(ĐSPL) - Ít ai có thể ngờ, một bệnh nhân nam 36 tuổi, ngoại hình khá to cao, nhập viện với bệnh lý tiêu chảy, sốt cao lại có thể rơi vào tình trạng sốc nhiễm khuẩn (nhiễm trùng máu), ý thức lơ mơ, suy đa tạng: Gan, tuần hoàn, hô hấp, thận.
Tiên lượng nguy cơ tử vong gần như là… 100\%. May mắn, sau hai lần lọc máu liên tục, bệnh nhân đã thoát khỏi bàn tay tử thần đầy ngoạn mục. Trường hợp hi hữu nữa là cụ bà bị nhiễm vi khuẩn E-coli trong máu, loại vi khuẩn này được ví như… “thần chết”.
Nhập viện vì tiêu chảy...
Những thiết bị y tế chằng chịt xung quanh người bệnh là điều dễ dàng nhận thấy ở các bệnh nhân nằm điều trị tại khoa Hồi sức và Cấp cứu, bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Hà Nội.
Ở đây, mỗi giờ, mỗi phút trôi qua, đều là những thời khắc của sự đấu tranh giành giật tính mạng bệnh nhân của các y, bác sỹ. Hơn 1 tháng sau khi bệnh nhân rời khỏi khoa Hồi sức và Cấp cứu nhưng bác sỹ Dương Thanh Sơn, người trực tiếp điều trị, thực hiện lọc máu cho bệnh nhân N.N.B. (36 tuổi, Hà Nội) vẫn nhớ rõ ràng từng chi tiết về trường hợp bệnh nhân này.
Bởi không phải bệnh nhân nhiễm HIV nào cũng may mắn được lọc máu liên tục thoát khỏi tình trạng sốc nhiễm khuẩn có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng.
Thông tin từ người nhà bệnh nhân cho biết, bệnh nhân trước khi nhập viện sốt 10 ngày liên tục, bị tiêu chảy. Bệnh nhân vào điều trị tại khoa Nội với bệnh lý rối loạn tiêu hoá và được chẩn đoán là nhiễm khuẩn đường tiêu hoá.
Ảnh minh họa. |
Sau 3 ngày nằm điều trị tại khoa Nội, tình trạng bệnh nhân được các y, bác sỹ tiên lượng xấu. Theo đó, anh B. rơi vào tình trạng tụt huyết áp với chỉ số nguy hiểm là 90/60, 1 tiếng sau nhập viện chỉ số giảm tiếp xuống 70/30, 3 tiếng sau huyết áp xuống chỉ còn 50/30.
Do bệnh nhân bị tụt huyết áp nhiều lần, hệ thống thần kinh bị suy giảm chức năng, cơ thể không tự kịp điều chỉnh để cung cấp đủ dinh dưỡng và oxy cho các cơ quan có chức năng sống còn như não, tim, thận nên gây tổn thương các cơ quan này.
Tình trạng này nếu không được cải thiện kịp thời bệnh nhân sẽ tử vong. “Chúng tôi bất ngờ khi bệnh nhân còn khá trẻ, cơ thể cũng tương đối to béo và được điều trị tích cực, nhưng tình trạng lâm sàng lại diễn biến theo chiều hướng khó lường đến như vậy.
Đặc biệt, qua khai thác tiền sử bệnh tật, người nhà cho biết, bệnh nhân liên tục sốt, tiêu chảy. Ở da xuất hiện các mụn mủ dưới các nang lông. Ngoài ra, công việc của bệnh nhân là lái xe khiến chúng tôi nghi ngờ có thể bệnh nhân mắc HIV.
Ngay lúc đó, chúng tôi đã cho xét nghiệm máu, test nhanh và kết quả là dương tính với vi-rút HIV, số lượng tế bào CD4 (số lượng tế bào miễn dịch – PV) trong 1ml máu chỉ còn có 20 tế bào. Bệnh nhân đã bước vào giai đoạn cuối là AIDS.
Sức đề kháng của cơ thể gần như bằng 0”, bác sỹ Sơn kể lại. Sau khi bệnh nhân được chuyển xuống khoa Hồi sức và Cấp cứu, anh này rơi vào tình trạng sốc nhiễm trùng nặng, huyết áp không đáp ứng khi truyền dịch.
Các bác sỹ phải sử dụng hai loại thuốc vận mạch với liều cao cho bệnh nhân. “Chúng tôi không biết người nhà bệnh nhân và bản thân bệnh nhân B. có biết mình bị HIV hay không, nhưng sau khi trao đổi tình trạng của bệnh nhân với gia đình thì họ đã rơi vào tuyệt vọng, muốn buông xuôi.
Chúng tôi cũng đã gặp gỡ, trao đổi, động viên gia đình nỗ lực cùng các y, bác sỹ để cứu chữa cho bệnh nhân. Ngay lúc đó, các y, bác sỹ, Trưởng khoa, Giám đốc bệnh viện đã hội chẩn nhanh và quyết định sử dụng kỹ thuật lọc máu liên tục, kết hợp dùng kháng sinh để có cơ hội cứu sống bệnh nhân”, bác sỹ Sơn chia sẻ.
Điều kỳ diệu đến với cụ bà nhiễm vi khuẩn “thần chết”
Theo tìm hiểu của PV, anh B. là một trong số ít trường hợp hiếm hoi, bệnh nhân HIV được lọc máu liên tục. Không giấu những chia sẻ thật lòng của mình về ca bệnh này, bác sỹ Sơn cho biết, ngay sau khi biết bệnh nhân bị HIV, các y, bác sỹ đã phải thông báo cho người nhà, đặc biệt là vợ bệnh nhân về các biện pháp an toàn cần áp dụng để tránh bị lây nhiễm.
Ngoài ra, nguy cơ phơi nhiễm với các nhân viên y tế với trường hợp bệnh nhân bị HIV ở trong tình trạng cấp cứu thập tử nhất sinh là rất cao. “Quá trình điều trị cho bệnh nhân phải làm rất nhiều thủ thuật y tế có tiếp xúc với máu bệnh nhân. Chính vì thế, chúng tôi cũng cố gắng bảo hộ để giảm nguy cơ phơi nhiễm HIV với các y, bác sỹ ở mức thấp nhất”, bác sỹ Sơn cho biết.
Để hiểu rõ hoàn cảnh khó khăn đó, chúng tôi hỏi bác sỹ Sơn về cảm xúc khi thực hiện ca cấp cứu này, bác sỹ Sơn chia sẻ: “Thực sự, nếu như không được lọc máu liên tục kết hợp điều trị tích cực kịp thời, khả năng sống sót của bệnh nhân này gần như 0\%, là một bác sỹ, cứu sống bệnh nhân là trách nhiệm của chúng tôi, chỉ cần có hy vọng.
Chính vì thế, sau khi cấp cứu, hồi sức tích cực, chúng tôi đã quyết định tiến hành lọc máu cho anh B.. Đặc biệt, đây cũng là kỹ thuật mới mà chúng tôi được bệnh viện Bạch Mai chuyển giao. Chính vì thế, chúng tôi càng nỗ lực hơn để bệnh nhân ở ngay các bệnh viện cơ sở có cơ hội sử dụng kỹ thuật cao cứu sống bệnh nhân, kéo dài sự sống quý giá.
Sau hai lần lọc máu liên tục, bệnh nhân ổn định và được chuyển sang khoa Truyền nhiễm để tiếp tục điều trị bệnh HIV”. Không mang trong mình căn bệnh thế kỷ nhưng tuổi già, lại “đeo” trong người căn bệnh đái tháo đường đã 10 năm, cụ bà Lê Thị H. (81 tuổi) cũng khó tránh khỏi tình trạng thập tử nhất sinh nếu không được lọc máu kịp thời.
Cụ H. nhập viện trong tình trạng sốt cao 40oC – 410C, liên tục kéo dài khoảng 5 ngày. Kèm theo đó, cụ H. xuất hiện triệu chứng khó thở, tức ngực, huyết áp tụt nhanh.
Các biện pháp hạ sốt đều không hiệu quả. Bệnh nhân được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn phải dùng thuốc hỗ trợ vận mạch liều cao. “Kết quả cấy máu của bệnh nhân cho thấy xuất hiện vi khuẩn E-coli trong máu.
Sau 8 tiếng nhập viện, bệnh nhân nhanh chóng được lọc máu liên tục kết hợp điều trị kháng sinh tích cực. Sau lọc máu một lần, các chỉ số sinh tồn của cơ thể cụ H. bắt đầu khả quan.
Một ngày sau, bệnh nhân được cắt thuốc vận mạch, sau 3 ngày bệnh nhân cắt sốt, 10 ngày sau bệnh nhân được xuất viện”, bác sỹ Sơn cho biết.
Không chỉ cứu sống hai bệnh nhân đặc biệt nói trên, với việc làm chủ kỹ thuật lọc máu, bệnh viện Đa khoa Đống Đa cũng đang tiến hành áp dụng kỹ thuật này với nhiều bệnh nhân bị suy tạng, viêm tuỵ cấp...
Theo tìm hiểu của PV, chi phí cho một lần lọc máu dao động từ 15 – 20 triệu đồng. Sau 3 tháng triển khai kỹ thuật lọc máu cho bệnh nhân, bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Hà Nội đã thực hiện được 10 ca bệnh. Trong đó, tỉ lệ thành công là 9/10.
Trường hợp không thành công là ca bệnh nhân đến viện trong tình trạng ngừng tim, đã được cấp cứu ngừng tuần hoàn một lần.
Sốc nhiễm khuẩn là hội chứng lâm sàng nặng thường gặp, các trường hợp đến bệnh viện muộn, điều trị không cải thiện sẽ dẫn đến suy đa tạng, nguyên nhân của tỉ lệ tử vong cao và là gánh nặng đối với hệ thống chăm sóc y tế. Trong vòng 6 giờ xảy ra sốc nhiễm khuẩn, nếu bệnh nhân không được chẩn đoán, cấp cứu kịp thời, đưa ra khỏi tình trạng sốc thì sẽ khó cứu chữa do các tổn hại tế bào, suy tạng. Không có một test đặc hiệu nào để chẩn đoán nhiễm khuẩn. Các triệu chứng sau gợi ý chẩn đoán: Sốt hoặc thân nhiệt hạ, thở nhanh, mạch nhanh, tăng hoặc giảm bạch cầu, thay đổi đột ngột tình trạng tinh thần, giảm tiểu cầu hoặc hạ huyết áp. Bệnh nhân N.N.B. (36 tuổi) thời điểm nằm cấp cứu tại khoa Hồi sức và Cấp cứu, bệnh viện Đống Đa, Hà Nội. |
Đ.T
Xem thêm video tin tức hót nhất:
[mecloud]rtviJpa90F[/mecloud]