cho hộ dân. Vậy mà những câu hỏi này suốt bao nhiêu năm qua không cơ quan nào trả lời”.
Cũng theo ông Căn, vì lỡ nằm trong vùng quy hoạch đã có quyết định thu hồi đất và vì quy hoạch vẫn treo không triển khai nên người dân có đất mà mất các quyền sở hữu, quyền xây dựng đến tận bây giờ. Các cấp cũng lấy ý kiến nguyện vọng, phát phiếu điều tra đối với người dân, nhưng cũng chưa có văn bản nào nói rõ dư án có tiếp tục hay dừng nên cảnh người dân sống treo vẫn tiếp diễn.
Được biết, khu dân cư số 4 phường Thanh Nhàn bị đưa vào vùng quy hoạch công viên Tuổi trẻ từ những năm 1970 của thế kỷ trước. Đến năm 2000, Hà Nội có tiếp quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 dự án công viên Tuổi trẻ. Tuy nhiên, từ đó đến nay dự án này không triển khai làm thêm công trình nào. Điều đáng nói, người dân thì khốn khổ như vậy, trong khi đó không ít người được hưởng lợi từ việc “băm nát” cả ha đất quy hoạch vườn hoa, cây xanh trong dự án này lại đang sử dụng sai mục đích cho các hàng quán vô tư mọc lên.
Không chỉ dự án công viên Tuổi trẻ gây bức xúc trong nhân dân mà một số dự án quy hoạch công viên, khu cây xanh tại Hà Nội cũng đang rơi vào tình trạng treo không thời hạn như dự án công viên Cầu Giấy, dự án công viên hồ điều hòa Nhân Chính.
Công viên Cầu Giấy là dự án xây dựng hồ điều hòa và khu công viên trung tâm trên diện tích rộng 71ha, tiếp giáp với mặt đường Phạm Hùng, giao cắt giữa quận Cầu Giấy và quận Nam Từ Liêm. Tuy nhiên, dự án này đã triển khai thực hiện từ chục năm, nhưng vẫn nằm trên giấy. Do diện tích lớn và bị bỏ hoang nhiều năm nên tình trạng bảo kê cho lấn chiếm khu quy hoạch làm nơi kinh doanh, nơi ở, thậm chí là đổ trộm rác thải, phế thải xây dựng. Đáng nói dự án này còn xuất hiện việc bảo kê, “thu tô” đối với những xe chở phế thải xây dựng. Hiện, tại dự án này phế thải xây dựng đã chất đống cao bằng tòa nhà 5 tầng, cùng với đó là sự xuất hiện của tệ nạn xã hội. Và câu chuyện đặt ra, khi dự án này đi vào triển khai sẽ phải dùng một lượng ngân sách lớn để chuyển hết hàng núi phế thải xây dựng này ra ngoài.
Dự án công viên Cầu Giấy để “treo” cả chục năm trở thành nơi đổ phế thải xây dựng. Ảnh: Dân trí. |
Mạnh tay với dự án treo có ảnh hưởng đến quyền lợi?
Sau khi báo ĐS&PL khởi đăng loạt bài về các “siêu” dự án treo này đã nhận được rất nhiều ý kiến của người dân và các chuyên gia. Đa số ý kiến đều thể hiện bức xúc trước sự lãng phí của các dự án. Trong khi chủ đầu tư đang loay hoay với các dự án trên giấy thì ruộng đất bỏ hoang, người dân không thể sản xuất.
Trao đổi với PV báo ĐS&PL về các “siêu” dự án treo, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng: “Có thể chỉ ra 3 nguyên nhân chính dẫn đến những dự án treo. Thứ nhất, thủ tục hành chính của nước ta còn rườm rà. Thứ hai, phụ thuộc vào thị trường bất động sản đóng băng. Nguyên nhân nữa đó là năng lực của chủ đầu tư kém. Bên cạnh đó, cũng cần phải nhìn nhận thẳng thắn, vấn đề thủ tục hành chính là trở ngại lớn nhất khiến không ít dự án phải trùm mền, đắp chiếu. Trung bình một dự án phải mất khoảng 3 năm mới hoàn thiện được thủ tục hành chính. Bởi có thủ tục hành chính liên quan đến một dự án ở nước ta quá rườm rà”.
Trao đổi với PV về dự án treo, một luật sư chuyên tư vấn cho các nhà đầu tư, xin được ẩn tên, tiết lộ: Muốn dự án treo không còn “đất sống” thì phải chỉ ra và xử lý người “chống lưng” cho nó tồn tại. Bởi, rất nhiều dự án treo nhiều chục năm, thậm chí gần nửa thế kỷ, ảnh hưởng đến đời sống người dân, đến nay vẫn không được giải quyết? Vì sao lại như vậy? Hàng năm, các thành phố lớn đều có quy hoạch, sao vẫn để lọt những dự án treo lớn đến mức khó hiểu như vậy? Vị này cũng chỉ rõ, ngoài các vấn đề nêu trên, năng lực chủ đầu tư sẽ quyết định tiến độ dự án nhanh hay chậm. Ở Việt Nam, chủ đầu tư có năng lực chỉ khoảng trên dưới con số 10. Tuy nhiên, lại có rất nhiều chủ đầu tư ở mức trung bình, vốn nhỏ lại triển khai dự án lớn đến hàng ngàn tỉ đồng. Còn nguồn vốn huy động làm dự án chủ yếu từ tín dụng ngân hàng. Trong khi đó, việc vay vốn tín dụng từ tín dụng ngân hàng ngày càng thắt chặt. Chính vì vậy, mà không ít dự án mới quây tôn, hoặc đang xây dang dở phải dừng.
Trong khi đó, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường thì nêu ý kiến: “Giao đất cho các dự án đầu tư tại Việt Nam là quá trình giao đất cho nhà đầu tư đã được chỉ định. Mà đã được chỉ định lại là câu chuyện riêng giữa chủ đầu tư và UBND cấp tỉnh/thành phố. Đó là mối quan hệ tay đôi mà chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật. Bởi vậy, cần phải thay đổi vấn đề đó”.
Thu hồi trả lại đất cho nhân dân canh tác Chủ tịch hội Nông dân TP.Hà Nội Trịnh Thế Khiết nêu quan điểm: “Đối với các dự án treo, chậm triển khai theo kiểu “xí phần” chiếm đất đề nghị các cơ quan chức năng cần rà soát, phân loại, phát hiện dự án nào sai phạm đề nghị tiến hành xử lý theo luật Đất đai hiện hành. Đất thuộc các dự án “treo” nhân dân kiến nghị thu hồi theo luật và tiến hành trả lại cho Nhà nước, cho người dân bị thu hồi đất trước đó. Thành phố Hà Nội hiện cũng đang làm việc này, tuy nhiên việc thực hiện phải quyết liệt, xử lý triệt để, tránh tình trạng rà soát, báo cáo xong rồi để đó”. |
VŨ PHƯƠNG
[mecloud]j6M62i6Jtp[/mecloud]
Dự
án công viên Cầu Giấy để “treo” cả chục năm trở thành nơi đổ phế thải xây dựng.