KTNN kiến nghị với Quốc hội, UBTVQH đổi, thay thế 36 văn bản nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tổ chức thực hiện quy định của Nhà nước tránh thất thoát, lãng phí.
Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã làm việc với Ủy ban Tài chính – Ngân sách (TCNS) của Quốc hội về báo cáo của Tổng Kiểm toán nhà nước về công tác năm 2019 của KTNN; và dự kiến kế hoạch kiểm toán (KHKT) 2020 của KTNN.
Theo kết quả công tác năm 2019 của KTNN, về thực hiện kiến nghị kiểm toán, đến thời điểm 20/8/2019, các đơn vị được kiểm toán và các đơn vị có liên quan đã thực hiện trên 47 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ thực hiện bằng 51,3%.
KTNN đã thực hiện công khai, cung cấp thông tin kết quả kiểm toán theo đúng quy định. KTNN đã chuyển hồ sơ 02 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự sang cơ quan cảnh sát điều tra; cung cấp 41 bộ hồ sơ kiểm toán cho các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, tòa án, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác.
KTNN kiến nghị sửa đổi, thay thế 36 văn bản để bịt lỗ hổng về cơ chế. Ảnh: SAV |
Trong công tác xây dựng và phổ biến pháp luật, KTNN đã trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN 2015 và đang tiếp tục tiếp tục hoàn thiện để thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.
Dự thảo báo cáo cũng nêu bật một số kết quả nổi bật của KTNN trong công tác tổ chức cán bộ, đào tạo; xây dựng cơ sở vật chất và ứng dụng CNTT; xây dựng Chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2020-2030 và tầm nhìn đến 2035.
Trình bày dự thảo báo cáo tóm tắt của Tổng Kiểm toán nhà nước về công tác năm 2019, KTNN kiến nghị với Quốc hội, UBTVQH đổi, thay thế 36 văn bản nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tổ chức thực hiện quy định của Nhà nước tránh thất thoát, lãng phí.
Trình bày về định hướng kiểm toán năm 2020 của KTNN, Phó Tổng KTNN Vũ Văn Họa cho biết, KHKT 2020 cuả KTNN giảm 30% số cuộc kiểm toán so với KHKT năm 2019. KTNN lựa chọn kiểm toán đối với một số chuyên đề kiểm toán có phạm vi kiểm toán rộng được dư luận xã hội quan tâm để tổ chức thực hiện trong toàn Ngành nhằm đánh giá toàn diện việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước xuyên suốt từ Trương ương đến địa phương. KTNN chủ động bố trí nhân lực và thời gian để thực hiện các nhiệm vụ được giao, đặc biệt là việc thực hiện kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa.
Phát biểu về nội dung này, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, KHKT 2020 giảm 30% số cuộc kiểm toán so với năm 2019 để KTNN tập trung nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, tổ chức đào tạo nâng cao trình độ và kỹ năng kiểm toán; bố trí đủ thời gian hoàn thành các nhiệm vụ chính trị khác trong năm 2020. Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết thêm, riêng đối với lĩnh vực đối chiếu thuế với Bộ Tài chính, trong năm 2019, KTNN đã giảm 50% số lượng các đầu mối đối chiếu và trong KHKT năm 2020 tiếp tục giảm. “Chúng tôi chỉ đạo KTNN các khu vực phối hợp chặt chẽ với các Cục thuế địa phương để tránh trùng lặp về đối chiếu. KTNN cũng niêm yết công khai các dự án, công trình đầu tư được kiểm toán để tránh trùng lặp trong công tác thanh tra, kiểm tra” – Tổng Kiểm toán nhà nước phát biểu.
Vũ Đậu(T/h)