+Aa-
    Zalo

    Kỳ 6: Mất “phao cứu sinh”, công chức cá độ tìm dây... treo cổ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - "Độ bóng", đánh vài "con lô, đề", chơi vài ván phỏm ngày nghỉ, thua vài ba trăm nghìn, triệu đồng không còn lạ trong giới công chức.

    (ĐSPL) - Cờ bạc đã làm cho hai từ "công chức" của họ bị hoen ố đến mức phải tự nghỉ việc, bỏ trốn khỏi địa phương. Có trường hợp, vì không còn lối thoát, đã tự tử nhưng được gia đình phát hiện, cứu chữa kịp thời.
    Bài 1:  Cái chết thê lương và chuyện các “trùm bóng” tự "cắt cổ" lẫn nhau
    Bài 2: Bao nhiêu "con thiêu thân" đã dính "tà thuật" nhà cái?
    Bài 3: Bí mật "lính đánh thuê" và chuyện dân cá độ "lên núi, ra đảo"
    Bài 4:  Hậu World Cup, từ giấc mộng đổi đời đến chiếc còng số 8
    Bài 5: Những nhà "bóng đá học" tự "chết" sau mùa World Cup
    "Độ bóng", đánh vài "con lô, đề", chơi vài ván phỏm ngày nghỉ, thua vài ba trăm nghìn, triệu đồng không còn lạ trong giới công chức. Thế nhưng, thua và thắng ngần đó tiền, không ảnh hưởng tới đời sống của họ. Họ coi đó là "gia vị" của cuộc sống. Một số công chức thì lại không coi đó là "gia vị" mà cho rằng, nó là mục đích sống. Vậy là, cờ bạc đã làm cho hai từ công chức của họ bị hoen ố đến mức phải tự nghỉ việc, bỏ trốn khỏi địa phương. Có trường hợp, vì không còn lối thoát, đã tự tử nhưng được gia đình phát hiện, cứu chữa kịp thời.
    Nghỉ việc, bỏ trốn khi World Cup mới đến trận bán kết
    Hợp sinh năm 1980, trong một gia đình có bố làm ruộng, mẹ là giáo viên ở B.N.. Học đại học Tài chính, chuyên ngành Ngân hàng, Hợp được dì ruột xin cho làm ở ngân hàng gần nhà, cùng với dì. Vài năm đầu, Hợp làm ăn chăm chỉ, mua được ô tô; cuộc sống gia đình ấm cúng, mẹ Hợp cũng hãnh diện về con. Thế nhưng, từ năm 2012 trở đi, Hợp luôn trong trạng thái thiếu, thậm chí thèm tiền.
    Kỳ 6: Mất “phao cứu sinh”, công chức cá độ tìm dây... treo cổ
    Không ít công chức tự tử vì "dính" vào cá độ
    Trước đó, tháng nào, Hợp cũng gửi mẹ được vài triệu đồng. Số tiền gửi đã lấy hết, thậm chí Hợp còn xin thêm. Mẹ hỏi, Hợp bảo cần tiền đầu tư với bạn mở cửa hàng cầm đồ; rồi thì có người đáo hạn, cho vay vài hôm. Đỉnh điểm là Hợp phải bán ô tô để trả nợ "dân xã hội" tiền "độ bóng". Năm 2012, mùa EURO, Hợp "chết" với "dân xã hội" khoảng 5 tỉ đồng. Mẹ, dì và người thân phải dùng đủ mọi cách, từ uy tín đến bán đất, vàng, đồ dùng giá trị để thanh toán nợ cho Hợp, nếu không sẽ bị đuổi việc, bị "dân xã hội" truy lùng đến mức sợ không dám hé mặt ra khỏi nhà. Tưởng sau lần "chết đi, sống lại" ấy, Hợp tu tỉnh, vun vén, chịu khó làm để trả tiền vay, không ngờ, Hợp vẫn chứng nào tật ấy.
    Cuối năm 2013, dì ruột qua đời vì bệnh ung thư, cái "phao cứu sinh" duy nhất của Hợp đã không còn, trong khi, Hợp còn khoản nợ hơn 900 triệu đồng "độ bóng" của giải ngoại hạng Anh. Biết Hợp làm ở ngân hàng, hết"cò" rồi thì chủ cửa hàng cầm đồ, chủ trang thi nhau "tiếp thị" để kéo Hợp về đánh ở "trang bóng" của mình. Nhiều "cửa" để chơi, Hợp càng cố "thả" để gỡ nhưng cuối cùng, càng "thả", Hợp càng thua nặng. Tiền lãi "dân xã hội" cộng lại cứ sau 5 ngày cao ngất ngưởng, tăng vùn vụt (7.000 đồng/triệu/ngày; 5 ngày không trả lãi, tính lãi 5 ngày đó vào gốc và lại cộng lãi tiếp) làm cho đầu óc của Hợp lúc nào cũng ngỡ, mình đang đi trên dây thừng, trong khi là đang đứng yên ở mặt đất.
    Không còn chỗ để "xoay" (vay tiền), Hợp liền nhờ đến danh người dì đã khuất để vay nóng vài đồng nghiệp. Thế nhưng, họ cũng chỉ cho vay được chút ít (số tiền mà họ dành dụm được trong tháng, sau chi tiêu gia đình) so với khoản tiền lớn mà Hợp cần để trả nợ. Kế sách cuối cùng, Hợp nại ra đủ lý do nhà dì cần tiền, làm một hợp đồng xin vay tiền theo khế ước tiêu dùng cá nhân. Số tiền Hợp vay được là hơn 200 triệu đồng, chỉ đủ trả tiền lãi và tiền độ bóng cho hai trận tứ kết. Trận tứ kết thứ ba, Hợp được "dân xã hội bơm tiền" "mái thoải" để "độ" nhưng Hợp đã biết sợ và chỉ "thả" chừng mực với số tiền 90 triệu đồng/trận. Trận này, Hợp thắng, lời ra được gần trăm triệu đồng. Tưởng mình đang "vào cầu", Hợp đề nghị với "dân xã hội", xin trả lãi, còn gốc và tiền lời để "thả" vào trận tứ kết cuối. Thấy Hợp "say", "dân xã hội" chẳng lý do gì mà "giảm nhiệt cơn say" nên còn khuyến khích và "bơm tiếp tiền" cho Hợp "độ" lớn để gỡ, để lấy lại những gì đã mất. Nghe lời phỉnh, lại cũng "tín" khi được một người vô tình phán rằng, "tháng này cậu nhiều lộc", thế là Hợp vay thêm và "độ". Trận tứ kết cuối cùng kết thúc, dân mạng ảo thấy Hợp treo cái dây thừng thòng lọng đen sì trên status của facebook với dòng chữ: "Con xin lỗi đã làm cả nhà khổ. Bây giờ, mọi người sẽ hết khổ vì con!".
    Kỳ 8: Mất “phao cứu sinh” công chức cá độ tìm dây... treo cổ
    Bố của Hợp (một cựu cán bộ ngân hàng mê cá độ) đang bày tỏ nỗi niềm với PV.
    Cha không “ăn mặn”, con vẫn "khát nước"
    Mẹ Lợi "công tử" buồn bã nói chuyện với tôi khi đang chăm con ở BVBM: "Tôi vẫn cho rằng, nó ham sống, không nghĩ quẩn nhưng không ngờ nó tự tử thật cô à! Nó uống đến hơn 20 viên thuốc ngủ. Lúc nó xin tiền để trả nợ, tôi nhất quyết không cho, bảo rằng, tự làm tự trả. Nó bảo, cho con xin lần này nữa thôi, không có tiền trả nợ, con chết mất. Tôi còn mắng, chết được thì đã chết lâu rồi, còn hơn làm khổ mẹ thế này...".
    Tôi không bất ngờ về Lợi với biệt danh công tử. Lợi con một vị chức sắc ở tỉnh. 8X nhưng Lợi học đại học dân lập. Chính vì thế mà đồng nghiệp nhìn Lợi với cái nhìn thiếu thiện cảm ngụ ý: "Không có cha, mày còn lâu mà bằng chúng tao". Sự nuông chiều quá mức của cha mẹ đã biến Lợi thành một công chức "độ bóng" có tiếng ở địa phương. Chẳng có chuyên môn, liên tục đi học lớp bồi dưỡng này, lớp chính trị kia nên Lợi đã lên tới phó phòng ở một sở. Theo nhiều nguồn tin, trước khi tự tử không thành, Lợi đã có quyết định lên làm phó chánh văn phòng ủy ban tỉnh, chức vụ này tương đương với phó ngành của địa phương. Người ta không ngạc nhiên khi Lợi liên tục "nhảy" từ cơ quan này sang cơ quan khác và làm ở những vị trí có cơ hội kiếm được nhiều tiền.
    Chủ trang "độ bóng" tên Cương tiết lộ: "Lợi "công tử" là khách ruột của trang. Lợi "nghiện độ" đến mức, giải nào cũng "độ" chứ không riêng các giải nổi tiếng thế giới, châu Âu. Giải C1 châu Á, Lợi cũng "độ", làm cho chính Cương cứ "mắt tròn, mắt dẹt". Lợi không dùng tài khoản, cũng không cầm đồ mà đã "độ" là "xuống tiền mặt" ngay lập tức. Đợt World Cup vừa qua, Lợi "công tử" đứng đầu bảng "chết độ" với những trận độ bằng 1/3 "con" Venza đời mới của hãng ô tô Toyota của Nhật, trị giá khoảng hơn 4 tỉ đồng. Lợi đã "độ" là không run tay và mặt lúc nào cũng lạnh, dù thua hay được. Trước đó, năm 2013, Lợi "công tử" vào "cầu", được cả chục tỉ đồng. Song, nó cũng đi đâu hết, đến mùa World Cup, Lợi phải "vá víu" nhiều chỗ để lấy tiền "độ". Cứ nghĩ "cầu đỏ" của mình vẫn còn, Lợi "xuống tay" rất mạnh. Hết đồ của mình, Lợi mượn bạn xe ô tô, cầm đồ lấy tiền "độ", sau đó lại "xoay" tiền để "nhổ" xe ra.
    Cương kể: "Thằng Tiến "béo" vớ bở hơn cả chủ trang "độ bóng". Nó cho Lợi "công tử" vay nóng, nó "ngồi mát, ăn bát vàng" cả tỉ đồng trong tháng World Cup. Biết gia đình Lợi "công tử" giàu có nên Lợi "hô" bao nhiêu, Tiến "cấp" ngay bấy nhiêu. Với Lợi, Tiến không cần giấy tờ, chỉ một cuộc điện thoại là xong. Thực tế, Tiến không hề đòi Lợi, nhưng có thể, Lợi gây áp lực với gia đình để xin tiền trả nợ. Hiện tại, cả gốc lẫn lãi, Lợi nợ Tiến "béo" khoảng 6 tỉ đồng và một số chủ khác với tổng số khoảng 10 tỉ đồng. Nghe tin Lợi tự tử, Tiến "béo" giật mình nhưng khi biết Lợi đã được cứu sống, Tiến thở phào nhẹ nhõm. Giấy báo nợ liên tiếp được các chủ gửi về cho bố Lợi. ông này điềm tĩnh đến mức khó hiểu và hứa sẽ bảo vợ giải quyết ổn thoả sau khi con trai ra viện. Ông ta cũng cảnh báo, cấm cho Lợi vay tiền tiếp theo...".                            
    Cha Hợp tâm sự: "Tôi và mẹ nó chia tay nhau từ lúc nó 10 tuổi. Chúng tôi vì hết duyên vợ chồng nên chia tay chứ cũng không có mâu thuẫn hay cãi cọ gì. Mẹ nó cũng rất vất vả vì nó. Tôi lập gia đình mới, không giúp gì được bà ấy nhưng vẫn quan tâm, giúp đỡ con khi nó cần. Mấy năm trước, nó mua ô tô, đến khoe, tôi cũng cho vài chục triệu đồng. Nó còn nói, bố để đấy mà dưỡng già, con còn trẻ, con tự lo được cho bản thân. Tôi sung sướng lắm, giờ không ngờ ra cơ sự này. Khi người ta đến đòi tiền lần đầu tiên, tôi biết chuyện, đến đưa cho bà ấy được vài chục triệu đồng và nói: "Tôi cho bà chứ không cho con tiền đánh bạc. Bà đừng trả tiền cho nó, vì trả lần này, sẽ có lần khác. Nó trưởng thành rồi, tự lo được cho bản thân…". Bà ấy không nghe, thương con, sợ "dân xã hội" đánh con "đui què, mẻ sứt". Bà ấy buồn nhất, nó đã xác định là nghỉ việc nên mới ngập trong chơi bời, nợ nần như thế".
    Kỳ tới: Thê thảm phận cò con của chủ trang "độ" lẻ...

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ky-6-mat-phao-cuu-sinh-cong-chuc-ca-do-tim-day-treo-co-a44406.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan