+Aa-
    Zalo

    Kỳ 2: Tham vọng mở rộng “đường biên giới” ở các vùng biển quốc tế?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Trong quá khứ, Bắc Kinh đã nhiều lần tổ chức tập trận tại các vùng biển khác trên thế giới. Dư luận quốc tế băn khoăn với câu hỏi: Trung Quốc có mục tiêu gì?

    (ĐSPL) - Trong quá khứ, Bắc Kinh đã nhiều lần tổ chức tập trận tại các vùng biển khác trên thế giới. Dư luận quốc tế băn khoăn với câu hỏi: “Trung Quốc có mục tiêu gì, khi liên tục gia tăng sự hiện diện tại các vùng biển trên thế giới?”.

    Tàu chiến của Hải quân Trung Quốc tập trận trên Biển Đông hồi tháng 5/2016.

    Tiếp tục đánh lừa dư luận

    Trước cuộc tập trận diễn ra ngày 5- 11/7 vừa qua, Trung Quốc đã nhiều lần tổ chức các cuộc tập trận trên Biển Đông. Chỉ tính riêng trong năm 2015, 3 cuộc tập trận mà truyền thông Trung Quốc công khai là cuộc tập trận bắn đạn thật vào tháng 7/2015, 8/2015 và tháng 12/2015. Trong đó, phải kể tới cuộc tập trận cuối năm 2015, trang chính thức của nhật báo Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA Daily) thông tin, Trung Quốc đã cho triển khai tàu chiến, tàu ngầm và chiến đấu cơ. Bắc Kinh đã thông tin cuộc tập trận đó mô phỏng một vụ tấn công bằng tên lửa hành trình trên Biển Đông.

    Song, truyền thông nước này cũng khẳng định: “Đây là những cuộc tập trận thường niên, nhằm tăng khả năng phòng thủ và các chiến thuật khác của Hải quân Trung Quốc”. Và gần như phía Trung Quốc không đề cập chính xác vị trí diễn ra các cuộc tập trận trên Biển Đông.

    Reuters dẫn lời phát biểu của một sỹ quan tham gia cuộc tập trận trên Biển Đông hồi tháng 4/2016, ông Tian Junqing: “Chúng tôi phải đưa ra những tình huống phức tạp, nhằm tạo ra môi trường chiến đấu nguy hiểm và căng thẳng như tác chiến thực tế. Nó đóng vai trò quan trọng để tạo ra sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các lực lượng”.

    Tháng 5/2016, Trung Quốc tiến hành một cuộc tập trận gần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đồng thời, Bắc Kinh cũng huy động cả lực lượng đang đồn trú trái phép trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa tham gia. Tạp chí The Diplomat (Nhật Bản) đưa ra bình luận: “Hành động của Trung Quốc khi tiến hành nhiều cuộc tập trận tại Biển Đông cùng sự hiện diện của hạm đội tàu ngầm thể hiện Bắc Kinh đang gia tăng các hoạt động khiêu khích, đi ngược lại với những phát ngôn mà nước này luôn đánh lừa dư luận”.

    Không chỉ gia tăng ảnh hưởng trên Biển Đông, thời gian qua, Bắc Kinh vẫn luôn duy trì nhiều hoạt động ngầm tại các vùng biển khác trên thế giới. Không ít quốc gia đã phải bất ngờ, khi phát hiện tàu ngầm Trung Quốc tuần tra bí mật trong vùng lãnh hải quanh khu vực nước đó kiểm soát.

    Hãng thông tấn Reuters đưa tin, chỉ mới trong tháng Năm vừa qua, Ấn Độ và Mỹ đã tiến hành đàm phán nhằm hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động chống ngầm ở Ấn Độ Dương. Bước tiến thắt chặt mốiquan hệ trên diễn ra trong bối cảnh chính quyền New Delhi cảnh giác về sự tăng cường hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc xung quanh khu vực này.

    Cả Mỹ và Ấn Độ đều quan tâm đến những hoạt động ngày càng “bành trướng” và mục tiêu của Hải quân Trung Quốc, khi luôn cố gắng thể hiện tầm “ảnh hưởng” rộng lớn trên Biển Đông và thách thức Ấn Độ ở Ấn Độ Dương. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh nhiều lần tàu tuần tra Ấn Độ phát hiện tàu ngầm Trung Quốc xuất hiện quanh khu vực vùng biển thuộc kiểm soát của nước này.

    Về phía Bắc Kinh, hãng thông tấn Reuters cho hay, để đáp trả hành động “săn lùng” tàu ngầm từ phía Mỹ và Ấn Độ, Trung Quốc đã tăng cường thêm nhiều số lượng tàu ngầm để rà soát các cuộc tuần tra của Hải quân Ấn Độ trên biển Ấn Độ Dương.

    Tờ Hindustan Times đầu năm nay đã có bài phân tích lưu ý rằng, tham vọng của Trung Quốc đang ngày càng lớn tại Ấn Độ Dương, vùng biển nối giữa châu Á và châu Âu. Dường như Bắc Kinh đang nỗ lực tìm cách mở rộng “biên giới” của nước này ở các vùng biển quốc tế. Bằng việc xây dựng các cơ sở quân sự ở những hòn đảo nhân tạo bồi đắp ở Biển Đông, Trung Quốc đang có được vị trí chiến lược để tiến thẳng vào Ấn Độ Dương. Trang mạng Sina của Trung Quốc từng khẳng định, chỉ cần 10 tàu ngầm tấn công là Bắc Kinh có thể phong toả tuyến đường biển phía đông và tây của Ấn Độ. Điều này khiến giới quan sát quân sự thế giới càng lưu ý về hạm đội tàu ngầm Trung Quốc.

    “Dằn mặt” nhằm phô trương sức mạnh

    Chuyên gia về tàu ngầm Collin Koh, trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam nhận định: “Tầm quan trọng của vùng biển Ấn Độ Dương đang ngày càng lớn, đặc biệt về vị trí chiến lược được xếp vào loại hàng đầu vì nó tiếp giáp 3 châu lục (châu Á – châu Phi – châu Đại Dương). Vùng biển này nắm giữ tiềm năng khổng lồ khi cung cấp 2/3 lượng lưu thông thương mại hàng hải của toàn thế giới. Vị trí chiến lược này tác động đến cán cân quyền lực, trật tự biển và địa chính trị tại châu Á, vịnh Ba Tư và xa hơn nữa. Việc Mỹ và các nhà lãnh đạo thế giới hỗ trợ Ấn Độ trong chiến tranh chống ngầm góp phần củng cố tiềm năng quân sự của New Delhi trong khu vực”.

    Để đáp lại, Trung Quốc đã gửi thêm nhiều tàu ngầm tấn công tới Ấn Độ Dương để dõi theo các cuộc tuần tra của hải quân các nước. Ngoài việc tập trận và do thám ngầm dưới biển sâu, thực tế cho thấy, Trung Quốc đã có những bước đi riêng, nhằm duy trì sức mạnh và kết nối giao thông hàng hải thương mại toàn cầu trên Ấn Độ Dương bằng cách xây dựng các cảng và cơ sở hạ tầng, căn cứ quân sự trên nhiều khu vực. Hồi tháng 3/2016, để tăng ảnh hưởng bao trùm Ấn Độ Dương, Bắc Kinh đã khởi công xây căn cứ quân sự tại Djibouti và Sri Lanka. Hai quốc gia này tưởng chừng như không liên quan đến nhau nhưng đều nằm ở những vị trí chiến lược của Ấn Độ Dương. Điều này càng khiến giới quan sát để ý đến “đích nhắm” của Trung Quốc vào khu vực này.

    Nhật Bản là quốc gia cũng sẽ tham gia tập trận chung thường niên cùng Ấn Độ và Mỹ trước hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc quanh vùng biển phía tây Thái Bình Dương. Trước đó, Tokyo vẫn luôn cảnh giác, theo dõi hoạt động của Hải quân Trung Quốc quanh vùng biển này.

    PGS.TS Nguyễn Thị Quế, nguyên Viện trưởng viện Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phân tích: “Vấn đề Trung Quốc tập trận trên Biển Đông không chỉ riêng Việt Nam, mà các nước trong khu vực, trên thế giới đều bày tỏ quan ngại. Các cuộc tập trận trên Biển Đông của Trung Quốc trong thời gian qua một phần để đáp lại những hành động khi Washington tổ chức tập trận cùng Philippines trên Biển Đông. Ngoài ra, Trung Quốc cũng muốn thể hiện sức mạnh của mình, đối trọng với Mỹ. Mặt khác, dưới góc nhìn của người nghiên cứu quan hệ quốc tế, cuộc tập trận của Trung Quốc sẽ tác động tới việc chạy đua vũ trang trong khu vực. Đối với riêng Việt Nam, cuộc tập trận của Trung Quốc chính là lời cảnh báo, chúng ta cần cảnh giác hơn nữa trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, giữ gìn an ninh biển đảo”.

    Chuyên gia này cũng nói thêm: “Trung Quốc muốn thể hiện sức mạnh của mình trên mọi vùng biển, đại dương, hành động này nằm trong chiến lược “Một vành đai, một con đường” của lãnh đạo nhà nước Trung Quốc. Tập trận ở các khu vực khác, đương nhiên không phải là lợi thế của Trung Quốc, vậy nên Bắc Kinh luôn tìm kiếm “đồng minh” để phô trương sức mạnh của mình. Nhưng với các cuộc tập trận của Trung Quốc trên Biển Đông, Bắc Kinh như muốn gửi thông điệp “dằn mặt” các nước trong khu vực và trên thế giới đặc biệt là Mỹ. Trung Quốc muốn cho thế giới thấy sức mạnh quân sự của mình...”

    HÀ ANH

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ky-2-tham-vong-mo-rong-duong-bien-gioi-o-cac-vung-bien-quoc-te-a140289.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan