Xã Ngũ Lão, huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng là một trong những nơi ở thành phố Cảng nổi tiếng với việc “xuất khẩu cô dâu Việt” sang Hàn Quốc. Những cuộc gặp gỡ giữa dâu và rể diễn ra chớp nhoáng. Những cái gật đầu đồng ý lấy nhau chỉ trong “một nốt nhạc”. Đám cưới diễn ra chóng vánh trong vòng 1 ngày sau khi xem mặt. Hạnh phúc hay khổ đau, số phận của những cô dâu Việt gói gọn trong hai chữ may-rủi.
Lựa chồng, chọn vợ như mớ rau
Trong vai một cô gái đang độ xuân xanh, mong muốn lấy chồng Hàn Quốc để đổi đời sau khi chán cảnh làm công ty với mức lương bèo bọt, tôi được một người quen giới thiệu với madam Th. ở huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Madam Th. khoảng 50 tuổi và đã có hơn chục năm kinh nghiệm trong việc làm “bà mối” cho những cô dâu Việt.
“Madam này lựa rể cho dâu kỹ lắm, không phải ai bà ấy cũng làm mối cho đâu. Cứ yên tâm làm dâu của madam này nhé” – người quen của tôi cho biết.
Sau khi xin được số điện thoại của madam Th., tôi lập tức liên hệ. Trong điện thoại, giọng một người phụ nữ khá ngọt ngào vang lên xác nhận tên là Th. và hỏi với giọng điệu cảnh giác: “Làm sao em biết được số điện thoại của chị?”. Lấy cớ một người bạn làm ở khu công nghiệp đã từng được madam Th. làm bà mối tôi nhanh chóng nhận được sự tin tưởng của bà này.
Sau một hồi làm quen qua điện thoại, nhận thấy nhu cầu lấy chồng Hàn Quốc của chúng tôi là thật, madam Th. dặn: “Mối thì có nhưng đã đi với chị, các em phải theo chị, không có chuyện người nọ gọi, người kia gọi là chị không giúp được”.
Rồi madam Th. nói đang ở Hà Nội, sẽ chủ động liên hệ với tôi khi về đến Hải Phòng. Sáng thứ Bảy, ngay từ sáng sớm, điện thoại của tôi reo liên tục. Là madam Th. gọi, dặn đúng 9h phải có mặt tại nhà hàng Hồng Ngọc ở xã Ngũ Lão, huyện Thủy Nguyên để gặp mặt. Tôi và chị đồng nghiệp tên T. trang điểm nhẹ rồi lên đường.
“Thủ phủ” xuất cô dâu Việt núp bóng nhà hàng. |
Qua thị trấn Núi Đèo hướng theo Quốc lộ 10 khoảng vài kilomet, chúng tôi giả vờ hỏi đường để thăm dò.
“Các cô cứ đi thẳng khoảng 2 cây số nữa thì sẽ thấy nhà hàng đó ngay phía bên tay phải. Nhà hàng lớn nhất ở đây đấy. Xinh đẹp thế này chắc đi tuyển chồng Hàn hả?” – một người phụ nữ địa phương vừa hỏi vừa đưa mắt nhìn chúng tôi cười.
Chúng tôi ngạc nhiên không hiểu sao người phụ nữ này biết nên hỏi lại: “Sao cô lại biết thế?”. “Nhìn hai đứa đi xe biển xx đã biết không phải người Hải Phòng rồi. Nhà hàng hai đứa hỏi người ở đây còn lạ gì. Trước nhà hàng ấy tên là Thảo Viên, thời gian gần đây mới đổi thành Hồng Ngọc. Đám cưới giữa cô dâu Việt và chồng Hàn Quốc từ trước đến nay đều tổ chức ở đấy hết. Lựa chồng chọn vợ như mớ rau. Nhanh lắm” – người phụ nữ này nói tiếp.
Điện thoại của tôi lại rung lên. Madam Th. lại gọi và giục: “Sắp đến chưa em. Nhanh lên nhé. Đến nhà hàng rồi chị đón”.
Xe chúng tôi vừa dừng trước cửa nhà hàng Hồng Ngọc, một người phụ nữ khoác lên mình chiếc áo chống nắng đầy họa tiết xưng là madam Th. nhanh nhẹn chỉ cho nơi cất xe và đi vào khu vực tuyển dâu Việt, rể Hàn.
Ưng là “múc” luôn
Nhà hàng Hồng Ngọc có khuôn viên khá rộng, ở giữa là một hồ nước xanh ngắt. Ngồi dồn về một phía hồ là hàng chục cô gái xinh đẹp, có lẽ đều từ 18 tuổi trở lên. Những cô gái này ăn mặc đẹp nhất có thể. Có cô váy ngắn, đi giày cao gót nhìn khá sành điệu. Cũng có nhiều người mặc quần áo một cách kín đáo nhưng bó sát cơ thể, phô ra những đường cong, nét đẹp của mình. Ai cũng trang điểm kỹ càng, có cô phấn son lòe loẹt.
Các cô gái ngồi chờ đến lượt vào xem mặt chú rể. |
Cách chỗ các cô gái đang ngồi khoảng vài mét là 3, 4 phòng xây dựng sát nhau, được thiết kế theo kiểu chòi. Chưa đầy 5 phút, cửa chòi gỗ mở. Một cô gái lắc đầu đi ra, cô gái khác bước vào. Bên trong loáng thoáng có một, hai người đàn ông Hàn Quốc đang ngồi ở bàn.
Thấy chúng tôi ngơ ngác đứng nhìn, madam Th. lại gần, hỏi: “Ai trong hai người có nhu cầu lấy chồng Hàn?”. Chị T. (người đi cùng tôi) chỉ vào tôi. Lập tức, madam Th. kéo tôi, định đưa vào một trong những chòi gỗ ở gần đó để xem rể. Tôi cuống quýt níu tay madam Th. lại và bày ra bộ mặt ngây thơ, vội vàng nói: “Từ từ bu ơi. Con lần đầu đến đây, chưa hiểu chuyện gì. Vào trong đấy biết nói thế nào”.
Dường như nhận ra sự vội vàng của mình, madam Th. dừng lại, đưa chúng tôi ra bàn ngồi chờ và nói sơ qua về việc lấy chồng Hàn. Theo madam Th., trong mỗi chòi gỗ kia có một rể Hàn Quốc đang chờ sẵn. Hết lượt rể này sẽ đến lượt rể khác vào trong đó để đợi xem mặt cô dâu. Vì vậy phải tranh thủ từng giây để có thể xem mặt hết rể, ưng ai là “múc” luôn.
Madam Th. cũng dặn tôi: “Vào trong đó, nếu người ta hỏi tại sao muốn lấy chồng Hàn thì trả lời là trai Hàn đẹp, tốt bụng, chiều vợ. Như vậy mới dễ trúng tuyển”.
Rồi madam Th. nói thêm, mỗi dâu (cô gái-PV) đến xem mặt chú rể như thế này sẽ được 30.000 đồng – 50.000 đồng tùy theo “dâu” là người Hải Phòng hay người ngoại tỉnh. Số tiền này gọi là chi phí đi lại của “cô dâu”.
Tôi thắc mắc hỏi lại: “Vậy mỗi rể đến đây xem dâu chắc mất nhiều tiền bu nhỉ?”. “Chi phí thuê địa điểm xem mặt, chi phí cho các madam dẫn dâu, phí đi lại cho các con như bu vừa nói đấy, chắc tầm vài triệu” – madam Th. không nghi ngờ câu hỏi của tôi mà trả lời luôn.
Rồi madam Th. giục tôi vào xem mặt rể. Tôi bước ra khỏi bàn chờ, một phụ nữ dáng mảnh khảnh, nước da ngăm đen, ánh mắt lạnh lùng nhìn tôi rồi nhanh chóng quay đi, nói to với các cô gái đang ở gần mình: “Cất hết điện thoại đi. Bỏ vào túi. Rồi... em này vào đi. Em kia đứng đây chờ. Cứ theo thứ tự mà vào nhé”.
Trong lúc chờ đến lượt vào xem rể, madam Th. kéo tôi đi đến cạnh một gốc cây, yêu cầu tôi tạo dáng và chụp ảnh. Sau đó, madam Th. gửi ảnh tôi cho một người qua Zalo kèm theo những số liệu về tên, tuổi, chiều cao, cân nặng của tôi.
Nhận ra ánh mắt đầy tò mò của tôi, Th. nói nhanh: “Gửi để rể không qua được Việt Nam xem mặt dâu thì chọn qua ảnh”.
Một cô gái trẻ, tóc ngắn, gương mặt khá ưa nhìn tiến đến trước mặt tôi chăm chú nhìn. Biết tôi chưa kết hôn lần nào, cô gái này kéo tôi ra chỗ khác, đưa điện thoại lên quay tôi và nói: “Bây giờ chị hỏi gì thì em trả lời nhé”. Không đợi tôi đồng ý, cô gái này đã cất tiếng hỏi: “Em tên là gì? Nhà em ở đâu...” và phiên dịch câu trả lời của tôi sang tiếng Hàn. Xung quanh, một số cô gái cũng “được quay” giống tôi.
“Người ta bảo gì thì làm nấy thôi, em cũng không hiểu người ta quay để làm gì. Có ai giải thích cho mình hiểu đâu” – một cô gái đi xem rể nói khi tôi bắt chuyện làm quen. Từ xa, madam Th. đang đứng cạnh cửa một chòi gỗ, vẫy tay ra hiệu tôi lại gần. Tôi cất điện thoại vào túi xách theo quy định và bước vào căn chòi gỗ, bắt đầu cho công cuộc “tuyển chồng Hàn”...
Kén vợ qua clip Tôi đề cập đến vấn đề này với D.L. - một người bạn đã lấy chồng Hàn Quốc được vài năm cũng thông qua dịch vụ môi giới. D.L. cho biết, có rất nhiều đàn ông Hàn Quốc đăng ký qua công ty môi giới để lấy vợ Việt nhưng không thể trực tiếp sang để chọn dâu khác vì họ bận công việc. Vì thế, những bà mối gửi ảnh, clip phỏng vấn mình sang cho người của công ty bên Hàn để họ đưa cho rể chọn. “Có người thích chọn dâu qua ảnh, có người lại thích xem clip. Nếu ưng ai thì họ sẽ sắp xếp qua Việt Nam để gặp trực tiếp và làm thủ tục kết hôn” – D.L. nói. |
Nhóm Phóng Viên (Còn nữa)