+Aa-
    Zalo

    Kỳ 1: Hồng nhan bạc mệnh?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Khi những định kiến xã hội đâu đó vẫn còn suy nghĩ “không chồng mà chửa”, đau đớn hơn chính người thân cũng ruồng rẫy họ...

    (ĐSPL) - Người ta thường ví “phụ nữ như đóa hoa hồng”. Họ sẽ càng đẹp đẽ hơn khi được trời ban cho thiên chức làm mẹ. Nhưng, cũng có những người phụ nữ, với khát khao yêu thương, chân thành trao đi cái quý giá nhất đời người, để đổi lại một đời giông gió. Ngôi nhà tạm lánh trở thành nơi bình yên, cứu vớt cuộc đời họ.

    Khi những định kiến xã hội đâu đó vẫn còn suy nghĩ “không chồng mà chửa”, đau đớn hơn chính người thân cũng ruồng rẫy họ, những người mẹ ấy khi mang trong mình sinh linh bé nhỏ đã phải sống trong tuyệt vọng. Họ đành tìm đến nhà tạm lánh để có chốn nương thân, vượt qua giông bão cuộc đời.

    Những đóa hồng mong manh

    Chúng tôi được chị Nguyễn Thị Căn (người được cha xứ Tịnh – người sáng lập nhà tạm lánh, giao nhiệm vụ quản lý nhà tạm lánh) dẫn vào thăm nhà tạm lánh (thuộc phường Hố Nai, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) vào buổi trưa một ngày đầu năm 2015. Trong ngôi nhà chứa chất những mảnh đời rất đỗi bi thương này hiện có hàng chục số phận mà mỗi chị em là một câu chuyện đời đẫm nước mắt.

    Chị Căn cho biết: “Các em vào đây, tìm hiểu từng hoàn cảnh mới cảm nhận hết nỗi đau mà những người phụ nữ lầm lỡ phải chịu đựng. Chị cũng không hiểu sao đến bây giờ xã hội vẫn còn những suy nghĩ cổ hủ khiến nhiều phụ nữ phải đau đớn đến vậy”.

    Chị Căn đang kể chuyện cùng PV.

    “Ngôi nhà yêu thương”. Đó là cách chị Căn vừa dí dỏm vừa xót xa giới thiệu cho chúng tôi. Chị tâm sự: “Ở đây là nơi nương tựa của những em gái trót dại lầm lỡ, các em vào đây mỗi người một hoàn cảnh, nhưng chung quy lại là cực kỳ bi kịch. Cùng hoàn cảnh nên chị em rất thương yêu nhau, nên gọi là nhà yêu thương chứ cũng chẳng phải cái tên thật đâu”. Trong ngôi nhà khoảng 300m2, thiết kế gồm bảy phòng, mỗi phòng 20m2, phần diện tích đất còn lại làm sân và nhà bếp.

    Có một điểm chung là “ngôi nhà không có đàn ông”, ngoại trừ vài cháu trai mới sinh ra, còn tất cả là phụ nữ. Chị Căn chia sẻ: “Ai có bầu mà người yêu hay chồng ruồng bỏ cũng tìm vào đây, đa số là chị em chuẩn bị sinh, độ tuổi từ 16 đến 35, tất cả có hơn 30 bà mẹ, đến từ khắp nơi trên đất nước. Cùng hoàn cảnh nên mọi người rất yêu thương và giúp đỡ nhau”.

    Trong hơn ba mươi người phụ nữ mang thai đến đây tạm lánh, tất cả đều rất xinh đẹp nhưng trên gương mặt ai cũng mang nét u buồn cố hữu. Không biết câu “hồng nhan bạc mệnh” của ông bà xưa có “vận” vào các cô gái này không, nhưng phận đời các cô thật bạc bẽo, đáng thương.

    Trong số ấy tôi ấn tượng nhất với Nguyễn Hạnh Dung (SN 1998). Lẽ ra, bây giờ, Dung đang ngồi trên ghế nhà trường như bao bạn bè cùng trang lứa để được vui chơi, bay nhảy... Nhưng số phận đưa đẩy, Dung sớm thành đàn bà, 17 tuổi cô đã có đứa con vừa tròn hai tháng tuổi. Cô bé ấy khiến tôi bị ám ảnh, khuôn mặt tròn trĩnh, nước da trắng ngần của con gái miền Tây, vẫn không lấp liếm được nỗi buồn của người mẹ trẻ đơn thân.

    Trái tim lầm lỡ đặt lên đầu

    Trong cơn xúc động, Hạnh Dung kể chuyện tình của chính mình bằng cái giọng đứt quãng xen lẫn ai oán, tủi nhục: “Em học dở lớp 9 thì gặp ba đứa bé. Anh ấy tên Tài, quê tận ngoài Bắc vào miền Tây làm ăn. Anh ấy hơn em gần chục tuổi, cao ráo đẹp trai, lại có nghề nghiệp ổn định nên em mê lắm. Lúc mới yêu, anh hứa hẹn đủ điều, em giấu ba mẹ hẹn hò với anh. Em chưa bao giờ yêu và thần tượng một ai như thế, yêu mù quáng lắm chị ạ. Cứ ở bên anh là em quên hết tất cả”.

    Cũng vì “cứ ở bên anh là em quên tất cả” nên khi Tài đòi hỏi, Dung đã không thể từ chối. Cô đã trao cái “ngàn vàng” cho người đàn ông mà cô yêu hơn cả bản thân mình. Tình yêu đẹp đẽ ấy cũng kéo dài được một thời gian. Nhưng khi Dung báo tin mình có thai, cũng là lúc tên Tài hiện nguyên hình thành gã họ “Sở”. Dung chua chát nói: “Thấy mình khác lạ trong người, em nghi mình có thai. Bởi em hay lên mạng tìm hiểu về giới tính nên em biết, em lo lắng báo tin cho Tài. Em cứ nghĩ rằng anh ấy sẽ rất đỗi vui mừng, nhưng không ngờ mặt anh sa sầm lại. Anh ngồi im lặng rất lâu, sau đó anh nói em đi phá thai”.

    Khi nghe Tài bảo cần phải phá thai, Dung rất hoang mang. Nhưng lúc đó Dung còn nhỏ tuổi, ba mẹ lại rất nghiêm khắc nên Dung sợ. Nhớ lại thời gian này Dung buồn bã chia sẻ: “Em chưa từng trải qua những ngày tháng như thế bao giờ. Từ khi em biết mình có thai, rồi đến việc em thông báo cho anh Tài và anh ấy nói phải đi phá, em thấy suy sụp hoàn toàn, niềm tin đổ vỡ và nỗi lo sợ luôn vây bám. Em không dám nói với mẹ, cũng chẳng dám tâm sự với bất cứ ai,...”.

    Dù vậy, cái thai ngày càng lớn dần, bao lần Tài đòi đưa đến bệnh viện nhưng Dung sợ, Dung nói: “Em đọc trên mạng thấy người ta kể về tác hại của nạo phá thai, em sợ lắm nên không dám đi,...”. Rồi câu chuyện vỡ lở, lúc đầu là hàng xóm xì xầm về cái bụng lù lù của Dung. Sau đó, mẹ Dung tưởng em bị bệnh “xơ gan cổ trướng”, nên bắt Dung đi khám. Nhưng, Dung không chịu. Dung nói: “Em vừa sợ vừa buồn cười với mẹ, con gái có bầu lại cứ tưởng bị bệnh gì. Cũng có thể trong mắt mẹ em là đứa con ngoan. Chưa bao giờ em đi chơi khuya, cũng chẳng tí tởn gì với mấy đứa con trai trong xóm, nên mẹ không ngờ em có người yêu rồi, lại còn có bầu nữa,...”.

    Khi cái thai được năm tháng, Dung thú nhận với ba mẹ. Ngày đó là một ngày đáng nhớ nhất trong đời cô gái trẻ. Mẹ Dung đứng chết lặng nhìn cái bầu của con gái, còn ba Dung thì thực sự nổi cơn thịnh nộ. Dung nằm im trong phòng, mặc cho tiếng ba la hét, tiếng khóc nức nở của mẹ... Lúc đó không hiểu sao Dung lại nghĩ “đến nước này thì mình sẽ chẳng sợ gì nữa hết, mình sẽ sinh đứa con này ra. Đứa bé không có tội, mình sẽ hỏi Tài một lần nữa là có cưới không? Rồi mình sẽ tự nuôi con”. Dù nghĩ như thế, nhưng trong thâm tâm, Dung mong là Tài sẽ không nói câu từ bỏ. Là người con gái khi yêu chân thành, em đã đặt tất cả tình yêu và niềm tin vào người ta. Ai cũng mong mình nhận được những yêu thương chân thành và mong được người mình từng yêu thương chở che.

    Đang tuổi học trò, là cô bé rất đỗi mơ mộng lãng mạn, nên cuộc sống với Dung giống như cuốn tiểu thuyết màu hồng. Dung nghĩ, đời ai cũng lầm lỡ, nhưng biết đứng lên mới là điều đáng làm nhất. Nghĩ là làm, Dung lặng lẽ trốn ra cửa sau, đi ra quán cà phê ngồi hết buổi, gọi điện thoại cho Tài đến. Lần đầu tiên Dung nói với Tài: “Bây giờ cả ba mẹ em biết hết rồi, hàng xóm cũng biết rồi. Em chẳng còn gì mà phải giấu, cũng chẳng còn gì sợ nữa. Em muốn gặp anh để hỏi một chuyện rằng anh có muốn ở bên hai mẹ con em không? Anh phải nói thật lòng để em định lượng, có để em vui mừng, còn không để em lo liệu,...”.

    * Tên nhân vật đã được thay đổi

    Nghị lực sẽ được mài sắc khi chạm tới nỗi đau

    Đến bây giờ, Dung cũng không hình dung nổi tại sao cô lại có thể có những suy nghĩ lớn hơn tuổi như thế. Có thể, lúc đó Dung đã chạm đến tột cùng của sự đau đớn. Cũng có thể Dung sống trong một thời gian dài sợ hãi giấu giếm. Rồi đến lúc nó bung ra, Dung như vỡ òa đi trong sự đau đớn. Và Dung nhận ra, mọi thứ cũng đã phơi bày, không nên giấu giếm nữa. Điều trước mắt là phải đối mặt với thách thức, khó khăn,... “Và có lẽ lúc đó, nghị lực của em đã được mài sắc hơn, khi thực sự chạm tới nỗi đau,...”, Dung tâm sự.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ky-1-hong-nhan-bac-menh-a83569.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan