(ĐSPL) - Vì hy vọng cho một cuộc "đổi đời" về nơi ở, nhiều người dân đã dốc toàn bộ "hầu bao" cho chủ đầu tư thực hiện dự án. Thế nhưng, đáp lại sự kỳ vọng là những chiêu thức gian dối, khó chấp nhận của những ông chủ địa ốc mang tên... "bánh vẽ".
Tiền thì đã chi, các "thượng đế" giờ chỉ còn biết "ngậm bồ hòn" trước bãi đất hoang hay những cọc sắt hoen gỉ, để hy vọng một cơ hội được... "hồi tiền".
"Đất vàng" nằm... "đắp chiếu"
Có rất nhiều cái tên để điểm mặt, nhưng không thể không nhắc đến "đại" dự án "treo" nằm ở vị trí "đất vàng" là số 16 Láng Hạ (phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội). Ban đầu, dự án này được giới thiệu hoành tráng là văn phòng, biệt thự và căn hộ cho thuê đầy chất hiện đại, sẽ đem lại sự "văn minh" mới cho khu vực, do Công ty TNHH phát triển Phương Đông làm chủ đầu tư. Thế nhưng, dù khởi công vào cuối tháng 6/2011 và dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2013, nhưng đến nay, ngay cả phần móng của dự án vẫn còn dang dở.
Dự án 16 Láng Hạ vẫn lặng lẽ "chôn" tiền của người dân. |
Cùng chung số phận, khởi công từ năm 2009, dự định hoàn thành vào cuối năm 2013, thế nhưng, mới xây thô đến tầng 7, dự án Thăng Long Mansion đã "đắp chiếu" mà không hẹn ngày tái khởi động. Dự án Thăng Long Mansion (số 21 Lê Đức Thọ, Bắc Từ Liêm) từng được chủ đầu tư - Công ty cổ phần đầu tư phát triển đô thị Thăng Long, giới thiệu là một tổ hợp bao gồm 5 tòa nhà với 2 tòa văn phòng cho thuê 17 tầng, 1 văn phòng cho thuê 21 tầng bên cạnh 2 tòa tháp chung cư cao cấp 30 tầng.
Thời điểm khởi công, chủ đầu tư không ngớt lời giới thiệu, dự án được thiết kế theo phong cách kiến trúc hiện đại, với sự bố trí hợp lý giữa các khoảng không gian tiếp nối giữa các sảnh văn phòng, nhà ở, siêu thị..., khuôn viên cây xanh và khu vui chơi, giải trí, thể thao trong và ngoài nhà. Với một phong cách kiến trúc độc đáo kết hợp với các tiện nghi cao cấp tạo cho dự án một sức hấp dẫn khác biệt, hứa hẹn trở thành một trong những điểm đến được quan tâm bậc nhất của Thủ đô. Thế nhưng, sau gần 5 năm thi công, dự án tổ hợp văn phòng, căn hộ Thăng Long Mansion mới xây đến tầng 7 (có tòa mới xây đến tầng 3), rồi... "đắp chiếu".
Theo tìm hiểu của PV báo Đời sống và Pháp luật, mặc dù dự án đang dang dở dưới nắng mưa, biến thành... bãi trông, rửa xe bất đắc dĩ nhưng trước đó, nhiều đơn vị môi giới quảng cáo rao bán với giá cao ngất ngưởng 34 - 37 triệu đồng/m2, cao hơn trên 10 triệu đồng/m2 so với những dự án đồng hạng cùng khu vực. Nhưng, vào đúng thời điểm BĐS bắt đầu "lao dốc", giá cao khiến dự án đã chìm nghỉm.
"Thượng đế" ăn... "quả đắng"!
Số phận thăng trầm hơn phải kể đến dự án Hà Nội Times Tower (khu Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội) do CTCP Kinh doanh dịch vụ cao cấp Dầu khí (PVR) làm chủ đầu tư, khi hàng trăm người mua nhà ở dự án này phải bức xúc ra quyết định, không tiếp tục đóng tiền. Nỗi bực tức của người dân hoàn toàn có căn cứ khi dự án này được khởi công xây dựng vào quý IV/2010 và sẽ dự kiến hoàn thành vào quý IV/2013. Tuy nhiên, tất cả chỉ là "bánh vẽ".
Những "sóng gió" với dự án Hà Nội Times Tower tạm lắng xuống khi cuối năm 2012 tập đoàn Đại Dương (OGC) mua vào một lượng lớn cổ phần của PVR và trở thành cổ đông chi phối tại doanh nghiệp này. Ngay sau khi nắm giữ tỉ lệ gần 20\% tại PVR, đại diện OGC cho biết: Tập đoàn sẽ tham gia điều hành sâu hơn vào doanh nghiệp, để cải thiện hiệu quả hoạt động của PVR. Sau đó, chủ đầu tư đã tái khởi động lại dự án. Một phần "yêu sách" của khách hàng mua nhà tại Hà Nội Times Tower cũng đã được đáp ứng khi chủ đầu tư chấp nhận giảm giá bán từ 22,5 triệu đồng/m2 xuống còn 18,5 triệu đồng/m2. Dự án cũng đã được chủ đầu tư gia hạn tiến độ đến quý 4/2014.
Thế nhưng, từ thời điểm đó đến nay, dự án mới chỉ triển khai được phần hầm công trình và vài tầng, sau đó đã ngừng thi công. Trong khi đó, hiện tại OGC đang tìm cách thoái vốn tại PVR. Hiện tại dự án Hà Nội Times Tower vẫn đang "nằm im bất động" phơi sương phơi nắng nhiều tháng nay.
Cách đó chừng nửa giờ xe chạy, tổ hợp Bright City do công ty AZLand làm chủ đầu tư, tọa lạc trên khu đất có diện tích 15.493m2, mặt tiền Quốc lộ 32 (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội) cũng thảm hại không kém phần. Theo thiết kế, dự án bao gồm 4 tòa nhà cao 35 tầng. Chức năng dịch vụ, thương mại, siêu thị từ tầng 1 đến tầng 6, căn hộ hiện đại để ở được bố trí từ tầng 7 trở lên. Theo giới thiệu ban đầu của chủ đầu tư, dự án có tổng số vốn lên tới 1.800 tỉ đồng. Sau khi hoàn thành, dự kiến khoảng 1.360 căn hộ theo tiêu chuẩn thiết kế sẽ được cung cấp cho thị trường nhà ở Hà Nội. Cùng với vị trí giao thông tiện lợi và thiết kế với nhiều nét đặc trưng, khác biệt đi kèm nhiều tiện ích vượt trội, Bright City sẽ là "Thành phố ánh sáng" cho mọi gia đình tìm kiếm một nơi an cư lý tưởng.
Theo dữ liệu mà PV bản báo thu thập được, tổ hợp dự án căn hộ cao cấp này từng được nhiều khách hàng đặt cọc hàng trăm triệu đồng để mua nhà. Theo công bố ban đầu, dự án được khởi công vào ngày 12/3/2011 và dự kiến hoàn thành trong năm 2012. Thế nhưng, đã quá hạn bàn giao nhà nhiều năm, tổ hợp này vẫn chỉ là bãi đất trống với nhiều máy móc, sắt thép han rỉ. Để tiếp tục triển khai dự án, mới đây chủ đầu tư đã phải xin điều chỉnh từ dự án thương mại sang nhà ở xã hội để được tiếp cận gói tín dụng 30.000 tỉ đồng. Song, việc chuyển đổi lại vấp phải sự phản ứng của nhiều khách hàng đã mua nhà tại đây, khiến tương lai dự án này càng trở nên mù mịt.
Theo phản ánh của các khách hàng, việc chuyển đổi sang nhà ở xã hội sẽ khiến khách hàng chịu rất nhiều bất lợi. Trước tiên, giá thành nhà ở thương mại và nhà ở xã hội khác nhau, sẽ khiến những người mua trước gặp nhiều thiệt thòi. Nhưng quan trọng hơn, khi chuyển đổi diện tích căn hộ sẽ bị khống chế, một số tiện ích bị cắt giảm, dịch vụ cũng sẽ không còn như trước... Trước sự bức xúc của khách hàng, mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội phải có văn bản thông báo với chủ đầu tư tạm dừng việc xem xét chuyển đổi, khi nào chủ đầu tư thỏa thuận xong với khách hàng và đủ điều kiện sẽ xem xét tiếp.
Chưa biết sự thương lượng giữa chủ đầu tư và khách hàng sẽ đi đến đâu, nhưng theo ghi nhận của PV, trên thực tế nhìn từ ngoài vào thì thấy công trình mới đổ xong phần móng, mặc dù đã khởi công rất lâu và đã bán cho người dân với mức tiền đặt cọc 200-400 triệu đồng/căn. Tiếp tục "tham quan" bên trong, PV nhận thấy công trình đã xuống cấp, sắt thép hoen rỉ, nước ngập ở cửa vào. Theo như lời của người dân sống gần đó, thì có khoảng 20 công nhân làm việc và làm cả đêm(?!) gây ra nhiều tiếng ồn. Nhưng ban ngày, khi phóng viên đến thì không thấy ai làm việc.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, việc dự án không được thực hiện đúng theo cam kết cho thấy có sự bất ổn về năng lực của chủ đầu tư. Tuy nhiên, khách hàng lúc này đứng trước hai sự lựa chọn, một là đòi lại số tiền đã đóng, hai là chấp nhận tiếp tục mạo hiểm chờ nhà. Thế nhưng, có những dự án, muốn đòi lại tiền "đặt cọc" cũng không phải dễ, lúc này, khách hàng chỉ còn biết chờ đợi một "phép màu" sẽ đến với dự án họ trót "gửi phận", hoặc sẽ mất tất cả nếu ông chủ dự án... phá sản. Vì thế, không khó hiểu cho chuyện, ít khi người ta thấy khách hàng làm đơn "tố cáo" chủ đầu tư lừa đảo.
Nếu tòa án kết tội người đứng đầu dự án như trường hợp bà Châu Thị Thu Nga phạm tội lừa đảo, thì ngoài hình phạt tù, bị cáo phải trả lại tài sản cho người bị hại. Biện pháp để buộc bị cáo trả lại tiền cho người bị hại được quy định tại Điều 41, Bộ luật Hình sự là "tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm" và "đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp". Như vậy, theo quy định của pháp luật, người bị hại sẽ được hoàn trả số tiền bị chiếm đoạt. Tuy nhiên, theo thực tế của hầu hết những vụ án lừa đảo mua nhà gần đây, phần thi hành nghĩa vụ dân sự này rất khó thực hiện, phần thiệt luôn thuộc về khách hàng. (Luật sư Lâm Văn Quang, đoàn Luật sư TP. Hà Nội) |